Làm gì khi smartphone rơi vào nước?

06/02/2021 14:00 GMT+7

Có hàng trăm lý do khiến smartphone rơi vào nước hay vô tình bị ẩm khi sử dụng. Vì vậy người dùng cần một số kỹ năng nhất định để đề phòng trường hợp xấu.

Bạn có từng làm rơi điện thoại vào toilet, bồn rửa? Hay người bên cạnh vô tình chạm tay làm đổ ly nước tràn lên smartphone của mình? Tệ hại hơn là để quên trong quần áo rồi cho vào máy giặt và bấm nút khởi động?
Smartphone, như nhiều món đồ điện tử khác, rất “nhạy cảm” với nước, kể cả khi được trang bị công nghệ kháng nước, kháng bụi chuẩn IP68 như hiện nay. Và ngày nay, chuẩn kháng nước gần như là tiêu chuẩn của điện thoại hiện đại, kể cả những model tầm trung. Với điểm IP (Ingress Protection) càng cao, điện thoại càng kháng nước tốt, nhưng như nhiều hãng vẫn trả lời khi bảo hành: “Kháng nước chứ không phải chống nước”.
Điều này có nghĩa smartphone vẫn an toàn trong các trường hợp nước vô tình văng vào máy hoặc với lượng ít. Nhưng nếu mang một chiếc điện thoại kháng nước chuẩn IP68 xuống hồ bơi hay đi tắm mà bị hư hỏng, sẽ không có ai bảo hành cho bạn cả.
Theo thói quen, khi điện thoại vào nước, nhiều người bắt đầu điên cuồng nhấn vào các nút, thổi hoặc bật máy sấy hòng làm máy khô nhanh. Nhưng đây lại hoàn toàn là các cách làm sai, thậm chí còn gây hại thêm cho smartphone.
Để cứu máy, việc đầu tiên phải làm là lôi smartphone ra khỏi khu vực có nước càng sớm càng tốt. Càng ngâm nước lâu máy càng có nguy cơ hỏng hóc. Sau đó, bạn nên tắt nguồn máy, đừng cố bấm nút này nút kia hay mở ứng dụng để xem máy còn hoạt động hay không. Nếu đang đeo ốp thì nên tháo ra. Trường hợp thiết bị có thể tháo rời pin (khá hiếm ở thời điểm này) thì nên gỡ pin ra khỏi máy. Việc tắt máy, không tiếp tục thử bật thiết bị lên nguồn nhằm tránh hiện tượng đoản mạch.
Cũng đừng cố thổi khô máy bằng miệng, máy sấy hay thậm chí cho vào lò vi sóng. Nhiệt độ cao của máy sấy, lò vi sóng sẽ gây hư hỏng cho các linh kiện điện tử vốn rất mỏng manh bên trong điện thoại. Tốt nhất bạn nên lấy khăn sạch và khô lau kỹ toàn bộ thân máy (sau khi đã tháo ốp), tránh nước lọt vào cổng sạc, khay SIM, khe cắm thẻ nhớ hay cổng tai nghe (nếu máy có).
Trường hợp thấy vết nước trong các khe, rãnh nứt của điện thoại, có thể thổi cho nước văng ra ngoài nhưng đừng làm quá sức kẻo nước ngấm vào sâu hơn, hay tệ hơn là dính thêm nước bọt vào.
Bước tiếp theo sẽ có một vài lựa chọn. Nếu tìm kiếm trên internet thông thường hay hỏi bạn bè, thường câu trả lời sẽ là cho điện thoại vào thùng gạo để gạo hút ẩm nhanh hơn. Cách này không phải không có tác dụng, nhưng phương án sẽ kèm theo rủi ro. Khi gạo thấm đủ sẽ dừng hút, không thể rút hết ẩm sâu bên trong máy nên biện pháp chỉ mang tính bước đầu. Rủi ro nằm ở chỗ hạt gạo có thể lọt vào các khe của máy như vết nứt vỡ trên thân, cổng sạc, cổng tai nghe...rất khó lấy ra. Thêm vào đó, mạt hay bụi từ gạo sẽ bám vào kẽ hở hoặc màng loa, mic điện thoại. Bạn có thể quấn máy vào giấy vệ sinh/giấy ăn trước khi cho vào thùng gạo nhưng dù gì thì cách này cũng chưa phải tốt nhất.

Rơi điện thoại vào nước không phải là chuyện ít xảy ra

Ảnh: AFP

Phương án hữu dụng và rẻ tiền là luôn trữ sẵn gói chống ấm (các gói nhỏ trong đồ khô hay giày dép... luôn kèm dòng chữ “DO NOT EAT” - Không được ăn). Gói chống ẩm chứa các hạt gel silica có khả năng hút ẩm ở môi trường xung quanh cực mạnh. Vật liệu nhỏ bé này làm việc hiệu quả và nhanh chóng hơn gạo rất nhiều và không gây ra rủi ro nào như trên.
Việc tích trữ sản phẩm này cũng không khó khăn. Không chỉ bán ở ngoài cửa hàng (đặc biệt là hàng kinh doanh đồ máy ảnh), bạn có thể góp nhặt từ các lần mua thực phẩm, đồ khô, giày dép... mỗi lần 1 - 2 gói là đủ dùng trong thời gian dài. Quá trình bảo quản túi chống ẩm khi chưa dùng tới cũng khá đơn giản, chỉ cần bỏ vào hộp hoặc túi đóng kín không cho ẩm lọt vào là được. Chiếc hộp/túi này đồng thời trở thành chỗ lý tưởng để “cứu” điện thoại sau khi bị rơi nước.
Lưu ý không nên để smartphone trong môi trường này quá lâu, chỉ khoảng 24 - 48 giờ. Môi trường khô trong thời gian dài cũng có thể gây hư hại tới linh kiện cấu thành thiết bị.
Phương án cuối cùng: nếu không tự tin với khả năng của mình và sốt ruột thì hãy tìm tới các trung tâm bảo hành hay cửa hàng có dịch vụ sửa chữa điện thoại. Chuyên viên/thợ tại đây sẽ có công cụ cũng như kinh nghiệm cần thiết để xử lý vấn đề mà smartphone của bạn mắc phải, tuy nhiên mức giá có thể không hề dễ chịu như khi tự làm tại nhà. Bên cạnh đó, việc nghỉ lễ tết và mối lo Covid-19 có thể khiến các cửa hàng tạm dừng hoạt động trong thời gian nhất định, vậy nên hãy chủ động liên hệ trước khi mang máy qua sửa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.