Tư vấn truyền hình trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về xét tuyển
22/07/2015 13:15 GMT+7
(TNO) Để kịp thời giải đáp thắc mắc của thí sinh xung quanh việc công bố điểm thi, quy định xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ, Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức buổi tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề 'Chọn trường xét tuyển' vào lúc 14 giờ 30 ngày 22.7.
Tự động phát
(TNO) Để kịp thời giải đáp thắc mắc của thí sinh xung quanh việc công bố điểm thi, quy định xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ, Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức buổi tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề “Chọn trường xét tuyển” vào lúc 14 giờ 30 ngày 22.7.
Độc giả theo dõi buổi truyền hình trực tiếp trên Thanh Niên Online tại hội trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tham dự chương trình có khách mời từ Bộ GD-ĐT, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM và đại diện một số trường: Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, Trường ĐH Lạc Hồng và Trường ĐH Văn Hiến.
Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp tại địa chỉ: www.thanhnien.com.vn, thí sinh và phụ huynh quan tâm có thể đến tham dự trực tiếp tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (số 3 Công trường Quốc tế, Q.3, TP.HCM). Ngay bây giờ, thí sinh có thể đặt câu hỏi ở ô bên dưới.
***
Tặng hoa cho các vị khách mời tham gia chương trình tư vấn trực tuyến
|
Đúng 14 giờ 30, buổi "Tư vấn trực tuyến truyền hình: Giải đáp thắc mắc về xét tuyển" diễn ra tại Hội trường của Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tại TP.HCM.
Nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Thanh niên - Giáo dục, Báo Thanh Niên: Tôi tin rằng vào thời điểm này các thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia đầu tháng 7 vừa qua cũng như các vị phụ huynh đang trong giai đoạn hết sức hồi hộp chờ kết quả điểm thi.
Thời điểm đang diễn ra buổi giao lưu trực tuyến truyền hình này, Bộ GD-ĐT cũng đang công bố kết quả điểm thi THPT quốc gia. Vấn đề quan trọng sau đó là thí sinh sẽ làm gì khi biết kết quả thi? Câu hỏi này hết sức quan trọng vì khác với mọi năm, đây là lúc thí sinh bước vào giai đoạn xét tuyển các trường ĐH,CĐ; chọn ngành nghề học tập. Nếu không cẩn trọng ở giai đoạn này, có khi thí sinh không vào được trường học như ý nguyện.
Nằm trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Hướng dẫn thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ” do Báo Thanh Niên thực hiện từ đầu tháng 4, chương trình diễn ra ngày hôm nay với chủ đề “Chọn trường xét tuyển” nhằm giúp thí sinh có điều kiện tìm hiểu thông tin tuyển sinh quy định về xét tuyển của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH và cả các trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển vào ĐH kết hợp kết quả thi THPT quốc gia và học bạ THPT.
Toàn cảnh buổi truyền hình trực tuyến
|
TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí, Bộ GD-ĐT, cho biết từ 14 giờ 30 hôm nay Bộ GD-ĐT công bố công khai điểm thi tốt nghiệp THPT.
PGS-TS Trần Văn Nghĩa (phải), Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bên cạnh đó, TS Nghĩa lưu ý thí sinh, sau khi công bố kết quả thi thí sinh sẽ nhận giấy báo điểm thi tại nơi nộp hồ sơ dự thi tốt nghiệp. Thí sinh có 4 bản giấy báo điểm thi, trong đó có 1 bản để đăng ký hồ sơ cho đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ và 3 bản cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Thí sinh dùng giấy báo điểm xét tuyển đợt 1 đăng ký vào 1 trường nhưng được 4 ngành và có quyền rút hồ sơ để nộp trường khác. Bộ quy định cứ 3 ngày thì trường sẽ công bố công khai thông tin nộp hồ sơ cho thí sinh biết.
TS Nghĩa nhắc thí sinh khi nộp hồ sơ vào một trường thì trường sẽ xét ưu tiên ngành đăng ký đầu tiên trước. Đậu ngành đầu tiên thì bắt buộc thí sinh phải học, nếu trượt thì trường sẽ xét tiếp các ngành thí sinh đăng ký tiếp theo.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Thí sinh cần lưu ý cân nhắc để cơ hội trúng tuyển NV1 là cao nhất. Đối với ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường thành viên, năm nay tổng chỉ tiêu là 12.000 (bậc ĐH) và 800 (bậc CĐ).
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Trường chỉ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trường có quy định ngưỡng sơ tuyển là điểm trung bình 5 học kỳ (học kỳ 1 và 2 ủa lớp 10, 11, học kỳ 1 của lớp 12) đạt từ 6,5 trở lên.
