Nhưng với những người trong giới thì ai cũng biết điều này đã tồn tại rất lâu. Một thời, vấn đề nghiêm trọng trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là đạo văn. Đã từng có nhiều trường hợp nhà khoa học Việt Nam bị tạp chí quốc tế rút bài đã công bố do phát hiện đạo văn. Giờ đây điều này không đáng lo nữa vì đã có nhiều cách khác để công bố bài báo khoa học đạt chuẩn xếp hạng mà không cần phải lao động vất vả.
Bỏ một số tiền lớn để thuê người viết hoặc mua bài là cách an toàn và phổ biến nhất hiện nay. Thực tế không chỉ có những cá nhân sử dụng dịch vụ mua bán bài báo khoa học (như Báo Thanh Niên đang thực hiện loạt bài phản ảnh) mà điều đáng nói, chính các trường đại học cũng đang bước vào cuộc đua này.
Giới nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đều biết rõ có những trường đại học nào “chuyên nghiệp” trong công bố nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín. Cách làm phổ biến là sẵn sàng trả một số tiền rất lớn cho các giảng viên không phải người của trường viết bài báo khoa học, để tên đơn vị trường này.
Nhiều người cho rằng cách làm giả dối này không giúp trình độ nghiên cứu của giảng viên được nâng lên mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới người học. Thậm chí không ít ý kiến đề nghị thay vì bỏ số tiền để mua bài báo quốc tế thì đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng trình độ giảng viên. Có như vậy người học mới được thụ hưởng môi trường đào tạo, nghiên cứu thực chất.
Những cách làm khoa học phi khoa học hiện nay trong giới nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn là “hợp tác để sống”- đứng tên kèm trong một bài báo. Có người không viết báo nhưng tên tuổi vẫn xuất hiện thường xuyên do “nhờ” đứng chung với một/một số tác giả khác, sau đó sẽ lại quả bằng các kiểu.
Một kiểu nghiên cứu nguy hiểm khác mà có người, dù biết, nhưng vẫn sẵn sàng thực hiện. Đó là trả tiền để đăng bài trên các tạp chí khoa học dỏm, “săn mồi” chủ yếu để thu tiền, chỉ với mục đích làm sao có bài đăng trên các tạp chí “quốc tế” để được tính điểm.
Những vấn đề này không lạ đối với giới nghiên cứu Việt Nam nhưng vì sao không ai muốn nói công khai? Do ai cũng biết rằng những đánh giá giờ đây phần lớn chỉ cần nhìn vào kết quả mà không đòi hỏi thực chất. Còn nhiều cuộc chạy đua về xếp hạng, về công bố khoa học quốc tế, về học hàm, học vị… thì càng có nhiều nhà khoa học sẵn sàng thực hiện các cách thức phi khoa học nhất để được thừa nhận.
Chừng nào việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư chỉ được xem một lần, không quan tâm đến những đóng góp, quá trình của họ về sau thì vẫn còn tình trạng “chạy” bài báo khoa học để đủ điểm xét duyệt. Khi nào đánh giá nhìn vào chất lượng chứ không phải số lượng thì mới hạn chế tình trạng bằng mọi cách phải cho ra công trình khoa học bất chấp cách thức.
Đạo văn nghe có vẻ đáng sợ nhưng hiện nay dễ phát hiện do có phần mềm hỗ trợ. Còn những cách làm khoa học phi khoa học tràn lan như kể trên rất tinh vi nên khó nhận biết. Để thay đổi, ngoài những giải pháp toàn diện về mặt kỹ thuật còn cần đến sự thay đổi về quan điểm, đánh giá thực chất hơn trong nghiên cứu khoa học.
Bình luận (0)