Buổi sáng, khi ánh bình minh còn chưa ló dạng trên vùng cửa biển, xóm chài nhỏ chừng gần 20 hộ dân thuộc thôn Tân An Hải, gần cửa biển Tư Hiền (xã Lộc Bình, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đã rộn rã với tiếng chèo, máy đuôi tôm trên vùng nuôi cá lồng. Những người phụ nữ tíu tít chuẩn bị các thau thức ăn cho cá là những loài cá nhỏ, cá vụn được băm nhỏ. Những người đàn ông mình trần rám nắng đang trầm mình dưới nước để cho cá ăn. Trong những chiếc lồng được đan bằng lưới bập bềnh trên vùng cửa biển, những con cá hồng, cá vẩu, cá mú, cá nâu, cá dìa... quẫy đuôi đớp mồi rào rạt.
Xóm chài Tân An Hải được biết đến là khu vực khá giả nhờ nghề nuôi cá tự nhiên. Ông Lê Viết Khánh (54 tuổi) ngụp lặn bên một lồng cá hồng, vừa cho cá ăn vừa vui vẻ nói: “Trong lồng này có khoảng hơn 20 con cá hồng, đã nuôi hơn 2 năm, cá lớn chừng 3 - 4 kg. Chúng ăn khỏe, mỗi ngày gần chục cân cá vụn tươi. Bây giờ nhìn cá lớn vậy ít ai biết đây là những con cá chúng tôi bắt được từ nò sáo (làm bằng tre và lưới thành công cụ đánh bắt, cá tôm vào được nhưng không ra được - PV) khi chúng còn bé tí, chỉ bằng đầu đũa”.
Ông Khánh hứng khởi khoe: “Gia đình tôi từng lập kỷ lục nuôi được một con cá mú đến 72 kg, bán được 25 triệu đồng. Con cá mú lớn thứ nhì hơn 30 kg, cũng bán được hơn 15 triệu đồng”.
Xóm chài nhỏ với nhiều ngôi nhà khang trang |
Ký ức về làng chài nghèo khó
Ông Khánh là một trong những người đầu tiên của xóm chài khai sinh ra nghề nuôi “vỗ béo” cá tự nhiên từ trước năm 1999. Thời điểm đó, cả xóm sống lênh đênh trên những con đò mà người dân địa phương gọi là “nốt”, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên đầm phá.
Người dân xóm chài thời ấy do không có chỗ ở ổn định nên luôn đối diện với nghèo đói, thất học. Cơn lũ lịch sử năm 1999 ập đến đã xé tan những con đò, cuốn trôi toàn bộ tài sản, sinh kế của người dân. Nhưng cũng chính cơn lũ đã đem đến cơ hội cho xóm chài được lên bờ khi nhà nước thực hiện chính sách tái định cư, cấp đất làm nhà.
“Tôi luôn khát khao được an cư trên bờ. Hy vọng đó cứ thôi thúc tôi từng ngày, rồi sau cơn lũ lịch sử năm 1999, nhà nước có chủ trương tái định cư cho cư dân vạn đò. Được lên bờ, tôi đã nghĩ ra việc nuôi cá lồng bằng lưới. Vốn liếng không được bao nhiêu nên vợ chồng tôi mua lưới rồi chặt tre làm lồng bè, bỏ công sức ra để bắt những con cá tự nhiên về làm giống. May mắn cá phát triển khỏe, từ 1 lồng rồi dần lên 4 - 5 lồng”, ông Khánh kể.
Thấy mô hình hiệu quả, nhiều gia đình trong thôn cũng bắt đầu làm theo. “Trước đây vùng này chỉ có một vài hộ nuôi, sau đó khi thấy nuôi hiệu quả thì nhiều người mạnh dạn làm theo, dần hình thành nên xóm nuôi cá lồng này”, ông Khánh kể.
Ông Lê Viết Khánh sống khỏe với nghề “vỗ béo” cá tự nhiên trên vùng cửa biển Tư Hiền |
B.N.L - H.N |
Độc đáo nghề “vỗ béo” cá nhà hàng
Ông Khánh thoăn thoắt mái chèo đưa chúng tôi tiến gần đến các lồng nuôi để tận mắt nhìn thấy thành quả lao động của vợ chồng ông. Chứng kiến việc ông cho cá ăn, chăm sóc từng lồng cá… mới biết việc nuôi cá “nhà hàng” này không dễ.
