Làm gì để chính quyền đô thị vừa gọn, vừa hiệu quả?

07/09/2022 04:23 GMT+7

Những khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính ngân sách, thủ tục đầu tư, tổ chức bộ máy, bổ sung nhân lực mà 16 quận ở TP.HCM khi tổ chức chính quyền đô thị cần phải sớm tháo gỡ.

Ngày 6.9, HĐND TP.HCM bắt đầu giám sát việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (TCCQĐT) theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội tại Q.3 và Q.8. TCCQĐT tại TP.HCM chính thức áp dụng từ tháng 7.2021, những bất cập của 2 quận này cũng là thực trạng chung của 16 quận sau hơn 1 năm triển khai.

Dự án “đứng hình” hàng loạt

Nêu khó khăn với đoàn giám sát, Phó chủ tịch UBND Q.8 Nguyễn Thanh Sang cho biết khoản 2, điều 5, Nghị quyết 131/2020 cho phép UBND quận được quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách quận, phường theo quy định luật Đầu tư công. Tuy nhiên, từ tháng 7.2021 đến nay, trên địa bàn quận không có dự án nào được triển khai theo điều khoản này vì quận không được cấp dự toán kinh phí đầu tư phát triển, cũng như toàn bộ nguồn kết dư ngân sách (chênh lệch thu lớn hơn chi) của quận và phường đã chuyển hết về ngân sách TP.HCM. Trong giai đoạn 2021-2025, Q.8 được giao thực hiện 66 dự án với tổng vốn hơn 1.920 tỉ đồng.

Bà Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Q.8, dẫn chứng các dự án nâng cấp hẻm là nhu cầu thường xuyên, dường như năm nào cũng thực hiện để cải thiện diện mạo đô thị. Tuy nhiên, theo Thông tư 65/2021 của Bộ Tài chính thì dự án nâng cấp phải thực hiện theo luật Đầu tư công. Nêu thống kê quy mô các dự án này đa số dưới 5 tỉ đồng, bà Đào cho rằng nếu đưa toàn bộ lên Sở KH-ĐT tổng hợp, các sở ngành làm thủ tục đầu tư công sẽ lâu và không kịp thời. “Cấp quận cần có khoản kinh phí để đầu tư nâng cấp, mở rộng hẻm và các dự án chống ngập trên địa bàn”, bà Đào đề nghị.

Sau khi sáp nhập 3 phường, trụ sở UBND P.Võ Thị Sáu (Q.3, TP.HCM) quá nhỏ, không đáp ứng chỗ làm việc cho công chức nhưng chưa được xây mới

Sỹ Đông

Tương tự, Phó chủ tịch UBND Q.3 Phạm Thị Thúy Hằng cho hay đến nay UBND TP.HCM chưa có văn bản phân cấp, ủy quyền cho UBND quận đầu tư các dự án mới nên quận chỉ tập trung đầu tư 27 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020. Chưa kể các dự án mới trong giai đoạn 2021-2025 sẽ do các sở ngành chuyên môn làm nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dẫn đến khả năng quá tải so với nhân sự thụ lý.

Bà Hằng nêu thực tế các dự án do quận, huyện đề xuất đều do địa phương khảo sát sơ bộ và chuẩn bị phương án, đồng thời kiến nghị UBND TP.HCM xem xét cơ chế ủy quyền, hoặc giao nhiệm vụ cho quận, huyện làm thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công. Nghị quyết đại hội Đảng bộ Q.3 nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nâng cấp 45 tuyến hẻm, xây mới trụ sở P.Võ Thị Sáu và một số trường học, nhưng nếu làm theo thủ tục hiện hành thì nhiều khả năng đến cuối nhiệm kỳ mới xong thủ tục đầu tư hoặc động thổ.

Đừng để cấp quận “tâm tư”

Một bất cập mà các quận gặp phải khi trở thành cấp dự toán ngân sách là các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh dù đột xuất, khẩn cấp vẫn phải báo cáo Sở Tài chính trình UBND TP.HCM và HĐND TP.HCM xem xét, giải quyết. Ông Nguyễn Thanh Sang cho rằng quy trình này khiến địa phương thiếu tính chủ động và kịp thời, đồng thời kiến nghị Quốc hội cho phép đơn vị dự toán ngân sách quận thuộc TP.HCM có dự phòng ngân sách.

Giải đáp bất cập này, bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng phòng Quản lý ngân sách, Sở Tài chính TP.HCM, cho biết “cái gốc” của vấn đề nằm ở chỗ các quận không còn là một cấp chính quyền địa phương (không có HĐND) nên không còn là cấp ngân sách. Và khi trở thành đơn vị dự toán sẽ không còn các khoản dự phòng, kết dư và chi khác dẫn đến mất tính chủ động trong điều hành ngân sách.

