Với người dân, voi giúp đỡ trong sinh hoạt (chở vật nặng, kéo gỗ) và trong chiến đấu (tấn công kẻ thù). Với các vua triều Nguyễn, voi là biểu tượng cho uy lực bất khả chiến bại của hoàng gia. Những con voi trung nghĩa được tôn vinh, thờ cúng như thần linh.
Tương truyền, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, một dũng tướng của Đàng Trong hy sinh, con voi của vị này chạy hàng trăm cây số từ chiến trường về đến đồi Thọ Cương (Phú Xuân, Huế), rống lên một tiếng vang trời rồi chết. Thương con voi trung nghĩa, người dân xây cho nó một cái mộ gọi là Voi Ré. Sau này biết chuyện, vua Gia Long cho xây hai miếu nhỏ thờ bốn con voi khác cũng lập nhiều chiến công trong trận mạc (được phong làm Đô đốc Hùng Tượng) và xây Long Châu Miếu cạnh mộ Voi Ré để thờ các vị thần "bảo vệ" những con voi này. Người dân sau cũng gọi Long Châu Miếu là điện Voi Ré.
Theo Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, miếu Long Châu là ngôi điện nằm ở trung tâm, gồm năm gian hai chái, mái lợp ngói liệt (*), được xây theo kiến trúc cung đình nhà Nguyễn là "trùng thiềm điệp ốc" (chồng mái, nhà nối nhà). Trang trí trên mái được đắp bằng những mảnh sành nhiều màu.
Giữa miếu là bức hoành phi với ba chữ Hán "Long Châu Miếu" được làm mới lại từ năm 1917. Hiện trong miếu còn bài vị thờ bốn vị thần là Thiên Sư, Chúa Động, Hồng Nương và Tiền Hậu Khai Khẩn (trước đây, miếu có bài vị thờ các thần dân gian như Hà Bá, Thổ Công, Ngũ Hành…).
(*): là những miếng ngói mỏng hình chữ nhật, làm từ đất sét, lợp thành nhiều lớp, có khả năng cách nhiệt tốt. Khi vua Gia Long lên ngôi đã tuyển thợ từ làng ngói Thanh Hà (Quảng Nam) ra Phú Xuân (Huế) định cư để sản xuất gạch ngói phục vụ việc xây kinh đô.
Bình luận (0)