Ông Khánh cho biết điểm đặc biệt của nghề nuôi cá lồng nơi đây là con giống phải được đánh bắt tự nhiên ngoài vùng cửa biển Tư Hiền. “Chúng tôi nuôi cá cũng như nuôi heo. Vào khoảng tháng 6, 7 và 11 âm lịch hằng năm là mùa các loài cá tự nhiên vùng cửa biển ngược dòng sinh sản. Lúc ấy các hộ nuôi cá của thôn Tân An Hải ra cửa biển để bắt cá con còn bé tí mang về thả nuôi. Các loại giống sinh sản nhân tạo trước đây chúng tôi cũng có mua về thả nuôi nhưng đều không phù hợp với môi trường sinh thái nên chúng chết dần”, ông Khánh nói.
Tìm nguồn giống đã khó, việc “vỗ béo” cá lại càng khó khăn hơn, khi nuôi các loài cá này không thể sử dụng thức ăn công nghiệp. Người nuôi phải tự đánh bắt hoặc mua cá vụn về băm nhỏ làm thức ăn cho cá. “Các loài cá hồng, mú, vẩu, nâu, dìa… là đặc sản được ưa chuộng của các nhà hàng hạng sang; nhưng chúng chỉ sống được trong môi trường nước lợ đầm phá, cửa biển có nguồn nước sạch. Thức ăn của chúng chủ yếu là các loài cá tươi băm nhỏ, một ngày ăn 4 - 5 lần, vì vậy các giống cá này thịt thơm ngon, đặc biệt nhất trong các loài hải sản vùng nước lợ”, ông Khánh giải thích.
Theo ông Khánh, để nuôi những giống cá này hiệu quả, ngoài kinh nghiệm còn cần có sự kỳ công trong chăm sóc, biết rõ đặc điểm sinh trưởng của cá. Tuy nhiên, đáng lo nhất vẫn là mùa mưa lũ, làm nước trên đầm bị ngọt hóa sẽ khiến cá chết hàng loạt.
Với hơn 10 lồng nuôi cá vẩu, cá mú, cá hồng…, gia đình ông Khánh có nguồn cá bán quanh năm, với lợi nhuận 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Ngay sát nhà ông Khánh là ngôi nhà 2 tầng khang trang của ông Huỳnh Văn Thành (52 tuổi), cũng là hộ nuôi cá thành công trong thôn.
Ông Thành kể nhờ có nghề nuôi cá lồng tự nhiên mà ông đã xây dựng được cơ ngơi hôm nay. Ngôi nhà được xây dựng với kinh phí hơn 700 triệu đồng thời điểm năm 2019, đầy đủ tiện nghi là thành quả tích cóp từ hơn 20 lồng nuôi cá.
“Cá nuôi lồng tự nhiên luôn được các nhà hàng, thương lái săn đón, với thời giá hiện nay dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Mỗi năm với 20 lồng cá, gia đình tôi xuất bán được hơn 300 triệu đồng”, ông Thành cho biết.
Gần nửa đời người lênh đênh trên vùng cửa biển Tư Hiền, ông Thành vui với thành quả lao động của mình không chỉ nhờ thiên nhiên ban tặng nguồn nước mà còn cả mồ hôi, công sức của gia đình.
“Lúc trước chỉ mong đủ ăn, đủ mặc, thoát cảnh lênh đênh vạn đò chứ chưa bao giờ tôi mơ đến cuộc sống như hôm nay. Sau bao cố gắng, tôi vui vì có được cơ ngơi riêng, nuôi những đứa con trưởng thành, dần có cuộc sống ổn định”, ông Thành bộc bạch. (còn tiếp)
Điểm sáng kinh tế của địa phương
Ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình (H.Phú Lộc), cho biết mô hình nuôi cá lồng của khu vực dân cư Tân Bình thuộc thôn Tân An Hải là điểm sáng kinh tế của địa phương. Mô hình nuôi cá tự nhiên của các hộ dân này đã được UBND H.Phú Lộc đưa vào quy hoạch trở thành vùng nuôi trồng thủy sản của địa phương. Người dân từ thực tế vùng đầm phá cửa biển đã đúc kết kinh nghiệm trở thành mô hình nuôi “vỗ béo” cá tự nhiên thành công, đem lại thu nhập khá và ổn định.
Hiện địa phương đang có chủ trương phát triển mô hình nuôi cá lồng ra các thôn lân cận. Với định hướng phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương, xã Lộc Bình đang phối hợp với xã Vinh Hiền phát triển nghề nuôi cá lồng (cá vẩu, cá mú, cá hồng…) thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Mô hình nuôi cá lồng tự nhiên nơi vùng cửa biển Tư Hiền đã giúp người dân có cơ hội làm giàu bằng chính đôi tay của mình
Làm giàu từ biển
Bình luận (0)