Lúc đầu ĐH Quốc gia TP.HCM có dự định sẽ cho thí sinh đăng ký 4 ngành NV1 vào 4 trường thành viên khác nhau. Tuy nhiên sau đó quyết định thí sinh chỉ được đăng ký 4 nguyện vọng vào 1 trường thành viên chứ không được đăng ký vào các trường khác nhau.
Tất cả các ngành đều xét theo tổ hợp môn của các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, bên cạnh đó có 1 số tổ hợp mới, thí sinh xem thông tin trên trang web của từng trường. Các em lưu ý môn ngoại ngữ rất cần thiết. 80% số ngành xét tuyển của khối ĐH Quốc gia TP.HCM có môn ngoại ngữ. Do đó thí sinh thi môn ngoại ngữ sẽ có nhiều lợi thế.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Năm nay trường tuyển sinh theo hình thức: xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh (trái), Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Hình thức xét tuyển này phải đợi kết quả của Bộ GD – ĐT công bố. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 1-8 đến 20-8. Hình thức xét tuyển theo học bạ. Với các môn năng khiếu, trường tổ chức thi vào ngày 12.9.
|
Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết năm nay trường xét tuyển 2.300 chỉ tiêu. Có hai hình thức xét tuyển là xét điểm thi tốt nghiệp quốc gia THPT và xét điểm học bạ hai học kỳ của lớp 12.
Với xét điểm thi của kỳ thi quốc gia thì 50% chỉ tiêu trường sẽ xét thí sinh thi ở cụm thi liên tỉnh và 50% xét thí sinh tham gia kỳ thi quốc gia ở cụm thi địa phương. Điểm xét tuyển là điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Năm nay, trường có hai hình thức tuyển sinh: thứ nhất là sử dụng kì thi trung học quốc gia. Thứ hai là xét tuyển theo học bạ THPT. Hình thức này đòi hỏi thí sinh phải tốt nghiệp THPT và điểm tổ hợp môn xét tuyển phải đảm bảo yêu cầu của trường.
Thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Văn Hiến: Năm 2015, trường sử dụng 3 hình thức tuyển sinh với tổng chỉ tiêu 2.500. Thứ nhất, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia với điều kiện phải tốt nghiệp THPT và đạt điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định trở lên. Thứ 2 là xét điểm học bạ của 3 học kỳ (2 học kỳ của lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt 6 điểm trở lên với bậc ĐH và 5,5 điểm trở lên với bậcCĐ trong khối xét tuyển.
Thứ 3 là thi tuyển kết hợp xét tuyển ngành năng khiếu gồm thanh nhạc và piano, xét môn văn và thi tuyển năng khiếu. Thời gian thi môn năng khiếu là ngày 3-4.8.
Phụ huynh ở quận Bình Thạnh, đặt câu hỏi: Thí sinh có được chọn cả hai tổ hợp môn để cùng lúc đăng ký xét tuyển được không. “Con tôi thi bốn môn: toán, tiếng Anh, văn, lý. Vậy có thể cùng lúc được xét tuyển cả hai khối A1 (toán, lý, tiếng Anh) và khối D (văn, toán, tiếng Anh) không?".
TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí, Bộ GD-ĐT: Các trường công bố công khai điều kiển xét tuyển, trong đó có tổ hợp các môn xét tuyển, chỉ tiêu từng khối và mức điểm xét tuyển giữa các tổ hợp môn có bằng nhau hay chênh lệch điểm.
Tùy theo đó mà thí sinh chọn tổ hợp môn có lợi cho mình nhất để nộp hồ sơ dự tuyển.
Sau khi có điểm thi, phụ huynh sẽ so sánh với điểm thi của con em mình để có chọn lựa tổ hợp điểm, khối mà mình có điểm thi cao hơn, có lợi cho mình nhất.
***
* Một bạn đọc ở quận 11 hỏi: Em nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Y dược TP.HCM. Vậy em có thể xem điểm của thí sinh nộp hồ sơ vào trường này được không? Ba môn cộng lại 23,25 điểm, liệu có làm tròn 23,5 điểm được không?
- TS Trần Văn Nghĩa: Em có thể xem được. Tuy nhiên chúng tôi cảnh báo thông tin đó chỉ là thông tin tham khảo để các em cân nhắc vì thông tin đó rất ảo. Hồ sơ của thí sinh sẽ nộp liên tục. Em thích thì người khác cũng thích và nộp hồ sơ vào. Trường nào mọi năm có điểm cao thường có số lượng nộp hồ sơ vào nhiều. Điểm thi năm nay không làm tròn. Nếu em đạt 23,25 điểm thì vẫn để 23,25 điểm.
