Đối với nhiều người, việc dừng xe để mua một món hàng thiết yếu bên đường thường tiện lợi hơn, vì vậy chúng ta thấy hầu như cứ ở nơi nào có tập trung đông người thì chắc chắn diễn ra cảnh lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán.
Xe máy đậu kín vỉa hè và lòng đường Nguyễn Siêu (Q.1) |
Không phải chúng ta không có các quy định về xử phạt việc, thậm chí đã có rất nhiều các văn bản chỉ đạo, vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao và như thế nào. Trên thực tế ở hầu hết các địa phương ta có thể thấy các đợt ra quân xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thì đối tượng bị xử phạt hầu như chỉ là các hộ kinh doanh, người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường mà đã bỏ quên một đối tượng rất quan trọng, đó là người mua.
Chưa kể, dù các cơ quan chức năng và các lực lượng đã liên tục có những đợt ra quân xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường nhằm trả lại không gian cho người đi bộ, hành lang an toàn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, việc duy trì liên tục các đợt ra quân xử phạt các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường là rất khó khăn và dễ rơi vào tình trạng tái chiếm như ở nhiều nơi. Vậy thì, cùng với việc xử lý người lấn chiếm, có lẽ đã đến lúc cũng cần cân nhắc đến cả việc xử lý người mua.
Từ lý luận đến thực tiễn đã chứng minh nếu không có cầu thì chắc chắn cung sẽ phải thay đổi hoặc biến mất. Tức không có người mua thì người bán sẽ phải tìm một nơi phù hợp có người mua để bán hoặc phải tự giải thể mình là điều tất yếu.
Tôi cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất trật tự, an toàn cho người tham gia giao thông, xuất phát từ việc điều chỉnh hành vi của các cá nhân tham gia hoạt động MUA - BÁN lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè. Cụ thể là việc xử lý cả những cá nhân tham gia giao thông dừng, đỗ ngay dưới lòng, lề đường hoặc vỉa hề để mua hàng hóa. Chỉ khi đó, người mua sẽ không còn thấy “tiện”, và với mức xử phạt đủ để họ cũng không còn thấy “lợi” khi phải đánh đổi với nguy cơ mất an toàn giao thông của bản thân để đổi lấy sự “tiện, lợi” khi dừng đỗ mua hàng dưới lòng, lề đường hoặc vỉa hè.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta làm tốt được việc này thì quy hoạch “mua có nơi, bán có chỗ” của từng địa phương đã vạch ra mới có thể thực thi một cách trơn tru. Từ đó, câu chuyện lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường có thể giải quyết được phần nào và nhiệm vụ trả lại hè thông lề thoáng cho toàn bộ người tham gia giao thông cũng như nâng cao và góp phần đảm bảo trật tự và nâng cao an toàn cho người tham gia giao thông.
Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.
Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn
Xin chân thành cảm ơn quý độc giả!
Thanh Niên
Bình luận (0)