Rà soát lại quy hoạch, thực trạng thoát nước của Hà Nội
GS - TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết để có tầm nhìn xa trong việc chống ngập úng không hề dễ, nhất là đối với thành phố có lịch sử lâu đời như Hà Nội. Tại đây, hệ thống thoát nước dựa vào những trục cũ, được kéo dài thêm, mà trục chính là sông Tô Lịch, cũng bị chia cắt thành nhiều khúc.
Việc cải tạo hệ thống thoát nước của Hà Nội cũng không dễ, chỉ có thể lấy tiêu chí giảm số điểm ngập úng theo từng năm. Nhưng cách làm này thực chất là “rách đâu, vá đó”.
TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho hay hệ thống thoát nước của Hà Nội đã bộc lộ nhiều điểm lạc hậu so với sự phát triển, đô thị hóa và điều kiện khí hậu, thời tiết hiện nay. Theo đó, những trận mưa gần đây có lưu lượng rất lớn, vài giờ đồng hồ đã đạt xấp xỉ 300 mm/ngày. Với những biến đổi ghê gớm như thế, ngập lụt là tất yếu, bởi hệ thống thoát nước được đầu tư trước đó chưa tính hết diễn biến của biến đổi khí hậu.
Theo ông Nghiêm, đối phó với biến đổi khí hậu, rõ ràng không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố và cả vùng thủ đô; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.
Theo ông Nghiêm, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, thành phố phát triển loang rộng nhanh thì cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Do vậy, cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm...
Trong đó, đặc biệt chú trọng các vấn đề về cốt nền phù hợp từng khu vực, thoát nước mỗi khu vực riêng hài hòa với thoát nước cả thành phố, giữ lại nước mưa để tận dụng…
|
Cần có quy hoạch tích hợp tổng thể đa ngành
KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư TP.Hà Nội, nêu quan điểm, cần có quy hoạch tích hợp tổng thể từ xây dựng, đô thị hóa, giao thông, thoát nước, xử lý thải… Theo KTS Ánh, những vấn đề đô thị như Hà Nội đang đối mặt cũng giống như nhiều thành phố trên thế giới đã trải qua, đối với khu vực nội đô không có quỹ đất rộng, có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có chứa nước khi cần.
Có thể phát triển không gian ngầm trong đô thị làm bãi đỗ xe, đường giao thông, hồ ngầm chứa nước mưa để tận dụng làm nước tưới cây, rửa đường, chữa cháy… Nếu có giải pháp kỹ thuật kết hợp được đa chức năng như vậy, vừa tiết kiệm tiền xây dựng, vừa sử dụng tài nguyên tiết kiệm trong điều kiện nước ngọt ngày càng hiếm, đô thị thông minh.
Muốn vậy, trước hết phải tách được nguồn nước thải ra khỏi nước mưa chảy tràn. Đối với nước thải của thành phố, cần có giải pháp khu trú từng vùng để xử lý làm sạch ngay tại nguồn, giảm thiểu ô nhiễm chứ không nên làm tập trung ở quy mô toàn thành phố.
Đối với khu vực ven trung tâm, đô thị mới, khi đẩy mạnh xây dựng đồng nghĩa với triệt tiêu vùng xốp để thẩm thấu nước khi mưa, nên cần đảm bảo nguyên tắc bù lại, bằng cách duy trì công viên, sân vận động, hồ điều hòa đúng chỉ tiêu kỹ thuật, nâng khả năng tự thẩm thấu nước khi mưa. Nếu có thể, cần phát triển những không gian trống diện tích lớn mang tính dự phòng ứng phó với những tình huống thiên tai.
KTS Ánh cũng cho hay, ngoài việc duy trì thoát nước theo nguyên tắc tự chảy như hiện nay, cũng cần chú trọng xây dựng các trạm bơm thoát nước cưỡng bức ven các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… để rút ngắn quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối nguồn thoát nước tiêu úng nhanh hơn. Bên cạnh đó, đối với từng khu vực cụ thể trong thành phố, cũng cần có thêm các giải pháp cục bộ chống ngập. Để có nguồn đầu tư xây dựng các dự án thoát ngập, Hà Nội nên đẩy mạnh xã hội hóa.