Một phụ huynh tại hội trường đặt câu hỏi: Có hai hình thức xét tuyển là dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp quốc gia THPT và xét tuyển dựa trên học bạ. Vậy con tôi có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào cùng một trường theo cả hai hình thức trên được không?
- TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí, Bộ GD-ĐT: Theo quy chế tuyển sinh thì việc này không bị cấm. Vì vậy, thí sinh hoàn toàn có thể nộp hai hình thức như trên. Mặc dù thí sinh hoàn toàn có thể nộp hồ sơ cùng lúc theo hình thức trên nhưng làm vậy sẽ hạn chế cơ hội nộp hồ sơ vào trường khác của thí sinh (vì đã nộp cả hai hồ sơ vào cùng một chỗ).
- Thạc sĩ Hồ Viễn Phương - Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng: Đối với phụ huynh thích ngành nào đó, muốn vừa xét học bạ vừa dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tăng cơ hội trúng tuyển thì trường chúng tôi vẫn nhận. Khi thí sinh trúng tuyển theo kết quả thi và cả học bạ sẽ được cấp 2 giấy trúng tuyển 1 lúc. Nhưng trường sẽ phải so lại, nếu thí sinh trúng tuyển bằng cả 2 cách thì trường sẽ hỏi thí sinh chọn phương án nào, nếu chon phương án A thì sẽ dành chỉ tiêu cho phương án còn lại.
- Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Hình thức học bạ chưa hẳn là hình thức an toàn vì vẫn xét tuyển từ trên xuống dưới. Chỉ an toàn khi thí sinh có mức điểm trên mức điểm xét tuyển càng cao càng tốt.
- Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Có nhiều phụ huynh, thí sinh lo lắng không biết hình thức xét tuyển nào. Nếu lựa chọn theo hình thức xét tuyển học bạ thì nên tìm hiểu thật kỹ ngành đó. Tiếp nữa khi đã trúng tuyển vào ngành mình yêu thích rồi thì không cần xét tuyển theo hình thức khác nữa.
- Thạc sĩ Hồ Viễn Phương- Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng: Thí sinh xét tuyển bằng học bạ thì quyền lợi khi vào trường vẫn ngang bằng với thí sinh xét tuyển bằng điểm kỳ thi trung học quốc gia. Chẳng qua trường có hai hình thức xét tuyển khác nhau mà thôi.
|
Các vị phụ huynh học sinh đặt câu hỏi trong buổi truyền hình trực tuyến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
* Một độc giả hỏi: Năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM có tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia không, có ưu tiên xét tuyển thí sinh có giải hay không. Nếu không đạt điểm vào một ngành của ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng đủ điểm vào một ngành của trường thành viên, thì có được tự động chuyển hay không?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Hằng năm các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn thực hiện chế độ tuyển thẳng học sinh giải nhất nhì ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với khoảng 5-10% chỉ tiêu. Tuy nhiên số HS đoạt giải này ít chứ không nhiều. Đối với thí sinh trong đội tuyển Olympic quốc tế dù chưa đoạt giải cũng nằm trong diện tuyển thẳng. Ngoài ra, còn ưu tiên xét tuyển với thí sinh thuộc 5 trường có kết quả thi cao nhất trong năm nay.
Nếu thí sinh cảm thấy cơ hội trúng tuyển một ngành thấp thì thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp vào trường khác thuộc ĐH quốc gia trong thời gian quy định, chứ trường đó sẽ không tự động chuyển giùm thí sinh.
* Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi cho trường ĐH Lạc Hồng xung quanh các vấn đề: Trong trường hợp hồ sơ xét tuyển vào bậc ĐH của em vào trường rớt, nhà trường có chuyển hồ sơ của em xuống bậc CĐ cùng ngành để xét tuyển tiếp không? Học phí một năm của trường? Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp?
- Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng: Khi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH vào trường thì trường sẽ hỏi thí sinh nếu trượt ĐH có muốn xét tuyển bậc CĐ không? Nếu thí sinh đồng ý sẽ xét tuyển CĐ thì khi trượt ĐH, trường sẽ tự xét tuyển CĐ tiếp cho thí sinh.
Sau khi tốt nghiệp CĐ, thí sinh có thể học liên thông lên ĐH và tốt nghiệp sẽ nhận bằng ĐH chính quy. Học phí của trường đối với các ngành là 16 triệu đồng/năm, ngoại trừ ngành dược có học phí 30 triệu đồng/năm. Trường ĐH Lạc Hồng ngụ ở Biên Hòa-Đồng Nai nên sau khi tốt nghiệp, sinhh viên của trường có cơ hội việc làm tại Biên Hòa – Đồng Nai rất cao.
