Sống lại ký ức
Khán giả đến xem chương trình Tình yêu và đam mê (tại Hà Nội cách đây hơn 2 tháng) còn nhớ mãi dư âm cuộc chinh phục của những người thủy chung với các ca khúc đi cùng năm tháng khi thể hiện dòng nhạc này theo phong cách thính phòng. Chỉ với bộ ba: Đăng Dương, Hồng Vy và Thuyên Hà qua 14 tác phẩm (trong đó có những bài vừa lạ vừa quen của dòng nhạc mà người ta vẫn nghĩ “kén” khán giả như: Mai em đi rồi, Tiếng hát anh tìm em, Tình ca, Tình em, Ở rừng nhớ anh, Những ánh sao đêm, Gió lộng bốn phương, Cám ơn mẹ...) nhưng đã thật sự giành trọn cảm xúc của người nghe. Nhiều khán giả nán lại sân khấu bằng những tràng pháo tay không dứt khiến nghệ sĩ cảm động phải “tặng” thêm bài Tình ca đã hát lúc mở màn.
|
Cũng ít ai nghĩ rằng, nhạc “đỏ” được dàn dựng dưới hình thức xiếc mang đến một cảm xúc thật lạ cho khán giả thủ đô qua chương trình mới đây Đi cùng năm tháng tại Rạp xiếc Trung ương, Hà Nội. Theo NSƯT - đạo diễn Tống Toàn Thắng thì cái mới lạ lồng ghép vào chương trình là tinh thần bộ đội Trường Sơn cùng các ca khúc bất hủ được tái hiện bằng xiếc. Tiết mục đu dây da đôi trên nền nhạc Huyền thoại mẹ, rồi bài Biết ơn chị Võ Thị Sáu được diễn viên đu dây với dải lụa đỏ để lại nhiều dấu ấn nơi người xem.
Theo đạo diễn Trần Vi Mỹ (người dành nhiều tâm huyết cho các chương trình thể loại nhạc này), thì: Sự yêu mến hay trở lại của dòng nhạc nói trên rất dễ hiểu vì phản ánh đúng hiện tượng, câu chuyện, tâm lý khán giả trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó là ý nghĩa thiêng liêng của ca khúc ngấm vào lòng người.
|
Người trẻ tiếp lửa
Đang có một thực tế là rất đông khán giả trẻ đã hòa mình, sống hết mình, hò reo cổ vũ theo từng bài nhạc “đỏ” vang lên. Bên cạnh những tên tuổi ca sĩ như: Ánh Tuyết, Cẩm Vân, Thanh Lam, Hồng Nhung, Đan Trường, Phương Thanh, Hồ Quỳnh Hương, Hà Anh Tuấn, Kasim Hoàng Vũ, Đoan Trang, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng… đã và đang có một thế hệ ca sĩ trẻ, rất trẻ gắn với những bài ca bất hủ như: Phương Linh, Uyên Linh, Quốc Thiên, Đông Nhi, Phan Ngọc Luân, Hà Vân, Võ Hạ Trâm, Đào Lê Mận, Vũ Thắng Lợi, Vũ Cát Tường, Trung Quân, Dương Hoàng Yến, Tố Ni, Hoàng Yến Chibi, Phương Ly, Anh Tú, Annie, Duy Ngọc, nhóm O-Plus, Uni5…
Đạo diễn trẻ Cao Trung Hiếu (đạo diễn Câu chuyện hòa bình) khẳng định: “Nghệ sĩ trẻ thích hát nhạc truyền thống vì một lần nữa được tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc ta. Đó là những trải nghiệm rất quý giá, trong cuộc sống rất khó có được nên họ hát bằng tất cả tâm hồn của người trẻ hôm nay, bằng sự tự hào…”. Ca sĩ Quốc Thiên cho rằng: “Thể hiện dòng nhạc truyền thống, cách mạng còn là thể hiện tấm lòng, sự biết ơn về những gì ông cha ta đã làm cho quê hương, đất nước”.
Từng chứng kiến gần 3.000 người (trong đó có rất đông người trẻ) trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM hào hứng với Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Đêm thành phố đầy sao, Liên khúc Lá đỏ, Tiến về Sài Gòn, Tình ca, Những bông hoa trong vườn Bác, Thành phố mười mùa hoa… càng hiểu hơn tinh thần họ dành cho dòng nhạc “đỏ”.
Hay Vũ Cát Tường, ít ai nghĩ cô sẽ “truyền lửa”, làm náo nhiệt cả Cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) qua chương trình Khát vọng trẻ cách đây không lâu. Những ca sĩ trẻ và người trẻ đang thật sự tiếp lửa cho những bài ca đi cùng năm tháng.
Còn đó dư âm của các đêm nhạc thấm đẫm nghĩa tình như: Những đóa hoa bất tử (tại Hà Tĩnh), Câu chuyện hòa bình (tại TP.HCM), Mẹ và quê hương (tại Hậu Giang), Hành trình theo bước chân những người anh hùng (tại Nghệ An)… Cùng hàng loạt chương trình tại Hà Nội như: Nặng nghĩa tri ân, Khúc quân hành, Ký ức thời hoa lửa, Giai điệu tự hào... Và mới đây, UBMTTQ VN (TP.HCM) phối hợp Đài truyền hình TP.HCM công bố chuỗi chương trình Hướng về biên giới - biển đảo - Tổ quốc. Trong đó, điểm nhấn là đêm giao lưu nghệ thuật với hàng chục ca khúc truyền thống, những bài nhạc “đỏ” sẽ diễn ra tại Nhà hát Đài truyền hình TP.HCM vào tối 2.8 (được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV1).
|
Bình luận