Phát huy tối đa nguồn lực con người
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Phòng quản lý đô thị các quận huyện, đơn vị phụ trách thoát nước cho thành phố phải phát huy thêm vai trò trách nhiệm, công tác phối hợp.
Cụ thể, cần phối hợp xây dựng quy trình ứng phó với ngập lụt, điều hòa nước mưa, sử dụng nước cho cả thành phố cũng như mỗi khu vực nhất định, hình thành trung tâm điều phối sử dụng nước, tiêu thoát nước của thành phố. Đối với các khu vực cuối nguồn thoát nước, cần nghiên cứu đầu tư thêm các trạm bơm tiêu thoát nước cưỡng bức để sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi phát hiện có nguy cơ ngập lụt.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc không bịt chặn những họng thu nước trên đường phố, xả rác bừa bãi xuống hệ thống cống để dòng chảy không bị ngăn cản dễ gây ngập úng. Người dân cũng nên tận dụng nước mưa cho những việc như tưới cây, làm mát, chữa cháy, vệ sinh…
|
Đại diện Sở Xây dựng cho hay, đơn vị này luôn hoan nghênh và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học về các vấn đề của TP.Hà Nội, trong đó có hệ thống thoát nước.
Trước mắt, để chống ngập úng trên địa bàn thành phố, vẫn phải tuân theo Quyết định 725 của Thủ tướng ký năm 2013 về phê duyệt Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Đồng thời, tận dụng triệt để những phương tiện, nhân lực, vật lực có sẵn để phát huy hiệu quả cao nhất có thể chống ngập úng. Về lâu dài, sẽ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh những điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế tiêu thoát nước trên địa bàn.
Thoát nước Hà Nội chưa tính đến mưa lớn cực đoanThứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong các dự án quy hoạch chống ngập trước đây, Hà Nội đều xin ý kiến của Bộ NN-PTNT, còn gần đây chưa có thêm dự án mới, nên Bộ chưa đóng góp được nhiều ý kiến vào vấn đề này. Để giải quyết ngập lụt đô thị khi mưa, Hà Nội cần phải cải thiện về năng lực vận hành của hệ thống thoát nước hiện có; kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước giữa các khu vực liên thông với nhau.
“Để phát huy hiệu quả cả hệ thống thoát nước hiện nay thì các đường ống, cống, thường xuyên phải được nạo vét, bảo trì đảm cho nước thông thoát tốt khi có mưa. Các dự án chống ngập phải có sự kết nối để đục thông đường cống thu gom nước đưa dẫn nước về các trạm bơm, các kênh tiêu thoát”, ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, hệ thống thoát nước hiện tại của Hà Nội là tính toán theo quy hoạch cũ, gần như chưa tính đến yếu tố mưa lớn cực đoan. Nếu tới đây có quy hoạch mới, hệ thống thoát nước khi thiết kế và đầu tư phải tính đến năng lực tiêu thoát trong những tình huống có mưa lớn cực đoan, mưa dồn dập chỉ trong thời gian ngắn do biến đổi khí hậu đã xuất hiện nhiều hơn trong một vài năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, hệ thống thoát nước hiện tại của Hà Nội hiện nay là tính theo quy hoạch cũ trong khi đó đã có thêm rất nhiều khu đô thị mới nhưng các khu mới này chưa tính đến năng lực thoát nước riêng, kết nối giữa khu cũ và mới.
“Hà Nội phải yêu cầu các doanh nghiệp khi đầu tư các khu đô thị dù lớn hay nhỏ đều phải tính đến năng lực thoát nước của từng khu để đầu tư hệ thống tiêu thoát nước tương ứng, đồng bộ. Còn nếu nước từ tất cả các khu đô thị cứ đẩy ra cống thoát chung thành phố, vốn chỉ tính toán năng lực thoát nước theo quay hoạch cũ trước đây thì vẫn còn ngập lụt”, ông Hiệp nói.
|
Bình luận (0)