Làm gì để bảo vệ và duy trì giá trị nguyên gốc của di tích?

Mạnh Cường
Mạnh Cường
22/10/2024 17:15 GMT+7

Đó là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại hội thảo khoa học 'Ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích' diễn ra tại Quảng Nam hôm nay (22.10).

Ngày 22.10, tại Bảo tàng Quảng Nam, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL) tổ chức hội thảo khoa học "Ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích".

Đây là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia… chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và công bố những công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích, đặc biệt là các kiến trúc đền tháp Champa trên địa bàn Quảng Nam.

Cần có những nghiên cứu chuyên sâu

Các chuyên gia tập trung thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn như: thực trạng quản lý bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích; kỹ thuật và công nghệ bảo quản vật liệu gạch, đá hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới; một số định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ hóa học và bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích; khả năng áp dụng cụ thể của các công nghệ, giải pháp, sản phẩm bảo quản các nhóm vật liệu gạch, đá trong di tích...

Làm gì để bảo vệ và duy trì giá trị nguyên gốc của di tích?- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo khoa học "Ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích"

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Trình bày tham luận tại hội thảo, Th.S Lê Văn Cường (Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, Quảng Nam) cho rằng trong những năm qua, Khu di sản Mỹ Sơn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều tổ chức trong và ngoài nước về bảo tồn phát huy giá trị di sản; đặc biệt là công tác trùng tu, tôn tạo, nghiên cứu vật liệu và chất bảo quản nhằm giúp cho những đền tháp tại đây trường tồn với thời gian.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, cần có sự đầu tư cả về vật lực và tài lực nhằm nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để có giải pháp bảo quản đền tháp, hiện vật hữu hiệu.

Th.S Lê Văn Cường đề xuất cần tập trung nghiên cứu tổng thể để có giải pháp bảo quản vật liệu tại Mỹ Sơn tốt hơn trong tình hình mới, nhất là với hiện tượng địa y, nấm mốc xuất hiện trên hiện vật, tường tháp...

"Chúng ta phải quan tâm công tác nghiên cứu gắn với thực nghiệm bảo quản vật liệu. Bên cạnh chất bảo quản mới, cần có sự quan tâm đến chất bảo quản tự nhiên, gần với người xưa. Cần tìm ra vật liệu phù hợp để khôi phục hiện trạng ban đầu, bảo vệ di tích khỏi sự tàn phá của tự nhiên", Th.S Cường nói.

Trong khi đó, TS Phạm Văn Triệu (Viện Khảo cổ học) cho rằng đối với các di tích được dựng lại nguyên trạng để trưng bày ngoài trời thì cần phải thực hiện các bước nghiên cứu cẩn trọng, liên ngành nhằm đánh giá toàn diện về di tích và vật liệu xây dựng di tích. Hướng đến xây dựng bảo tàng trưng bày ngoài trời theo đúng nghĩa đầu tư trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực có trình độ cao, hệ thống trang thiết bị phụ trợ hiện đại nhằm giải thích, diễn giải di tích tạo ấn tượng mạnh đối với khách tham quan. Tuy nhiên, tuyệt đối tránh các tác động bất lợi đến vật liệu xây dựng di tích, làm biến dạng di tích.

Đối với di vật, cần tuân thủ các quy trình bảo quản, nhất là bảo quản trong điều kiện môi trường kho kín, kiểm soát chặt chẽ các tác động bên ngoài. Trường hợp trưng bày ngoài trời, cần phải có phương án nghiên cứu và xử lý về hóa chất để không làm di vật bị xuống cấp.

Mở ra tiềm năng lớn cho việc bảo tồn lâu dài

TS Phạm Văn Triệu cho hay, trong các di tích khảo cổ học, gạch và đá là những nguồn vật liệu kiên cố, có độ bền cao, là thành phần chính cấu thành. Đó là những chỉ dấu giúp cho nhà nghiên cứu xác định quy mô, cấu trúc và quá trình hình thành, biến đối của di tích qua các thời kỳ.

Việc bảo quản những vật liệu này được tiếp cận theo 2 hướng: từ di tích và di vật. Tuy nhiên, dù từ hướng nào thì cũng có những khó khăn nhất định, đặc biệt trong việc đầu tư các trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác bảo quản, bảo tồn.

Làm gì để bảo vệ và duy trì giá trị nguyên gốc của di tích?- Ảnh 2.

Trình trạng muối hóa và rêu mốc xảy ra sau khi trùng tu tháp Khương Mỹ

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

"Bảo quản, bảo tồn các vật liệu gạch, đá cũng chính là bảo tồn di tích và di vật của ngành khảo cổ học mà hiện nay ở Việt Nam mới dừng ở mức xử lý cơ bản. Đâu đó đã có cách thức làm bài bản, khoa học, tuy nhiên chưa thể đáp ứng được theo đúng quy trình của chuyên ngành khoa học bảo tồn, bảo quản", TS Phạm Văn Triệu nói.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Th.S-KTS Trần Quốc Tuấn, Phó viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho biết bảo quản di tích là giai đoạn đầu tiên trong công tác bảo tồn di tích, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác động từ môi trường tự nhiên và xã hội. Quá trình này phải đảm bảo không làm thay đổi các yếu tố gốc của di tích như vị trí, cấu trúc, chất liệu, kỹ thuật xây dựng, chức năng và cảnh quan. Việc bảo quản giúp giữ gìn tối đa tính chân thực và nguyên bản của di tích, từ đó phát huy giá trị văn hóa và lịch sử mà di tích mang lại.

Theo Th.S-KTS Trần Quốc Tuấn, hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các phương pháp bảo quản di tích tiên tiến như hóa học, vật lý và sinh học đang được áp dụng ngày càng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, xu hướng bảo quản bằng phương pháp hóa học đang được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng rãi.

"Phương pháp này đã mang lại những kết quả tích cực ban đầu, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về việc duy trì tính toàn vẹn và gia tăng tính bền vững cho di tích, đồng thời mở ra tiềm năng lớn cho việc bảo tồn lâu dài các di sản văn hóa, lịch sử của đất nước", Th.S-KTS Trần Quốc Tuấn nói.

Th.S-KTS Trần Quốc Tuấn nhìn nhận hội thảo lần này đóng góp những cơ sở lý luận khoa học và ứng dụng thực tiễn nhằm tăng cường nhận thức, nâng cao hiệu quả, kết nối hợp tác, phát huy khả năng ứng dụng công nghệ hóa học để bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn của vật liệu di tích trong công tác bảo quản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.