Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng từng biên soạn nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian Nam bộ, tác giả những cuốn sách như Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ, Gia Định-Sài Gòn: Ký ức lịch sử-văn hóa, Gia Định-Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội, Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài…
Theo ông, từ thuở sơ khai, đất đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt với các quốc gia có ngành nông nghiệp phát triển như VN. Thần Đất dần xuất hiện trong các không gian chung như ruộng đồng, chùa chiền, nhà ở, hàng quán... với nhiều tên gọi và hình hài khác nhau. Tục thờ Thần Đất phổ biến như một nghi thức thường nhật của phần đông người Việt, ăn sâu trong tiềm thức nhiều người.
Dân gian thường thờ cúng chung Ông Địa và Thần Tài - hai vị thần khó thể tách rời với mong muốn bảo hộ đất đai, giữ gìn sự phồn thực (tin tưởng, ngưỡng mộ, sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người) trong đời sống liên quan đến hoa màu, nông sản. Vì vậy Ông Địa đầu chít khăn, tay cầm quạt với hình tượng bụng to, mông lớn luôn tươi cười được người dân trông mong sẽ mang đến điều tốt lành, giúp cho gia chủ phát đạt, giàu có. Ông Địa ngồi trên con cọp được ví như sơn thần để trông coi đất đai, gia sản.
Còn tập tục thờ cúng Thần Tài ra đời và phổ biến rộng cùng với sự phát triển của lực lượng doanh thương. Ông Trảng cho rằng đến đầu thế kỷ 20 mới có tập tục này vì cuối thế kỷ 19, sự phân biệt giữa Thần Đất (Thổ Thần) và Tài Thần vẫn chưa thực sự rõ rệt. Trong Đại Nam quấc âm tự vị (xuất bản 1895), tác giả Huình-Tịnh Paulus Của cắt nghĩa Thổ Thần và Tài Thần đều là: "Thần đất, thần giữ tiền bạc". Về hình dạng, Thần Tài khá giống Thổ Địa Phước Đức chính thần của người Hoa.
Ngày nay, việc thờ Ông Địa bên cạnh Thần Tài đã trở nên rất phổ biến... Đi kèm việc thờ cúng hai vị thần này là sự đa dạng tranh tượng thờ liên quan. Việc thờ cúng Ông Địa - Thần Tài là tín ngưỡng dân gian mang đậm dấu ấn của sự giao lưu văn hóa.
Bình luận (0)