* Độc giả Hoàng Quân (Long An): Em muốn hỏi học phí 1 năm học ở ĐH Văn Hiến là khoảng bao nhiêu 1 năm? Nhà trường có hình thức hỗ trợ nào đối với sinh viên nghèo không?
- Thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Văn Hiến: Học phí 14,9 triệu/năm. Trường đào tạo theo hình thức tín chỉ, trung bình 450 ngàn đồng/tín chỉ. Ngoài ra trường có 2 ngành đào tạo chất lượng cao với mức học phí khoảng 20 triệu đồng/năm nhưng ra trường cơ hội việc làm rất cao, lương trên 10 triệu đồng/tháng. Hằng năm trường dành 2,5 tỉ đồng để hỗ trợ sinh viên nghèo, học giỏi. Các em khi đậu có thể đến phòng quản lý sinh viên để hỏi thủ tục.
* Văn Tình (TP.HCM): Học lực của em chỉ ở mức trung bình. Em muốn xét tuyển vào trường ĐH Văn Hiến có được không và cơ hội trúng tuyển có cao không? Xin thầy cô tư vấn giúp.
- Thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Văn Hiến: Các em phải đáp ứng điều kiện đầu vào của trường và quy định của bộ GD – ĐT. Các năm trước trường xét tuyển từ điểm sàn của bộ trờ lên và nhiều em đậu.
Thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Văn Hiến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
* Vũ Hoàng (TP.HCM): Em là học sinh chuyên khối A, thầy cô cho em hỏi em có thể chọn ngành nào của nhà trường để tham gia xét tuyển? Chỉ tiêu của từng ngành ra sao?
- Thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Văn Hiến: Đây là khối có nhiều ngành xét tuyển. Với trường là ngành công nghệ, khoa học kỹ thuật. Chỉ tiêu trung bình mỗi ngành 300 chỉ tiêu. Cụ thể các em có thể vào trang web của trường.
* Một bạn đọc hỏi: Nếu xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM ngành quản trị kinh doanh cần điều kiện gì, có điều kiện về tiếng Anh không, có học giáo trình tiếng Việt không, tiếng Anh yếu thì có được trường hỗ trợ không? Nếu thí sinh đủ điểm xét tuyển vào trường nhưng không đủ điểm tốt nghiệp thì sao? Có cách nào cho thí sinh rớt tốt nghiệp có thể xét tuyển vào trường hay không?
- Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Cả 2 hình thức xét học bạ và xét kq kỳ thi THPT Quốc gia thì đều phải có điều kiện là tốt nghiệp THPT. Thí sinh hết sức lưu ý, nhiều em có thể có điểm tổ hợp môn cao nhưng điểm thi tốt nghiệp bị liệt thì phải chờ sang năm thi lại môn bị rớt tốt nghiệp
Xét học bạ thì mỗi trường có tiêu chí riêng, đối với Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, thí sinh bắt buộc phải tốt nghiệp THPT, điểm tổ hợp môn dùng để xét tuyển (có 4 tổ hợp cho ngành quản trị kinh doanh) các em nên sử dụng tổ hợp môn có điểm cao nhất. Cách nộp hồ sơ: Có thể nộp trực tiếp tại trường, đăng ký trực tuyến trên website hoặc gửi qua bưu điện.
Trường đào tạo theo mô hình chuẩn quốc tế nên tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong trường. Khi theo học, có 1 số môn có giáo trình tiếng Việt, riêng các môn chuyên ngành học bằng tiếng Anh. Khi trúng tuyển, trường sẽ kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào của thí sinh, nếu đạt thì các em vào học chính thức, nếu chưa thì trường có lớp tiếng Anh dự bị miễn phí khoảng 3 tín chỉ để hỗ trợ sinh viên.
Trường đang đào tạo một số ngành mới bên cạnh các ngành cũ, đó là Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Luật kinh tế và marketing.
* Bạn đọc đặt câu hỏi cho Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Tổ hợp môn nào có cơ hội trúng tuyển cao nhất? Đối với ngành thiết kế thời trang thì môn năng khiếu dự thi như thế nào?
- Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Điểm xét tuyển của trường là ngang bằng nhau ớ tất cả các tổ hợp môn, thường là bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT khoảng 0,5-1 điểm.
Nếu xét tuyển vào ngành thiết kế thời trang hay kiến trúc, nếu thí sinh đã thi hai môn toán, lý hoặc văn thì phải thi thêm môn vẽ tại trường, hoặc thí sinh đã thi môn vẽ ở trường ĐH khác thì có thể nộp điểm môn vẽ để xét tuyển. Chi tiết tham khảo tại website của trường http://www.hutech.edu.vn.
Mời các bạn xem clip buổi trực tuyến:
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)