Làm mới bài học lịch sử

05/04/2014 03:00 GMT+7

Nhiều trường học đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy lịch sử nhằm giúp học sinh yêu thích môn học được cho là khô khan này.

Giáo viên Lê Bảo Trâm thuyết giảng cho học sinh về những vất vả khó khăn của học sinh thời chiến - Ảnh: Minh Luân
Giáo viên Lê Bảo Trâm thuyết giảng cho học sinh về những vất vả khó khăn của học sinh
thời chiến - Ảnh: Minh Luân
 

Đưa bảo tàng vào trường học

Vào cuối tháng 3.2014, Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM đã thực hiện mô hình đưa “Bảo tàng chiến tranh về trường”. Ý định của nhà trường là làm những giờ học sử thêm sinh động và hấp dẫn. Ông Nguyễn Đạt Sử, Hiệu phó, cho biết: “Bên phía bảo tàng hỗ trợ trường rất nhiều tranh ảnh, tư liệu. Đồng thời họ cũng cử người bồi dưỡng cách thức hướng dẫn, diễn giải thông tin cho giáo viên để truyền giảng lại cho học sinh”.

Chúng tôi đến trường này đúng vào thời điểm giáo viên Lê Bảo Trâm thuyết giảng cho học sinh về nghị lực học tập của học sinh thời chiến. Cô Trâm đã dẫn dắt gần 100 học sinh khối lớp 4 quay về những hình ảnh vượt khó, lao động học tập của học sinh thời chiến tranh.

Tôn Thất Bảo Long, học sinh lớp 4/5, cho biết: “Em thấy mấy bạn hồi chiến tranh phải học tập trong điều kiện thiếu thốn, thiếu bàn ghế, thiếu tập sách nhưng vẫn cố gắng”. Long cho rằng bức ảnh gây ấn tượng nhất là trường hợp học sinh Hoa Xuân Tứ, lớp 6 Trường Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An. “Dù anh Tứ mất đôi tay từ nhỏ sau một tai nạn nhưng anh không đầu hàng số phận, nỗ lực luyện viết chữ bằng chân và trở thành học sinh giỏi”, Long chia sẻ. Hoa Xuân Tứ là một trong 6 thiếu nhi dự Đại hội Anh hùng lần thứ nhất năm 1966 tại Hà Nội.

Sau khi được trang bị kiến thức chung về cuộc sống, học tập của trẻ em thời chiến tranh, học sinh sẽ di chuyển vòng quanh trong “bảo tàng” thu nhỏ (khoảng 60 m2, bốn phía trưng bày nhiều ảnh tư liệu) và tìm hiểu thêm thông tin. Sau đó các em về lớp thảo luận chuyên đề và viết bài thu hoạch.

Ông Sử cho biết trường đưa ra nhiều chuyên đề phân bố đều trong 9 tháng thực học… Mỗi tháng trường thực hiện một chuyên đề để học sinh tìm hiểu, học tập.

Đa dạng hình thức

Trước đó, nhiều trường tại TP.HCM cũng tìm nhiều phương pháp mới để giúp học sinh hiểu tường tận bài học, yêu thích môn lịch sử. Tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, giáo viên khối 5 Phạm Thị Hào đã biến tiết học lịch sử thành một vở kịch với những hình ảnh, tình huống sống động. Ngoài ra, giáo viên này còn lồng ghép âm nhạc, thơ ca… vào bài giảng.

Với bài học “Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước”, cô Hào cho học sinh hóa thân thành những nhân vật như: Bác Hồ, anh Tư Lê (một người bạn của Bác), thương nhân người Pháp… Song song đó, màn hình chiếu những hình ảnh quê Bác ở Nghệ An. Phía dưới, cô Hào đọc trên nền nhạc bài thơ Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên). Học sinh vừa xúc động cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước lớn lao của Bác vừa ghi nhớ bài học dễ dàng.

Giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, Q.Bình Thạnh cũng đã sáng tạo giảng dạy về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (1954) qua mô hình làm từ bông lau bảng, xốp. Mô hình này rộng khoảng 2 m2, bao gồm các đồi A1, C1, Him Lam, bản Hồng Cúm...

Minh Luân

>> Dạy lịch sử qua mô hình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.