Hà Nội ì ạch chống ngập

24/10/2014 04:05 GMT+7

Không chỉ dự án thoát nước hàng trăm triệu USD đội vốn, ì ạch về đích, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, thiếu quy hoạch đồng bộ khiến người dân tại nhiều khu vực của Hà Nội vẫn phải “bơi trong biển nước” mỗi lần mưa lớn .

Dù đã được cải thiện, nhưng khu vực nội thành Hà Nội vẫn rơi vào ngập úng khi mưa lớn cục bộ kéo dài - ảnh chụp trên phố Tây Sơn
Dù đã được cải thiện, nhưng khu vực nội thành Hà Nội vẫn rơi vào ngập úng khi mưa lớn cục bộ kéo dài - ảnh chụp trên phố Tây Sơn - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhiều “vùng trắng” tiêu thoát nước

Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (giai đoạn 2) sử dụng nguồn vốn ODA (32 tỉ yen - chiếm khoảng 75% tổng vốn) từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn đối ứng trong nước, được triển khai từ năm 2006. Mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành trong năm 2014, chống ngập úng cho 8 khu vực nội thành của TP trong lưu vực sông Tô Lịch, với chu kỳ bảo vệ 10 năm với sông, mương thoát nước.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, đến nay mới có 5/13 hạng mục của dự án (DA) được hoàn thành là trạm bơm Yên Sở, cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch, cải tạo các hồ Hố Mẻ, Hào Nam, Đống Đa, Bảy Mẫu… Nhiều gói thầu chính của DA, đặc biệt là gói thầu cải tạo hệ thống kênh mương thoát nước trong nội thành (24 km), tiêu thoát ra các sông vẫn đang trong giai đoạn triển khai. Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban Quản lý DA thoát nước Hà Nội, đại diện chủ đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến DA kéo dài so với dự kiến, cũng như làm tăng tổng mức đầu tư, riêng tiền chi cho GPMB (vốn đối ứng từ ngân sách) đã tăng từ 1.000 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng.

Thêm vào đó, DA này chỉ có thể giảm tải được phần nào tình trạng ngập úng tại khu vực nội thành, trong khi khu vực phía tây (từ sông Tô Lịch trở ra sông Nhuệ) với tốc độ đô thị hóa rất nhanh đang là “vùng trắng” về xử lý thoát nước, chống ngập. Ông Cường cho biết, khu vực này, hạ tầng thoát nước chuyển từ thoát nước nông nghiệp sang thoát nước đô thị, các trục kênh thoát nước, hồ điều hòa chưa có, nên việc thoát nước rất kém, vẫn là khu vực ngập nhiều của TP.

“Hà Nội là vùng đất trũng, nước khó tiêu thoát, giải pháp là dùng trạm bơm để tiêu thoát ra sông. Trạm bơm Yên Sở công suất phục vụ theo tính toán chỉ đủ cho khu vực sông Hồng tới sông Tô Lịch, nhưng nay phải gánh thêm phục vụ một phần cho sông Nhuệ nên không đủ”, ông Cường cho hay. Quy hoạch thoát nước Hà Nội tầm nhìn 2030 đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho tiêu thoát tại khu vực này, nhưng cái khó theo ông Cường đến nay vẫn chưa có DA cũng như chưa tìm được nguồn vốn đầu tư.

Trong khi đó, theo ông Lê Vũ Quảng Xương, Trưởng phòng Kế hoạch của Công ty thoát nước Hà Nội, dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng TP chỉ hạn chế được ngập úng chứ không thể triệt tiêu hết nếu trời mưa lớn, kéo dài. Tình trạng ngập úng sau mưa ở đường Vành đai 3, chân cầu Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam... rất khó giải quyết do hạ tầng thoát nước chưa hoàn thiện. Ngoài ra, những năm gần đây, sông Nhuệ vốn là nơi thoát nước cho phía tây Hà Nội bị bồi lắng nhiều, năng lực thoát nước cũng kém đi. Khu vực phía nam Hà Nội gồm Q.Hoàng Mai, H.Thanh Trì vốn là vùng trũng, đang chờ thực hiện theo quy hoạch thoát nước mới giải quyết được.

