Câu chuyện về lương hưu đang làm đau đầu không ít người làm chính sách. Đã có nhiều giải pháp được đề xuất để tránh bị vỡ quỹ bảo hiểm hưu trí, nhưng xem ra chưa có một giải pháp nào êm đẹp, đỡ "đụng" tới cả triệu người hưu trí hiện nay, cũng như sau này.
Nghỉ hưu là để hưởng tuổi già sau nhiều năm công tác vất vả mới có được. Song, có một điều trớ trêu là ngay cả lúc đi làm, đời sống của người lao động ở nước ta nhìn chung cũng chẳng khấm khá gì, hầu hết đều rất khó khăn. Tiền lương mà họ tiết kiệm được, nếu tính chuyện mua nhà, chẳng khác nào một giấc mơ xa xỉ. Nay, lương hưu của người có mức lương tối thiểu khi nghỉ hưu sắp tới có khả năng sẽ còn thấp hơn cả diện chuẩn nghèo của xã hội thì thật là đau xót và buồn lòng!
|
Khoản 2, điều 56 dự luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi quy định từ 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương đóng BHXH, tương ứng với số năm đóng BHXH.
Cụ thể, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và b khoản 2 điều này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Với cách tính này, nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 23.10 vừa qua cho rằng, quy định trên của dự luật sửa đổi là một bước lùi so với luật hiện hành.
Nếu tính bình quân 15 năm cuối so với 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu thì lương hưu đối với cán bộ, công chức giảm trung bình từ 3,6 - 6,1% và đối với lực lượng vũ trang (LLVT) giảm từ 4,4 - 7,2%. Nếu tính trung bình 20 năm so với 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu thì lương hưu đối với cán bộ công chức giảm trung bình từ 4 - 13%, LLVT giảm trung bình từ 10 - 24%.
Tôi chia sẻ với những người đang đề xuất và hoạch định chính sách hiện hành với những cái khó ngoài tầm của họ. Song, để giải quyết được “bài toán” khó này, chưa nên tính tới chuyện kéo lùi tuổi nghỉ hưu của người lao động, như có ý kiến từng nêu, vì đó cũng là một giải pháp mà một số quốc gia có tuổi thọ cao dần đã áp dụng.
Trong thực tiễn, người lao động bàn giấy, không bị chân lấm tay bùn, không bị độc hại thì có thể họ chấp nhận kéo lùi tuổi hưu (không loại trừ có người còn muốn kéo dài, ấy là người có chức, có quyền), nhưng nếu là người làm nghề nặng nhọc, độc hại thì quả là không nên. Đã vậy, số người có tuổi được kéo dài (có chức vụ) để khỏi... nuôi sớm kia, liệu có là bao?
Nhìn lại trong nhiều cơ quan cấp bộ, ngành hiện nay mới thấy, chúng ta đang tự đẻ ra quá nhiều các chính sách rất cục bộ, đáng phải xem lại. Tôi được biết, một số ngành ở T.Ư (địa phương lại không có chuyện này), có khá nhiều cán bộ, dù không phải là vụ trưởng, vụ phó, nhưng vì "sống lâu lên lão làng". Nếu bổ nhiệm để làm lãnh đạo thì không cần vì đã đủ, người ta lại đưa ra chế độ chẳng giống ai: bổ nhiệm họ lên cái gọi là "cấp hàm vụ trưởng" với mục đích để họ được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm.
Có những Vụ chỉ có dăm người nhưng ngoài vụ trưởng và vụ phó đang điều hành, lại có tới vài ba vị "hàm vụ trưởng", "hàm vụ phó" nữa, mà họ đâu có lãnh đạo một ai?! Thậm chí, có cơ quan lại "tự thưởng" cho cán bộ từ cấp vụ trở lên được "cống hiến" thêm 2 năm công tác nữa (so với tuổi quy định chung), sau đó mới cầm sổ hưu.
Còn ti tỉ ví dụ bất cập khác không thể liệt kê hết ở bài viết này.
Tại sao lại có quy định kỳ lạ vậy? Đảng, Nhà nước có biết chuyện này không? Nếu đúng như vậy thì làm sao nguồn thu ngân sách của chúng ta chịu nổi, nói gì tới tăng lương như mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải bày tỏ và quan ngại, bởi chính ông (vốn là người nắm tài chính quốc gia nhiều năm nên quá am tường), đã đả thông chuyện Chính phủ liệu căn cứ vào nguồn thu nào để có thể tăng lương vào năm 2015 tới đây cho người hưởng lương, khi mà kinh tế không tăng trưởng là bao, khi mà năng suất lao động đang ở mức quá thấp...?
Tôi cho rằng, phải nghĩ tới một giải pháp căn cơ hơn về chủ trương tiết kiệm là quốc sách và phải luôn luôn xem tiết kiệm là quốc sách hàng đầu. Bên cạnh việc cần bớt đi những khoản đầu tư mua sắm ô tô con sang trọng; bớt chi các cuộc lễ hội, các cuộc liên hoan, kỷ niệm, mít tinh, lễ khai trương đình đám; bớt xây những trụ sở xa hoa; bớt đầu tư các công trình lưu niệm, văn hóa này nọ không thật cần thiết (vì khi đã cho ra đời cũng có nghĩa sẽ phải thêm người quản lý nó mãi mãi)…, cần hạn chế tiếp nhận và sử dụng nhân lực vào bộ máy hành chính Nhà nước hiện đang quá cồng kềnh.
Các cơ quan đoàn thể chính trị, các hội, đoàn này khác cũng cần giảm bớt nhân lực, nâng cao năng suất lao động lên gấp vài lần, thậm chí phải tính tới hình thức kiêm nhiệm, vừa làm công tác chuyên môn, công tác chính quyền nhưng vừa làm công tác Đảng và đoàn thể khác, nếu không, sẽ rất lãng phí nhân lực, gây tốn kém cho bộ máy Nhà nước.
Ở nhiều nước, họ đâu có chuyện phải nuôi một bộ máy hành chính và đoàn thể cồng kềnh giống như chúng ta. Chính vì thế, họ mới có thể chịu nổi áp lực của chuyện chi tiêu ngân sách. Làm sao cho ổn thỏa nhất khi phải nuôi bộ máy hưởng lương quá lớn như Việt Nam? Tôi tin rằng rất ít quốc gia có bộ máy cồng kềnh như ta.
Nếu không thắt chặt chi tiêu và đầu tư xây dựng cơ bản - đầu tư đó lại không tạo ra của cải vật chất, e rằng lương hưu trong tương lai không chỉ sụt giảm có vậy, mà có thể còn đáng lo hơn.
Trách nhiệm này là của Đảng, Nhà nước và của tất cả chúng ta, đâu chỉ của ngành Bảo hiểm xã hội?
Hành Thiện (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống và làm việc tại Hà Nội.
Bình luận (0)