Để giảm áp lực về nguồn vốn cho 16 quận, Sở Tài chính đã tham mưu UBND TP.HCM bố trí gói điều hành chung về ngân sách khoảng 749 tỉ đồng để bổ sung cho khoản chi đột xuất phát sinh. Tuy nhiên, bà Tuyết cho biết điều kiện ràng buộc của gói này là chỉ bố trí cho 13 lĩnh vực, nếu quận muốn điều chỉnh qua lĩnh vực khác thì phải trình HĐND TP.HCM thông qua. Việc này mất thời gian hơn so với trước đây, quận chủ động dùng khoản dự phòng điều chỉnh qua lại giữa các lĩnh vực. Bà Tuyết cũng cho biết định hướng của TP.HCM là đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 (về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM) trình Quốc hội cho phép cấp quận ở TP.HCM được điều hành như một cấp ngân sách.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định vướng mắc này khiến 16 quận “tâm tư” bởi vì thành phố khuyến khích các quận thu vượt ngân sách được giao nhưng chưa xác định rõ nếu thu vượt thì có được hưởng phần tăng thêm không. “Khoản kết dư hòa ngân sách chung rồi thì phương pháp điều hành như thế nào. Các quận có được hưởng trọn khoản kết dư đã chuyển về thành phố không?”, bà Lệ đặt câu hỏi và cho rằng cần ưu tiên cho các đơn vị thu ngân sách cao để tái đầu tư lại cơ sở vật chất.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Tại buổi giám sát, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM Lê Trương Hải Hiếu nói mục đích lớn nhất của TCCQĐT là hướng đến bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả nên cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để các thủ tục được giải quyết ở cấp phường, cấp quận mà không phải đẩy lên sở, ngành hoặc UBND TP.HCM.

Tại Q.8, Chủ tịch UBND quận đã phân cấp, ủy quyền cho UBND phường và các cơ quan chuyên môn thuộc quận giải quyết nhiều thủ tục. Đơn cử như trưởng phòng tư pháp quận được ủy quyền cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch, cấp giấy khai sinh, trích lục khai tử các trường hợp có yếu tố nước ngoài… Ở cấp phường, công chức tư pháp - hộ tịch được chủ tịch UBND phường ủy quyền ký sao y, chứng thực đối với các văn bản, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp hoặc chứng nhận. “Việc này giúp giảm áp lực ký giấy tờ cho lãnh đạo UBND phường, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân”, ông Sang nói và cho biết đã có 14/16 phường ủy quyền, 2 phường chưa thực hiện vì công chức chưa đủ 3 năm kinh nghiệm.

Tuy nhiên, toàn bộ 12 phường của Q.3 chưa ủy quyền cho công chức hộ tịch - tư pháp vì đã bố trí đủ Thường trực UBND phường (chủ tịch và 2 phó chủ tịch) và số lượng công chức được tuyển dụng đủ số lượng, đáp ứng được nhu cầu giải quyết hồ sơ cho người dân.

Đề xuất tăng biên chế

Khi thực hiện chính quyền đô thị, số lượng cán bộ, công chức phân bổ cho UBND các phường bình quân 21 người, gồm 15 công chức và 6 cán bộ. Tương tự, số lượng người hoạt động không chuyên trách được thực hiện theo Nghị định 34/2019, trong đó phường loại I có 14 người, phường loại II có 12 người. Các quận đánh giá số biên chế được phân bổ thấp, chưa phù hợp với khối lượng công việc, quy mô dân số và đặc điểm an ninh, chính trị, trật tự xã hội nên ảnh hưởng đến phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cho biết UBND TP.HCM đã báo cáo, đề xuất Chính phủ tăng biên chế cho các phường đông dân từ 15 công chức lên 17 công chức; đối với các phường trên 30.000 dân thì cứ mỗi 15.000 dân tăng thêm được bổ sung 1 công chức. Theo thống kê, TP.HCM có 90/249 phường trên 30.000 dân, trong đó có 54 phường từ 30.000 - 50.000 dân, 21 phường từ 50.000 - 75.000 dân, 12 phường từ 75.000 - 100.000 dân, có 3 phường trên 100.000 dân.

Đối với việc tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách, bà Thắm thông tin TP.HCM đã kiến nghị Bộ Nội vụ, và Bộ Nội vụ cũng đã ghi nhận và tháo gỡ trong quá trình sửa Nghị định 34/2019, và khoán cho địa phương có tính đến đặc thù của từng phường, xã.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.