Câu hỏi này nếu đặt ra ở các năm trước thì sẽ bị coi là ngớ ngẩn nhưng năm nay lại hết sức quan trọng vì đây là lúc thí sinh sẽ quyết định chọn ngành, trường ĐH. Nếu không cẩn trọng, có khi thí sinh không vào được trường học như ý nguyện.
>> Vì sao Bộ GD-ĐT độc quyền công bố điểm thi?
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình: Chọn trường xét tuyển
>> Tra cứu điểm thi THPT quốc gia 2015
>> Thi THPT quốc gia: Tuyển hơn 70% trong đợt xét đầu tiên
>> Đáp án các môn thi THPT quốc gia
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Theo dõi việc xét công nhận tốt nghiệp
Theo kế hoạch tuyển sinh, trước ngày 27.7 các sở GD-ĐT sẽ hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết sau khi biết kết quả thi, điều thí sinh (TS) cần lưu ý đầu tiên là theo dõi thông tin từ các sở GD-ĐT về việc xét công nhận tốt nghiệp trước khi tiến hành nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ.
Cũng theo tiến sĩ Chính, chỉ những TS đỗ tốt nghiệp THPT mới được tham gia nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1 - 20.8. Theo quy định, hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm: giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, phiếu đăng ký xét tuyển và phong bì dán sẵn tem ghi rõ địa chỉ liên lạc. TS sẽ nhận giấy chứng nhận kết quả thi tại nơi đăng ký dự thi, còn phiếu đăng ký xét tuyển có thể in trực tiếp từ website các trường hoặc nhận trực tiếp tại trường.
Thận trọng tổ hợp môn mới
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, muốn có cơ hội trúng tuyển cao, TS nên căn cứ điểm thi cụ thể để chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất. Tuy nhiên, trước mắt nên chọn ngành theo sở thích. Đặt trường hợp ngành mình muốn học rơi vào tổ hợp môn có điểm cao nhất thì rất dễ dàng. Nhưng nếu ngành đó lại nằm ở tổ hợp môn có điểm không cao thì TS nên chọn ngành này ở các trường mọi năm có điểm chuẩn tương đương hoặc thấp hơn điểm của mình.
Khi xét tuyển theo tổ hợp môn, TS cần lưu ý theo quy định chung năm nay, các trường chỉ được dành 25% tổng chỉ tiêu toàn trường hoặc của từng ngành để xét tổ hợp môn mới. Vì vậy, TS sử dụng tổ hợp môn mới cần phải thận trọng. Vì ít chỉ tiêu, có thể điểm chuẩn của các ngành xét theo tổ hợp môn này sẽ cao hơn so với các tổ hợp môn khác.
PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết năm nay trường có nhiều ngành xét tuyển tổ hợp môn mới nhưng họa hoằn lắm TS mới nên chọn tổ hợp môn mới để nộp hồ sơ xét tuyển. Nếu chênh lệch điểm của tổ hợp này so với tổ hợp truyền thống không nhiều thì TS nên chọn theo tổ hợp truyền thống. Chỉ khi điểm tổ hợp môn mới cao hơn rất nhiều mới nên chọn. Vì các trường ưu tiên xét TS ở tổ hợp truyền thống trước nên cơ hội của TS chọn tổ hợp mới là 0 - 25% chứ không phải là 25% nữa.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết đầu tiên TS nên chọn ngành theo sở thích của mình. Nếu điểm thi của tổ hợp môn cao hơn mức điểm tối thiểu trường mình muốn xét tuyển công bố thì có thể mạnh dạn nộp hồ sơ. Nếu không đủ điểm, có thể nộp hồ sơ vào ngành mình yêu thích ở một trường khác cùng đào tạo có điểm tối thiểu thấp hơn.
Cơ hội vào ĐH cho thí sinh thi cụm địa phương
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, vào thời điểm này, TS thi tại cụm thi địa phương vẫn có thể vào học tại các trường ĐH theo diện xét tuyển học bạ.
Theo đề án tuyển sinh riêng, có trường dành đến 50% chỉ tiêu để xét tuyển học bạ, tạo nhiều cơ hội cho TS. Ngoài ra, hầu hết các trường xét học bạ đều là trường ngoài công lập, điểm xét tuyển sẽ không căng thẳng hơn so với cách xét theo điểm thi THPT quốc gia.
Các ngành khối năng khiếu, ngoài việc xét 2 môn văn hóa theo học bạ THPT, ở môn năng khiếu, TS còn phải tham gia kỳ thi do các trường tổ chức hoặc nộp kết quả thi từ trường khác để xét tuyển.
Mời thí sinh đăng ký dự buổi giải đáp thắc mắc về xét tuyển
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 22.7, Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức buổi tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề “Chọn trường xét tuyển”.
Tham dự có tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, chương trình có sự tham dự của đại diện các trường gồm: tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM; thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM; thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Văn Hiến.
Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp tại địa chỉ: www.thanhnien.com.vn. Thí sinh và phụ huynh quan tâm có thể tham dự trực tiếp tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (số 3 Công trường Quốc tế, Q.3, TP.HCM). Đăng ký tham dự qua các số điện thoại sau: (08) 38394046(08) 38394046, 38332955 hoặc 38322026 (bấm số nội bộ 123 hoặc 127).
Thanh Niên
|
Bình luận (0)