Làm gì để U.19 Việt Nam không gây thất vọng ở SEA Games 2021 ?

28/10/2018 09:44 GMT+7

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xác định U.19 VN vừa thua tan nát tại VCK giải U.19 châu Á 2018 sẽ là lực lượng nòng cốt chuẩn bị cho SEA Games 31 năm 2021 trên sân nhà. Vậy VFF sẽ làm gì để đội không gây thất vọng như vừa qua tại Indonesia.

Còn thiếu bản lĩnh, ít kinh nghiệm
Nhiều chuyên gia hàng đầu của bóng đá Việt Nam (VN) bày tỏ sự lo lắng khi U.19 VN tụt hậu so với lứa trước không chỉ về chuyên môn mà cả tâm lý, thái độ thi đấu. Ông Nguyễn Sỹ Hiển, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia, nhấn mạnh: “Sự chuẩn bị cho VCK U.19 châu Á của đội tuyển U.19 VN lần này không tốt. Sự tranh giành nhân sự giữa CLB và đội tuyển cùng thái độ chưa dồn toàn lực cho U.19 của VFF cũng tác động tiêu cực đến việc lắp ráp đội hình và lối chơi chung. So với các đối thủ, U.19 VN thể lực yếu hơn hẳn, kỹ thuật thì tạm được nhưng thể hình thì kém quá. Nhiều cầu thủ ý chí chiến đấu không “nhiệt”, bản lĩnh trận mạc non”.
Từng nhiều năm làm công tác đào tạo trẻ, HLV đội Thanh Hóa Nguyễn Đức Thắng phân tích: “Thành công của U.19 VN 2 năm trước khiến chúng ta đang ảo tưởng về sức mạnh của bóng đá trẻ VN. Thực tế điều này không đánh giá đúng thực trạng của nền bóng đá còn nhiều chông chênh, nhiều CLB còn chưa chuyên nghiệp và đào tạo trẻ còn chưa đồng bộ như ở VN. Sự thành công của lứa Công Phượng năm 2013 - 2015 hay lứa Quang Hải 2016 - 2018 là nhờ các em đã trưởng thành nhanh khi tiếp cận bóng đá đỉnh cao sớm, được lên chơi V-League và quan trọng là đi thi đấu nhiều giải.
Lứa cầu thủ Hà Nội do tôi từng nắm trước đây hay lứa PVF cũng được đi đá quá nhiều giải từ hạng ba đến hạng nhì, hạng nhất, V-League... nên tích lũy nhiều kinh nghiệm. Bởi thế khi được gọi lên tuyển U.19, họ luôn thể hiện sự tự tin và biết chiến đấu mạnh mẽ. Trong khi đó đa phần lứa U.19 hiện nay thi đấu quốc tế không nhiều và cũng chưa hề có thành tích hay dấu ấn nào nổi bật. Nhiều cầu thủ chưa từng đá hạng nhất hay V-League, ngay các giải trẻ trong nước cũng không được cọ xát nhiều, nhiều thời gian toàn tập chay. Làm sao đủ để trui rèn bản lĩnh? Do vậy khi bước ra sân chơi lớn, chưa đá đã nhìn thấy sự rụt rè, yếm thế, sợ hãi đối thủ của lứa U.19 này”.
Theo gợi ý của ông Đoàn Minh Xương, VFF cần khẩn trương có cuộc cách mạng triệt để về bóng đá trẻ thì mới mong 3 năm tới, VN lọt vào top 3 hay đặt ra mục tiêu cao hơn là vô địch SEA Games 31. Phát triển rộng khắp bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng; bàn lại với các CLB về mô hình đào tạo chung cho tất cả các tuyến một cách bài bản, khoa học, có chung triết lý; đào tạo đội ngũ HLV cho bóng đá trẻ một cách chuẩn chỉnh vì không có thầy giỏi sao có trò giỏi.
Qua lăng kính của chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Trước ngày U.19 VN đi, thực sự giới chuyên môn không ai kỳ vọng vì không nhìn thấy tín hiệu chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc của VFF dành cho đội. Điển hình là chuyện 4 cầu thủ Hà Nội B, VFF và VPF lẽ ra phải dời trận play-off để họ tập trung sớm, tạo sự gắn kết chứ đâu phải còn vài ngày vào giải rồi giao HLV Hoàng Anh Tuấn ráp nối cho đủ tụ. Đó là chưa kể sức lực và tinh thần của số cầu thủ này bị ảnh hưởng bởi thất bại ở trận play-off khiến tâm lý ra sân không tốt.
Bên cạnh đó, chất lượng của đội U.19 VN lần này không đồng đều, không ổn định, sức bền thể lực kém và sự vụng về trong thi đấu bộc lộ quá nhiều. Một trận đấu mà để đến 3 quả 11 m cho thấy sự lúng túng, hoảng hốt, thiếu bình tĩnh trong cách chơi. Hãy nhìn Indonesia, Thái Lan đá rất “nhiệt”, đầy quả cảm nên khi nhập cuộc đều chơi với thái độ mạnh mẽ, luôn biết quật khởi bằng ý chí ngoan cường và sự tập trung cao độ. Trong khi đó là điều mà U.19 VN còn quá thiếu. Thực sự đá như vậy thì 3 năm nữa làm sao đòi hỏi vượt qua Thái Lan, Indonesia để có thành tích SEA Games ở sân nhà”.
Phải thay đổi mạnh mẽ từ nền tảng
Với cái nhìn toàn diện, chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: “Bóng đá trẻ VN phải xem lại hệ thống tuyển chọn, đào tạo cầu thủ trẻ vì còn nhiều bất cập. Mỗi lò đào tạo, mỗi trung tâm bóng đá làm theo một kiểu rất khác nhau, đưa ra các tiêu chí khác nhau. Trong khi thế giới chọn trẻ từ 5 tuổi thì ở VN nơi chọn 7 tuổi, nơi 8, thậm chí có nơi 11, 12 tuổi. Thế là quá muộn. Thứ hai là đào tạo trẻ cũng mỗi nơi một phách. HAGL áp dụng công nghệ của Arsenal; Viettel và PVF lại là hai mô hình không giống nhau, Hà Nội cũng khác. Hãy nhìn ra quốc tế. U.16, U.19 Nhật, Hàn Quốc hay gần nhất với chúng ta là cầu thủ trẻ Thái Lan, nhìn họ thi đấu có nét rất giống, rất tương đồng với đội tuyển A. Bởi các nước này có hệ thống đào tạo, tuyển chọn xuyên suốt, nhất quán. Còn VN thì cấp cơ sở đã không giống nhau, khi lên đội trẻ, mỗi HLV lại có phong cách huấn luyện khác nhau. Chưa kể thêm một bất cập nữa nằm ở hệ thống thi đấu cho các lứa trẻ. Quá ít giải, quá ít trận đấu. Thế làm sao cầu thủ ta trưởng thành được”.

