Làm giấy khai tử cho người thân có nhiêu khê, mất bao lâu?

27/07/2017 12:39 GMT+7

Vụ việc người dân cho rằng 'bị hành' khi xin cấp giấy khai tử ở UBND Văn Miếu (Hà Nội) khiến nhiều bạn đọc thắc mắc về quy trình xin cấp giấy khai tử làm sao nhanh chóng nhất trong lúc tang gia bối rối. Khi cán bộ phường trễ hẹn với người dân thì có phải chịu trách nhiệm gì hay không?

Mới đây, chị Vũ Thanh Hoa đến trụ sở UBND phường Văn Miếu (Q. Đống Đa, TP. Hà Nội) để làm thủ tục khai tử cho bố đẻ vào sáng 19.7 và được cán bộ của phường hẹn đầu giờ chiều quay lại để nhận giấy khai tử.

tin liên quan

Vụ 'hành dân' làm giấy chứng tử: Tạm đình chỉ Phó chủ tịch P.Văn Miếu
Ngày 26.7, ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND Q.Đống Đa (Hà Nội), ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND P.Văn Miếu (Q.Đống Đa), từ ngày 27 - 29.7, để phục vụ việc kiểm tra, xác minh thông tin do công dân, báo chí phản ánh về giải quyết thủ tục hành chính tại phường.
Đến 14 giờ, chị Hoa và người thân đến trụ sở nhận giấy khai tử thì cán bộ này cho biết lãnh đạo phường chưa về nên chưa ký được giấy khai tử. Gia đình chị Hoa về nhà, đến 15 giờ 30 phút thì quay lại phường để nhận giấy khai tử.
Lần thứ hai này, gia đình chị Hoa đã nhận được giấy khai tử nhưng đã có lời qua tiếng lại với các cán bộ phường vì phải đi lại quá nhiều lần. Chị Hoa cũng phản ánh việc người nhà chị này bị bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND phường nói là "vô văn hóa". Vụ việc đang gây xôn xao trên cộng đồng mạng.
Vậy quy trình đăng ký khai tử như thế nào, hồ sơ khai tử gồm những gì và trường hợp cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, sai hẹn với người dân thì có phải chịu trách nhiệm hay không?
Một lãnh đạo UBND phường 15, quận 4, TP.HCM cho biết hồ sơ đăng ký khai tử gồm:
- Phiếu cung cấp thông tin đăng ký khai tử (người đi khai tử tự viết hoặc tham khảo mẫu tại UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký khai tử).
Bộ phận một cửa - UBND phường Văn Miếu Ảnh: M.C
- Bản chính Giấy báo tử: Đối với người chết tại bệnh viện hoặc tại cơ sở y tế thì Giám đốc bệnh viện hoặc người phụ trách cơ sở y tế đó cấp Giấy báo tử. Đối với người cư trú ở một nơi nhưng chết ở một nơi khác ngoài cơ sở y tế thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người đó chết cấp Giấy báo tử.
- Đối với người chết là quân nhân tại ngũ, công chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và những người được tập trung làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý thì thủ trưởng đơn vị đó cấp Giấy báo tử.
- Đối với người chết trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giam hoặc tại nơi tạm giữ thì thủ trưởng cơ quan nơi giam, giữ người đó cấp Giấy báo tử.
- Đối với người chết tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục do ngành Công an quản lý thì Thủ trưởng các cơ quan đó cấp Giấy báo tử.
- Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp Giấy báo tử.
Trong trường hợp không có Giấy báo tử thì nộp giấy tờ thay thế sau:
- Trường hợp một người bị tòa án tuyên bố là đã chết thì quyết định tuyên bố chết của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thay cho Giấy báo tử.
- Trường hợp người chết có nghi vấn thì văn bản xác định nguyên nhân chết của cơ quan công an hoặc của cơ quan y tế cấp huyện trở lên thay cho Giấy báo tử.
- Đối với người chết tại nhà, ở nơi cư trú thì văn bản xác nhận việc chết của người làm chứng thay cho Giấy báo tử. Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về việc chết thì không phải nộp văn bản xác nhận của người làm chứng.

tin liên quan

Quyền im lặng hoa hậu Phương Nga sử dụng là gì, ai có quyền thực hiện?
“Anh có quyền không nói, những gì anh nói có thể là bằng chứng chống lại anh trước tòa”, câu nói quen thuộc trong các bộ phim hình sự Hồng Kông, Hàn Quốc mà chúng ta hay xem là hình ảnh cụ thể nhất  của nhà chức trách khi thực hiện hành vi công vụ tố tụng hình sự ở các nước. 
Người yêu cầu đăng ký khai tử có thể là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người chết. Hồ sơ nộp trực tiếp tại UBND xã, phường, thị trấn. Trường hợp không trực tiếp đi nộp thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ.
Ngoài ra, người đi khai tử còn phải xuất trình các loại giấy tờ gồm: Bản chính CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của người chết cùng với bản chính CMND hoặc hộ chiếu của người đi khai tử.
Thời hạn giải quyết của thủ tục khai tử là trong ngày và không mất phí.
"Thời gian giải quyết thủ tục khai tử là trong ngày nhưng thường UBND sẽ linh động để làm sao người dân có được giấy khai tử sớm nhất", vị lãnh đạo phường nói thêm. (Tùy thuộc vào các lãnh đạo phường có mặt tại chỗ để ký ngay.)
Một vị Chủ tịch phường ở Q.1 cũng cho biết: thủ tục này không có gì là khó khăn, có nhiều trường hợp mang đầy đủ giấy tờ tới, phường gọi xuống tổ dân phố xác minh 30 phút là xong.
Trường hợp người đi khai tử sau khi người được khai tử chết quá 15 ngày thì phải làm thủ tục đăng ký quá hạn và phải nộp phạt.
Bên cạnh đó, lãnh đạo P.15 chia sẻ, hiện nay do yếu tố tâm linh, nhiều trường hợp tử vong tại nhà nhưng người nhà không muốn công an khám nghiệm tử thi.
Với những trường hợp này, chính quyền địa phương có thể linh động tìm hiểu thông tin từ hàng xóm, họ hàng, trao đổi với người nhà của người chết, nếu họ chấp nhận ký giấy không thắc mắc, khiếu nại về sau thì có thể cấp giấy chứng tử mà không cần khám nghiệm tử thi.
Luật sư Lê Việt Hùng, Hãng luật Minh Mẫn, TP.HCM cho biết một số trường hợp làm việc tại UBND phường được cán bộ công chức cấp biên nhận hẹn thời gian đến nhận lại giấy tờ thì UBND phường phải tuân thủ đúng thời gian này.
Nếu cán bộ công chức sai hẹn thì người dân có quyền khiếu nại trực tiếp đến UBND phường hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.