Làm gì khi tin thất thiệt bủa vây người đọc ?

21/12/2017 20:28 GMT+7

Mới đây, một trang tin trên mạng đưa bản tin giả đã bắt giữ đồng phạm vụ chặt đầu chồng bỏ thùng rác. Ngay lập tức, thông tin này được chia sẻ với số lượng khổng lồ.

Điều đặc biệt là tin giả này đưa ra lại khiến một số tờ báo phải chạy đến cơ quan công an để xác định độ chính xác. Nhắc về chuyện này trong buổi ra mắt cuốn sách Để trở thành độc giả thông minh  và Gia Định Báo của Khoa Báo chí – Truyền thông (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) trong ngày 21.12, nhà văn trẻ Khải Đơn cho rằng điều đó chứng tỏ tin giả đã “tiến hóa” hơn rất nhiều.

Báo chí trước thách thức của tin giả

Theo nhà văn Khải Đơn, thông tin giả giờ đây vô cùng tinh vi. Đã qua rồi cái thời một tin giả dùng ảnh sai địa điểm, sai nhân vật và các dấu hiệu trong bài là nhiều tên viết tắt hay địa danh sai. Thời đó, nhà báo chỉ dẫn độc giả của mình cách nhận biết bản tin “hủ tiếu nấu thịt chuột” là sai lệch. Nhưng từ đó tới nay, tin giả đã tiến hóa đến một mức độ không còn chút gì khác biệt. Nó được đóng gói hệt như một bản tin thật. Nó sử dụng hình ảnh từ chính các tờ báo lớn, cắt ghép và xử lý các điểm mù trong bản tin giả sao cho tạo ra vẻ có lý nhất.

Vì thế không phải ngẫu nhiên mà một số tờ báo đã phải có những cảnh báo cho độc giả. Chẳng hạn Báo Thanh Niên thời gian gần đây phải mở chuyên mục “Tin thất thiệt” để thẩm định tin giả cho người đọc mỗi ngày.

Thực tế này cũng  khiến nhiều nhà báo than phiền đang phải viết tin bài chạy theo views  vì nhiều tin, bài viết theo kiểu thông thường rất ít người đọc, trong khi những tin giả lại thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi và chia sẻ.

Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu. Báo chí thế giới cũng đang phải đối mặt với đối thủ xấu này. GS. Richard Hornik, ĐH Stony Brook (Mỹ), cho rằng báo chí đang chịu những thách thức mạnh mẽ của tin giả. Lượng thông tin khủng bố khiến chúng ta không thể phân loại ra thông tin nào đáng tin cậy. Những vấn đề này đặt ra khiến ĐH Stony Brook thiết kế một chương trình riêng mang tính toàn cầu có tên gọi “News Literacy” (tạm dịch: xóa mù thông tin). Đây cũng là khởi nguồn cho nội dung của cuốn sách Để trở thành độc giả thông minh do giảng viên Khoa Báo chí truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM cùng  một  số phóng viên trẻ thực hiện. Dựa trên bộ khung này, những câu chuyện thực tế ở Việt Nam đã được đưa vào một cách khéo léo.


Độc giả thông minh

Nhóm tác giả nhìn nhận rằng người đọc không tự động biết đối chiếu nguồn, kiểm chứng nguồn hay đơn giản xác định một bức hình là ngụy tạo. Người đọc cần được trang bị những công cụ cơ bản để nhận diện thông tin sai, thông tin giả. 

Vì vậy, cuốn sách  định nghĩa lại những khái niệm về thông tin và tin tức, quy trình sản xuất tin tức, nguồn tin, bối cảnh và nguồn dữ liệu mở… Từ đó đi vào những nội dung trực tiếp hơn về thông tin trên internet và mạng xã hội, báo lá cải, PR trắng và PR đen… Một điều cần thiết hơn được đề cập gần như xuyên suốt là làm sao để phân biệt được báo chí và các loại hình thông tin khác, tin tức chính thống và không chính thống, tin cậy và không đáng tin cậy.

Cuốn sách này, vì thế, cần cho tất cả những người đang là độc giả cả  trên internet, mạng xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.