tin liên quan

Mong manh bóng đá trẻ Việt Nam!
Thất bại của U.19 Việt Nam (VN) tại VCK U.19 châu Á không chỉ dập tắt tham vọng tái lập kỳ tích dự World Cup U.20 thế giới mà còn chỉ rõ lỗ hổng trong chiến lược đào tạo bóng đá trẻ hiện nay của LĐBĐ VN.
Còn HLV Đức Thắng trăn trở: “Cần rà soát lại toàn bộ lực lượng bóng đá trẻ, chỉnh đốn trước mắt với lứa cầu thủ sinh năm 1999 - 2000 để chuẩn bị cho SEA Games và sau đó là các lứa sau một cách có hệ thống, chủ động. Phải có quy định bắt buộc của VPF, VFF, các CLB phải có tuyến trẻ, chưa làm đúng, làm đủ thì phải thay đổi. Phải tăng mật độ thi đấu cho các giải trẻ thành dạng vòng tròn 2 lượt đi - về như giải VĐQG thì chất lượng cầu thủ mới được nâng lên. Trẻ phải được thi đấu thật nhiều mới tiến bộ”.
Từng 3 lần dẫn dắt lứa U.21 Hà Nội vào chung kết, HLV Phạm Minh Đức nêu ý kiến: “VFF nên thành lập ban tuyển chọn để đánh giá toàn bộ lứa cầu thủ sinh năm 1999, 2000 và 2001 dựa trên năng lực chứ không phải mối quan hệ thân quen... Chúng ta vẫn còn nhiều cầu thủ tiềm năng và chơi tốt nhưng việc tạo cơ hội cho họ lên tuyển vẫn còn hạn chế. Vừa qua có ý kiến vì sao Đồng Tháp vô địch U.19 QG lại không có cầu thủ nào ở U.19 VN? Dĩ nhiên mỗi HLV khi nắm đội có một triết lý khác nhau, nhưng với vai trò cầm cương, VFF phải thấy các em xứng đáng có cơ hội chứ, vì U.19 VN tập trung lâu mà. Tôi cho rằng trong 2 - 3 năm tới, VFF phối hợp cùng các CLB trao cơ hội nhiều hơn cho các cầu thủ tiềm năng lứa 2000 cho U.19 VN.
Ở V-League và hạng nhất đều là cuộc chơi sống còn nên các cầu thủ tiềm năng này sẽ ít có cơ hội ra sân, nhưng nếu gọi họ lên các tuyển U.19 để được đá song song các giải đấu vừa tầm thì đồng nghĩa họ sẽ rất thuận lợi để nâng tầm và phát huy được tài năng khi được trao cơ hội”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.