Làm lại cuộc đời: Vươn dậy từ lần vấp ngã

07/04/2014 03:00 GMT+7

Làm lại cuộc đời là vô vàn lần khó, nhưng với các bạn trẻ đủ nghị lực và lòng quyết tâm thì dù khó cỡ nào họ cũng làm được. Thanh Niên giới thiệu với bạn đọc loạt bài về những người trẻ từng phạm pháp, mất quyền công dân… đã khát khao làm lại cuộc đời và nói lời xin lỗi trước những sai lầm của mình.

 Làm lại cuộc đời: Vươn dậy từ lần vấp ngã
Vợ chồng anh Ngô Huỳnh Vũ trong xưởng sản xuất áo mưa - Ảnh: Như Lịch

Một anh thợ hớt tóc, vì hoàn cảnh khó khăn và mê lợi nhuận đã nhắm mắt bán băng đĩa lậu. Sau 9 tháng ở tù, anh đã đổi nghề và vươn lên để đổi đời. 

Đó là anh Ngô Huỳnh Vũ (33 tuổi, ngụ ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM). 

Không muốn mang “dép”

“Năm 2004, vợ chồng tôi từ Bình Dương trở về quê hương Củ Chi cất nhà, mở tiệm hớt tóc. Hồi mới mở tiệm rất ít khách, lại hớt tóc trúng ông bán băng đĩa lậu. Thấy ổng bán đĩa “ngon” quá nên tôi đã hỏi thăm cách buôn bán. Tôi bị bắt khi đang bán đĩa và bị phạt 9 tháng tù giam về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Đến năm 2007, tôi được ra khỏi trại giam”, anh Vũ chia sẻ câu chuyện của mình.

Anh Vũ tâm sự, đón anh trở lại với đời, ngoài gia đình là… vô số khó khăn: “Lúc đó vợ con khổ, còn mình đâu ai mướn. Mình có án tích, cảm thấy mắc cỡ, không vui”. Mặt khác, ám ảnh những tháng ngày lao lý, anh tự dặn lòng: “Khi cải tạo rồi mới thấy cuộc đời có nhiều điểm dễ khiến mình vấp ngã lắm. Như say xỉn quậy phá, hoặc chỉ cần chạy xe đụng người ta là mình có thể bị án tiếp. Nên 9 tháng đó cũng là một bài học để mình rút kinh nghiệm đừng vi phạm nữa”.

 

Mấy đứa em mới lớn vẫn nghĩ gia đình tụi nó nghèo khổ, anh em nó không có nghề ngỗng gì chắc sau này sẽ không bao giờ phát triển được. Nghĩ vậy là tự an phận, tự bó buộc lấy mình... Đừng nên tuyệt vọng gì cả, cái gì cũng còn ở tương lai

Anh Ngô Huỳnh Vũ

Vũ kể khi thụ án, những bạn tù thường bảo nhau là dép đi hai chiếc, tức là ai ở đây một khóa rồi thì sớm muộn gì cũng vào tù thêm khóa nữa, và bộc bạch: “Tui nghe nói vậy cũng sợ, không muốn mang thêm bất cứ “chiếc dép” nào nữa”. Tuy nhiên, anh thẳng thắn nhìn nhận rằng, đôi khi thấy vợ con khổ quá cũng có chút dao động, muốn trở lại đường cũ. May thay, vợ anh - chị Đoàn Thị Kim Loan, đã kịp làm “công tác tư tưởng". Vũ vẫn nhớ rõ những lời hăm he của vợ lúc ấy: “Anh mà vi phạm lần nữa thì mẹ con tui bỏ luôn. Bây giờ anh mới về không có công việc thì gia đình mình ở bên nhau, có gì ăn nấy, từ từ cải thiện dần. Mình hãy làm bằng sức lao động và theo khả năng của mình. Đâu thể một phút mà lên mây được”.

“Mình có cái tâm thương vợ thương con. Trong những nỗi sợ hãi của tôi, nỗi sợ lớn nhất chính là phải xa người thân thêm một lần nữa”, Vũ trải lòng. 

Ngã rẽ cuộc đời

Đến thăm anh Vũ ở Củ Chi, chúng tôi thấy hai vợ chồng đang cặm cụi bên đống áo mưa mới may xong. Xem ra, nghề hớt tóc với anh giờ chỉ còn là dĩ vãng. “Hồi mới về, không có tiền mở tiệm hớt tóc, tôi đi làm phụ hồ. Làm hồ dành dụm được chút ít, tui mở lại tiệm hớt tóc. Năm 2008, bà xã tôi có ý định nhận máy móc của Công ty Kiến Đại ở địa phương về may gia công. Tụi tôi đem lên bàn cân coi cái nào có tương lai hơn, cuối cùng chọn theo nghề này”, anh Vũ giải thích.

