>> Khen thưởng người tố cáo gian lận xét nghiệm
>> Người tố cáo rơi nước mắt
>> Kiểm điểm trước toàn ngành y tế Hà Nội
Đó là bác sĩ Đ.T, thuộc Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) khám cho một bé gái mới 7 tháng tuổi được đưa vào bệnh viện do bị sốt, đã kết luận cháu bị chứng phù nề da quy đầu (?).
Ông cho một toa thuốc gồm 5 vị, trong đó có 3 vị phổ thông là thuốc hỗ trợ nâng hệ miễn dịch, bổ sung can xi, bổ sung vitamin nâng thể trạng...
Khi trả lời báo chí tại sao có trường hợp sai sót vừa buồn cười vừa rất nguy hiểm cho bệnh nhi này xảy ra, ông Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện, nói rằng đó là do máy tính quá tải, bệnh nhi đông nên nhảy sai mã bệnh. Bác sĩ điều trị chỉ quên xem lại đơn thuốc trước khi ký tên (?). Theo ông, dù toa thuốc kết luận bé gái bị phù nề da quy đầu nhưng đã có 3/5 loại thuốc được kê đúng bệnh.
Việc khám bệnh của bác sĩ Đ.T với kết luận hết sức hàm hồ, lại cho thuốc quá nhiều so với thể trạng một bé gái 7 tháng tuổi đã là việc làm cho có, dẫn đến tình trạng sai lè lè ra. Đáng lẽ, khi trả lời cho gia đình và công luận, ông phó giám đốc phải nói một cách ngay ngắn, thẳng thắn nhận lỗi về cơ quan mình và có biện pháp nhắc nhở để ông Đ.T sửa chữa và làm tốt hơn sau này. Thế nhưng, ông phó giám đốc lại đổ thừa sai sót là do điều kiện khách quan gây ra (máy tính quá tải), cố ý giảm sai phạm của bác sĩ điều trị xuống (do quên xem lại đơn thuốc), hoàn toàn không quan tâm đến y đức (3 vị thuốc được kê đúng bệnh). Rõ ràng, với kiểu nói lấy được này, ông phó giám đốc đã không lấy sinh mạng con người làm trọng và quá coi thường dư luận.
Chuyện thứ hai là ngày 16.8, Sở Y tế Hà Nội tổ chức khen thưởng các cán bộ, nhân viên đã có công tố cáo việc gian lận trong xét nghiệm máu tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Các chị Hoàng Thị Nguyệt, Phan Thị Nam Đông, Khuất Thị Định được nhận bằng khen và số tiền thưởng 320.000 đồng mỗi người.
Dự lễ khen thưởng, đặc biệt là khen thưởng chống tiêu cực để làm sạch, làm đẹp nội bộ đơn vị; đáng lẽ các chị phải tươi cười. Thế nhưng không, gương mặt của những người được khen thưởng vẫn buồn bã, và thậm chí họ còn khóc nữa. Đài truyền hình Trung ương đưa cận cảnh những giọt nước mắt của họ. Họ đã trải qua sự lo sợ, sự căng thẳng trong những ngày bị cô lập, sự dọa dẫm, bêu riếu và xúc phạm danh dự. Một chị phát biểu hết sức nhân hậu: “Tôi chẳng vui gì khi thấy các đồng nghiệp của mình bị kỷ luật”. Tôi có cảm tưởng các chị vẫn còn mang tâm trạng đó vào trong buổi lễ này.
Điều đáng nói là buổi lễ diễn ra trong khoảng 30 phút, quá lèo tèo. Ngoài anh chị em báo chí ra, ít có cán bộ nhân viên khác của ngành y và bệnh viện Hoài Đức đến tham dự. Không khí của buổi lễ thật thảm đạm vì không có một cành hoa, một đóa hoa. Ngành ta nghèo đến nỗi phải tiết kiệm khoản đó chăng? Tôi không cho là vậy. Đại diện của sở chủ trì buổi lễ cho rằng lễ khen thưởng diễn ra đơn giản như vậy mới ấm cúng (?). Bạn xem đài có cảm tưởng sở đã làm một buổi lễ lấy được, làm cho có để đối phó với công luận hơn là nhằm biểu dương những người dũng cảm chống tiêu cực, noi gương cho toàn ngành học và làm theo.
Hai sự kiện trên quả thật đáng buồn cho ngành y và cho cả xã hội. Nó cho thấy thái độ dũng cảm nhận trách nhiệm, tinh thần thẳng thắn sửa sai trước những sai phạm lớn nhỏ cũng có biên độ và những người có trách nhiệm hình như chỉ nhằm làm cho có, đối phó với công luận cần thiết hơn là tự làm trong sạch ngành mình.
Vũ Đức Sao Biển
Bình luận (0)