Nghề nông vốn không phải dễ làm bởi có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập. Giá cả, đầu ra không ổn định đã khiến nhiều người gặp khó khăn, lâm cảnh lao đao hay chùn tay không dám đầu tư. Nhưng anh Ngô Thái Nam sau khi học xong Trường ĐH Kinh tế ở TP.HCM, dù đã tìm được công việc ổn định, vẫn quay về đồng đất quê hương với quyết tâm gắn bó, tiếp bước hành trình nghề nông của gia đình và làm giàu bằng nghề này.
Năm 2015, Nam bỏ những loại cây không cho giá trị kinh tế cao trong rẫy để trồng 30 ha cây ăn trái, dược liệu. Khí hậu, thổ nhưỡng ở Gia Lai vùng biên giới quả thích hợp cho những giống cây Nam chọn trồng. Sau hơn 2 năm, vườn cây ăn trái, dược liệu của anh đã cho kết quả rất tốt.
Nam nói: “Quy trình chăm sóc cây được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo cây phát triển tốt, ít sâu bệnh và thu hút những loài thiên địch. Chúng tôi còn lắp hệ thống tưới đến từng gốc cây để đảm bảo nước tưới trong mùa khô hạn. Do vậy, cây luôn sinh trưởng tốt, giảm thiểu được sâu bệnh”.
Ấn tượng nhất trong số các loại cây mà anh trồng là vườn bưởi da xanh với diện tích hơn 10 ha đang sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Với quy trình sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, việc chăm bón được đầu tư theo hướng hiện đại, nhất là các biện pháp tưới tiêu tự động, đã giúp vườn bưởi cho thu hoạch gần 100 tấn/năm. Sản phẩm bưởi da xanh này đã được H.Đức Cơ chọn tham gia chương trình OCOP (Mỗi làng một sản phẩm) của địa phương trong năm 2020.
Nam chia sẻ: “Mình thì học kinh tế, ra trường là đi làm cho công ty chứ không làm nông. Nhưng nghĩ lại làm nông nghiệp cũng có nhiều cái hay, cho dù vất vả. Mình đã xin nghỉ việc đi học hỏi nghề nông và về tiếp nhận khu vườn của gia đình để phát triển vườn cây ăn trái này. Theo mình, khi đã làm thì phải đáp ứng các chuẩn về nông nghiệp và phải phát triển theo hướng sạch, hữu cơ. Nếu tư duy làm nông nghiệp không thay đổi thì không thể khá lên được. Mình chỉ học hỏi người lớn kinh nghiệm về sự cần cù. Còn khi mình đã làm thì phải khác thế hệ trước, phải tìm cách xây dựng thương hiệu cho trái cây vườn mình. Không có thương hiệu không cạnh tranh được”.
|
Ngay sau khi chuyển đổi vườn cây công nghiệp của gia đình sang cây ăn trái cũng là lúc Ngô Thái Nam bắt đầu đẩy mạnh xúc tiến để liên kết với một số doanh nghiệp, nhằm từng bước đưa trái cây vào chuỗi các siêu thị để sản phẩm có đầu ra ổn định lâu dài. Nam tâm sự, để làm được việc này, các nhà vườn phải biết cách xây dựng thương hiệu riêng. Trong đó, thương hiệu Farm Đoan Dân từ vườn cây ăn trái của anh không chỉ được các siêu thị, cửa hàng tìm đến mua mà còn xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản.
Vườn bưởi da xanh của anh Nam nay đã cho năng suất rất tốt. Ước tính niên vụ này, hơn 10 ha bưởi cho khoảng 100 tấn sản phẩm. Với giá bán hiện nay dao động trong khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, Nam có thể thu về tiền tỉ.
Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn H.Đức Cơ, cho biết: Mô hình vườn canh tác của gia đình anh Nam là kiểu mẫu của H.Đức Cơ cũng như của tỉnh Gia Lai. Sau hơn 5 năm chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng tuân thủ các quy chuẩn sạch cho sản phẩm và hiện đại hóa sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, đã giúp hàng chục héc ta đất tưởng chừng như không thể nâng cao giá trị kinh tế cho thu nhập tăng vọt nhiều tỉ đồng mỗi năm.
“Hiện mô hình kinh tế vườn của gia đình anh Ngô Thái Nam được nhiều nông dân trẻ ở các tỉnh Tây nguyên quan tâm. Đây là hướng đi mở ra triển vọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập trong thời điểm giá nhiều loại nông sản biến động xấu như hiện nay”, ông Tư nói.
Bình luận (0)