|
Tại phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), nhiều khu vực có cao độ từ 0,9 - 1,1m, trong khi đỉnh triều ở trạm Phú An trên sông Sài Gòn đã lên đến 1,68 m. Nếu tất cả con đường ở khu vực trũng thấp này đều nâng cao hơn đỉnh triều cường thì rất tốn kém. Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Lê Hoàng Sang, Phó ban Điều hành khu phố 4, chia sẻ: Những người dân sống lâu năm trên vùng đất này có một kinh nghiệm dân gian chống ngập là dùng thân cây dừa khoét rỗng ruột làm cống, rồi lắp miếng gỗ vào miệng cống làm van ngăn triều. Khi thủy triều ngoài sông, rạch dâng lên, van ngăn triều tự động đóng lại; đến khi thủy triều xuống, van tự động mở ra.
Kinh nghiệm này nay đã được áp dụng bằng cách lắp van ngăn triều (làm bằng tấm thép hoặc inox) vào tất cả các miệng cống xả ra sông Sài Gòn và các kênh rạch trong khu phố. Người dân đều đồng tình với giải pháp này và đã hưởng ứng đóng góp 50 - 70%, nhà nước 30 - 50% tùy khu vực. Số tiền đóng góp của mỗi hộ cũng không nhiều, từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng tùy theo hộ hoặc doanh nghiệp. Nay toàn bộ khu phố 4, từ đường số 18 đến đường số 23 đều đã được lắp van ngăn triều và hiệu quả giảm ngập đạt đến khoảng 90%.
|
Những việc cần làm ngay
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng để chống ngập bền vững, TP.HCM cần ưu tiên khơi thông kênh rạch, làm hồ điều tiết, cấm hẳn làm vỉa hè bằng bê tông, ngừng hẳn việc lấp kênh thay bằng cống hộp, tăng mảng cây xanh đô thị, giáo dục truyền thông cộng đồng, bồi dưỡng kiến thức quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trong đó có quản lý thoát nước cho các cấp chính quyền địa phương và đội ngũ viên chức quản lý nhà nước. “Cần có giải pháp chế tài mạnh và xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án gây lãng phí không hiệu quả, các địa phương và đơn vị công ích thiếu trách nhiệm, các doanh nghiệp và hộ dân có hành vi lấn chiếm gây ngập”, ông Sanh nói.
TS Bùi Tuyên (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cũng đưa ra những đề xuất đáng chú ý. Thứ nhất, cần có một hệ thống pháp lý, quản lý và ý thức phù hợp của người dân để đảm bảo kênh rạch được giữ nguyên hiện trạng, không bị xâm lấn thêm. Trên cơ sở đó dần dần cải tạo mở rộng mặt thoáng, chống được bồi lấp. Thứ hai, không xây dựng thêm ở các vùng trong lịch sử vốn là vùng bán ngập nước, vùng ruộng thấp ngập theo mùa, theo mưa. Thứ ba, quy trình xả đập có tính đến lượng mưa trên diện rộng, độ trễ đỉnh nước xả trên sông và thủy triều. Thứ tư là một giải pháp lớn nhằm thoát nước nhanh từ TP ra ngã ba Bình Khánh (Nhà Bè - Cần Giờ). Không thể trông chờ vào thoát nước tự nhiên nếu muốn giảm ngập cho cả TP. Giải pháp này cần huy động kiến thức chuyên môn sâu và vốn lớn.
Trước thực tế số vốn dành cho chống ngập quá ít như hiện nay, TP.HCM nên làm việc gì trước tiên, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng TP không nên đầu tư dàn trải, mà hãy tập trung đầu tư vào những trục thoát nước chính, còn các trục phụ hãy huy động từ các nguồn lực xã hội. Ông ví dụ, các trục đường xương sống thì nhà nước làm, còn đường vào các khu dân cư thì người dân hoặc chủ đầu tư nơi đó làm cống, đấu nối ra trục chính. TP nên dồn sức giải quyết trước những nơi ngập gây thiệt hại nặng nhất, gây bức xúc nhất, như các trục đường có mật độ lưu thông đông đúc, để đảm bảo cho việc lưu thông liên tục. Kế đến là giải quyết ngập ở nhưng nơi có nhiều người nghèo.
“Hiện nay nước ngập thường dồn vào những con hẻm thấp của khu dân cư nghèo, nơi người dân không có khả năng để nâng hẻm, nâng nền nhà chống ngập. Đừng nghĩ chống ngập là chuyện ở ngoài đường, mà nên nghĩ đến việc hỗ trợ cho người dân ở những nơi nghèo khó, giúp dân có điều kiện sửa chữa nhà cửa để giảm thiệt hại do ngập”, ông Phi nói.
Giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do ngập gây ra “Vấn đề chống ngập không chỉ cần những giải pháp làm cho hết ngập, mà còn phải làm sao giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do ngập gây ra”, TS Hồ Long Phi đã nhấn mạnh như vậy. Theo ông Phi, trong điều kiện nguồn lực có hạn, thay vì đánh vào ngọn thì cần đánh vào gốc, tức vấn đề giảm thiệt hại do ngập. Ví dụ, thay vì chờ có tiền để làm những cái cống khổng lồ thay thế cống cũ, có thể hỗ trợ cho dân nâng nền nhà lên trong thời gian chờ làm cống. Nhà dân không còn ngập, không còn thiệt hại nữa thì cống đó có thể chờ lúc có điều kiện sẽ làm. Ông Phi đề nghị trong các giải pháp chống ngập, nên có những quy định nhằm giảm thiệt hại do ngập, như đường dây điện phải đưa lên cao, các vật tư, thiết bị dễ bị hư hỏng do ngập phải đặt tối thiểu ở độ cao bao nhiêu...“Nếu hiểu một cách thấu đáo là làm sao giảm thiệt hại do ngập, thì có rất nhiều giải pháp. Còn nếu như trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến chuyện làm sao hết ngập, thì cứ việc làm cống, nâng nền đường, xây đập ngăn triều, lắp đặt trạm bơm...”, ông Phi nói. M.V |
Mai Vọng
>> TP.HCM vay vốn ODA của Thái Lan để chống ngập
>> Hà Nội lên phương án chống ngập
>> 1.569 tỉ đồng chống ngập TP.Vĩnh Long
>> TP.HCM thống nhất đầu tư 666 triệu USD chống ngập nước
>> Không thể chống ngập chỉ bằng tiền
>> 8.178 tỉ đồng chống ngập 'chưa hiệu quả
>> Thiếu vốn cho chống ngập
>> Vất vả chống ngập
>> Cừ bản nhựa: Giải pháp chống ngập và sạt lở hiệu quả
Bình luận (0)