Làm gì để tránh bị ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng?

Thảo Phương
Thảo Phương
28/03/2024 17:03 GMT+7

Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đặc trưng thời tiết của mùa nắng nóng là nhiệt độ cùng độ ẩm cao, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, dẫn đến thức ăn rất dễ bị hỏng. Vậy trong điều kiện thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài ở TP.HCM, mọi người cần làm gì để bảo quản thức ăn và tránh bị ngộ độc thực phẩm?

Cách bảo quản thức ăn để không bị vi khuẩn xâm nhập

Là người thường xuyên nấu ăn, Võ Thị Thanh Phương (26 tuổi), ngụ tại đường Tân Thới Nhất 1B, P.Tân Thới Nhất, Q.12 (TP.HCM), cho biết khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến đồ ăn rất dễ bị hỏng. “Vào những ngày nắng nóng, khi ăn xong là phải bỏ thức ăn vào ngăn mát tủ lạnh ngay vì rất dễ bị thiu và có mùi. Vào mùa hè khi nhiệt độ quá cao mình thường nấu ít đồ ăn lại, chỉ đủ dùng cho 1 - 2 bữa chứ tuyệt đối không ăn đồ đã để qua ngày. Đồng thời, nếu đồ ăn chưa kịp nguội để bỏ vào tủ lạnh thì mình sẽ úp trong lồng bàn, không đậy kín bằng nắp vung”.

Làm gì để tránh bị ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng?- Ảnh 1.

Nếu mua đồ ăn bên ngoài, người trẻ nên chọn những nơi uy tín

THẢO PHƯƠNG

Bảo quản đồ ăn trong ngăn mát tủ lạnh cũng là cách mà Nguyễn Như Quỳnh (23 tuổi), ngụ tại 719 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.22, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) áp dụng để tránh bị ôi thiu trong những ngày nắng nóng. Quỳnh cho biết: “Gần như lúc nào ăn xong, đồ ăn còn dư mình cũng bảo quản trong tủ lạnh chứ không để ở ngoài. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng, ở bên ngoài còn có côn trùng nên cách tốt nhất là bảo quản trong tủ lạnh”.

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết thời tiết nắng nóng kèm với độ ẩm cao tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại, nhất là trong đường tiêu hóa sinh sôi và phát triển.

“Khi xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách làm vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn. Thực phẩm để lâu ngày và không được bảo quản đúng cách sẽ dễ bị ôi thiu, biến chất, hình thành các loại độc tố. Thức ăn quá đậm vị, nhiều dầu mỡ, cay nồng cũng gây khó tiêu, không tốt cho đường tiêu hóa. Ngoài ra, nắng nóng nhiều người ngại nấu nên hay mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh. Thực phẩm bán sẵn không bảo quản đúng cách cũng gây ra ngộ độc và tiêu chảy”, bác sĩ Lợi cho biết.

Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

Từng bị ngộ độc thực phẩm khi ăn đồ để qua đêm, Phan Khánh Ly (23 tuổi), ngụ tại đường Bà Hạt, P.9, Q.10 (TP.HCM), kể lại: “Khi còn là sinh viên chưa có điều kiện sắm tủ lạnh nên thức ăn thừa mình để bên ngoài. Vì ngày mai mang cơm đi học để ăn trưa nên buổi tối hôm trước mình nấu dư ra một ít. Sáng hôm sau khi đi học mình còn hâm nóng lại mới cho vào hộp. Thế nhưng, sau khi ăn trưa, đến chiều đang học tiết cuối thì mình có dấu hiệu đau bụng và buồn nôn. Cũng may là tình hình không nghiêm trọng, nhưng kể từ đó, mình sợ không dám ăn đồ để qua đêm nữa”.

Bác sĩ Lợi khuyến cáo người dân nên chú ý thật kỹ trong khâu lựa chọn thức ăn, cũng như quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng của thực phẩm. Tránh tâm lý phải sử dụng thức ăn cũ nhiều ngày trước vì đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngộ độc do ôi thiu, biến chất.

Chỉ ra những dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Lợi cho biết sẽ có những triệu chứng đặc trưng như: đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy, đau đầu do số độc tố có trong thực phẩm gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, mệt mỏi và chán ăn.

Việc sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là điều rất cần thiết để giúp giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng. Bác sĩ Lợi cho biết các biện pháp sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm bao gồm: “Khi còn tỉnh táo có thể dùng ngón trỏ đã được rửa sạch để ép vào góc lưỡi người bệnh hoặc pha muối hòa tan trong nước ấm để kích thích nôn càng nhiều càng tốt, hạn chế các loại độc tố ngấm vào cơ thể. Uống nhiều nước để bù cho cơ thể do tình trạng nôn và tiêu chảy trước đó gây ra. Sau đó, cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị”.

Làm gì để tránh bị ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng?- Ảnh 2.

Cẩn thận trong khâu chế biến để tránh bị vi khuẩn xâm nhập

THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Lợi cũng khuyên vào những ngày nắng nóng nên đưa các loại rau củ quả, thức uống giải nhiệt, món mặn dễ tiêu hóa vào thực đơn. Cụ thể, nhóm các loại quả có thể ăn hoặc chế biến thành nước ép như: dưa hấu, dâu tây, bưởi, cam, chanh, quýt, lê, thơm. Nhóm các loại rau củ cung cấp nước, vitamin, khoáng chất cần thiết, giúp hỗ trợ tiêu hóa, tránh táo bón như: cà chua, cải bó xôi, bông cải xanh, cần tây, rau diếp, cà rốt, bí ngòi, khổ qua, nha đam. Thực phẩm còn dư nên đun sôi lại và để trong tủ lạnh không quá 1 - 2 ngày, hạn chế ăn quà vặt, hàng rong không đảm bảo vệ sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.