Nhà sản xuất VietFilm cho biết, việc khai thác cổ tích thế giới khó khăn nhiều hơn, nhiều nhất vẫn là phần kịch bản. “Các tác phẩm vốn đã rất nổi tiếng, đa phần đã được dựng bản điện ảnh hoành tráng. Vì thế chúng tôi phải cân nhắc khi chọn hình ảnh nhân vật thế nào cho hấp dẫn, số lượng nhân vật cũng như bối cảnh ra sao và gần như phải làm từ đầu sao cho vừa nguyên bản vừa mới mẻ và hợp lý”, đại diện VietFilm chia sẻ. Về cơ bản, cốt truyện được giữ nguyên, chỉ đan xen thêm những tình huống nhỏ, nhẹ, gần gũi và “nhắc nhở” về việc gìn giữ môi trường, bảo vệ động vật, sống vị tha, giúp đỡ người khác...
Hình ảnh trong phim Cô bé bán diêm |
V.F |
Với cổ tích thế giới, màu sắc và hình ảnh của trời Âu theo từng mùa cũng rất khó khăn với ê kíp kỹ thuật, phải tìm cách “cân đo” để hình ảnh khác biệt với phim cổ tích Việt Nam. Do đó, ê kíp phải đầu tư thêm máy móc thiết bị để đảm bảo mọi mặt từ chất lượng đến thời gian. Đáng nói, bên cạnh các tình huống mới gắn với văn hóa Việt, phần lipsync (nhép môi) tiếng Việt của nhân vật cũng tạo thêm sự gần gũi với người xem.
Phim 3D cổ tích thế giới dự kiến gồm 75 tập (mỗi tập khoảng 7 phút) cho 7 truyện: Cô bé bán diêm, Cuộc phiêu lưu của Tí Hon, Hoàng tử Ngốc (Ong chúa), Nước trường sinh, Bạch Tuyết và hoa hồng, Jack và hạt đậu thần, Cô gái tóc mây, sẽ được phát xen kẽ cùng loạt phim 3D cổ tích Việt Nam (gồm 162 tập cho 29 truyện). Sau thời gian phát sóng và nhận thấy tỷ lệ rating tăng cũng như lượt xem trên YouTube ngày càng cao, tần suất phát phim 3D cổ tích từ 3 ngày/tuần nay đã tăng lên 5 ngày/tuần (từ thứ hai đến thứ sáu).
Bình luận (0)