Theo anh Vũ, thời gian đầu đến với nghề may đầy bỡ ngỡ và trầy trật. Anh hồi tưởng: “Lúc tụi tôi đăng ký điện sản xuất thì không có giấy tờ gì cả. May nhờ địa phương tạo điều kiện cấp lại sổ hộ khẩu để bổ túc hồ sơ. Rồi máy móc hư không tự sửa được, mọi chi phí đều phải lấy ra từ hàng sản xuất nên không còn lợi nhuận”. Dẫu vậy, vợ chồng anh xác định những chiếc máy may chính là “cần câu” được người đời tin tưởng trao cho, nên luôn động viên nhau phải cố gắng thích nghi. Chịu khó lân la học hỏi, đến nay anh Vũ đã tự bảo trì cho xưởng của mình, tiết kiệm đáng kể thời gian lẫn tiền bạc.

 

Sống đẹp và sống có ích

Mới đây, Hội LHTN TP.HCM tuyên dương và tặng giấy khen cho anh Ngô Huỳnh Vũ vì “đã có nhiều nỗ lực phấn đấu vươn lên sống đẹp, sống có ích”. Năm 2013, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM đã trợ vốn cho anh 40 triệu đồng để mở rộng cơ sở sản xuất áo mưa.

Anh Huỳnh Anh Tuấn, Phó bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội LHTN xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM, cho biết: “Tôi nhận thấy khả năng phấn đấu của anh Vũ rất rõ nét. Dù hạn chế về thời gian nhưng anh vẫn tích cực tham gia những hoạt động của địa phương, đã đạt được một số thành quả đáng mừng và có lối sống giản dị. Vì vậy, chúng tôi muốn nhân rộng, truyền lửa về tấm gương vươn lên của anh cho thanh niên địa phương học tập”.

Trước đây, trong ngôi nhà tạm bợ khoảng 60 m2, gia đình anh Vũ vừa sinh hoạt vừa làm xưởng may. Hiện tại, vợ chồng anh đã xây hẳn ngôi nhà khang trang cùng cơ sở sản xuất riêng biệt, trên tổng diện tích 120 m2. Ngoài 7 công nhân làm việc ổn định, vợ chồng anh còn tạo việc làm thêm cho hơn 30 lao động nhàn rỗi trên địa bàn.

Đừng tuyệt vọng !

Đã qua 7 năm rời khỏi vòng lao lý, Vũ cho biết vẫn còn rất ám ảnh một câu trong bản án kết tội anh, đó là: “Thích hưởng thụ, chây lười lao động”. Anh bày tỏ: “Câu nói đó thúc giục tôi phải làm ngày làm đêm. Tôi muốn nói với những ai từng giống như tôi là hãy biết tránh xa câu nói trên và yêu lấy câu “Lao động là vinh quang”. Có như vậy, bảo đảm cuộc sống sẽ đi lên”.

Vũ cho hay, trong số những công nhân của anh có một thanh niên ham chơi, ai rủ nhậu hoặc đi đâu đó là bỏ ngang công việc. Lo ngại chàng trai này sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, anh kiên nhẫn khuyên nhủ và dần cảm hóa được. “Mấy đứa em mới lớn vẫn nghĩ gia đình tụi nó nghèo khổ, anh em nó không có nghề ngỗng gì chắc sau này sẽ không bao giờ phát triển được. Nghĩ vậy là tự an phận, tự bó buộc lấy mình. Tôi lấy hoàn cảnh, quá khứ của mình ra để chỉ cho mấy em đó thấy. Hồi tôi còn trẻ và đói khổ, đâu dám nghĩ sau này mình được quyền làm chủ bản thân, nói chi đến làm chủ cho ai khác như bây giờ. Do vậy, đừng nên tuyệt vọng gì cả, cái gì cũng còn ở tương lai”, anh Vũ nhắn nhủ.

Anh Vũ tiết lộ, vợ chồng anh đang chuẩn bị từng ngày để tiến đến thời điểm có thể tự mua nguyên vật liệu, xây dựng thương hiệu và lập công ty sản xuất áo mưa. Theo lời anh khẳng định, hạnh phúc lớn nhất của đời mình chính là tạo điều kiện cho mấy đứa con tung tăng đến trường, không để các con cơ nhỡ, học hành dang dở như… ba chúng nó ngày trước.

Như Lịch

>> Giúp bạn làm lại cuộc đời
>> Làm lại cuộc đời
>> Phẫu thuật "làm lại cuộc đời
>> Thời gian đệm" của những người làm lại cuộc đời 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.