Theo ông Xương, năng lực tiêu thoát nước của đường ống cống rộng nhất là 310 ml/48 giờ, những trận mưa to, nước nhiều, vượt quá khả năng tiêu thoát của đường ống cống thì số điểm ngập úng, thời gian ngập lâu hơn. Cho rằng số điểm ngập úng đã ít đi, thời gian ngập úng cũng giảm nhiều, tuy nhiên, ông Xương từ chối cho biết con số cụ thể các điểm úng ngập, điểm tái úng ngập của TP với lý do “có nhiều khái niệm về điểm úng ngập, không biết đánh giá theo tiêu chí nào”. Đại diện Công ty thoát nước Hà Nội cũng từ chối cho biết số kinh phí được ngân sách TP cấp hằng năm với lý do “không nhớ”, mà chỉ cho biết “số tiền phù hợp với nhiệm vụ được giao”.

“Họa nhãn tiền” từ bê tông hóa

TS - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội, cho rằng cần phải điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước đợt 2 do tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến VN ngày càng phức tạp. Biểu hiện rõ nét nhất ở Hà Nội trong thời gian qua là mưa nhiều, lượng mưa rất lớn, vượt quá mức trần của các DA đặt ra nên phải tính toán lại. Nếu không, dù thực hiện xây dựng theo quy hoạch xong, hiệu quả thoát nước cho Hà Nội vẫn sẽ thấp. Bên cạnh đó, theo ông Nghiêm, một nguyên nhân khác khiến Hà Nội còn tình trạng ngập úng do mục tiêu đặt ra là có 120 hồ được cải tạo, kè bờ nhưng đến nay mới có 30 hồ làm xong. Số còn lại bị lấn chiếm khiến diện tích chứa nước bị hạn chế, ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát nước.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, trước đây với các cơn mưa lớn kéo dài, Hà Nội chủ yếu thoát nước tự nhiên. Tuy nhiên, khi tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa của TP bùng phát, đặc biệt là các khu vực vùng ven ngoại thành trước đây từ phía tây, phía nam chảy ngược vào TP, nước không chảy nổi và cũng không thoát ra được, hậu quả nhãn tiền là trận lụt lịch sử năm 2008.

Đáng nói theo ông Ánh, không chỉ tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa quá nhanh, thiếu đồng bộ với hệ thống tiêu thoát nước TP, mà rủi ro lớn hơn chính từ việc phát triển không gian ngầm hiện nay. “Vừa kịp làm được vài hồ điều hòa, nhưng công trình ngầm tăng lên cấp số nhân. Ai trả lời được thoát nước của các công trình ngầm hiện nay, từ đường hầm qua ngã tư, hệ thống ngầm của các DA đô thị cao tầng, đến đường ngầm tuyến đường sắt đô thị? Riêng đường ngầm tuyến metro dài khoảng 2 km từ Kim Mã vào ga Hà Nội không khác gì một túi chứa nước khủng khiếp”, ông Ánh bày tỏ quan ngại. Cũng theo chuyên gia này, nhiều nước đã tận dụng hệ thống ngầm để hạ cốt nước chống ngập, như Malaysia, Nhật Bản lấy cốt các đường ngầm này đưa ra các đường ống thông minh về các giếng thu.

Theo ông Ánh, giải pháp cho tiêu thoát nước, chống ngập là Hà Nội không chỉ là tăng cường các trạm bơm cưỡng bức, cải tạo tăng thêm diện tích hồ điều hòa, phân lại các lưu vực thoát nước, mà phải xây dựng được quy hoạch chung đồng bộ quy hoạch sử dụng đất đai, giao thông, đô thị.

Mai Hà - Lê Quân

>> Chống ngập từ kinh nghiệm dân gian
>> Nghệ An ngập nặng sau mưa lớn
>> Dân Sài Gòn lại khốn đốn vì ngập nước
>> Ngân sách tốn ngàn tỉ, dân vẫn khổ vì ngập
>> Sài Gòn ngập nặng
>> Sống chung với… nước ngập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.