Làm mới phong trào thanh niên tình nguyện

28/08/2016 19:25 GMT+7

Làm thế nào để hoạt động thanh niên tình nguyện luôn tươi mới, không nhàm chán, không hình thức, đặc biệt phải bảo đảm an toàn cho thanh niên. Đây là trăn trở của các đại biểu tại diễn đàn “Thanh niên tình nguyện” chiều 28.8.

Theo anh Nguyễn Minh Thơ, Trưởng Ban Thanh niên xung phong (TNXP) T.Ư Đoàn, phong trào thanh niên tình nguyện (TNTN) do T.Ư Đoàn phát động đã được 16 năm và các hoạt động tình nguyện luôn là chủ đề được cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ quan tâm.
Trong phong trào TNTN đã xuất hiện hàng triệu tập thể và cá nhân điển hình, góp phần xây dựng kinh tế xã hội và đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại khiến việc tập hợp thanh niên tham gia vào các hoạt động gặp không ít khó khăn.
Dien dan thanh nien tinh nguyen
Đại biểu Nguyễn Duy Ngân góp ý tại tại Diễn đàn TNTN Thu Hằng
Anh Nguyễn Sơn Ca, Bí thư chi đoàn khu phố 2, phường 3, TP. Long An (Long An) cho hay, hiện nay ở địa phương, có những nơi chỉ có Bí thư và Phó bí thư Đoàn tham gia hoạt động, còn thanh niên tập hợp vào tổ chức rất hạn chế. Nếu chỉ kêu gọi suông hoặc thông báo thanh niên tham gia hoạt động thì không hiệu quả. Thay vì vận động thanh niên đưa vào tổ chức, Đoàn phường gửi thư ngỏ đến từng gia đình mời tham gia vào một số hoạt động như: chương trình phân loại rác tại nguồn gây quỹ mở thư viện hè phố; chương trình hái thuốc nam làm từ thiện...
“Qua thực tế cho thấy, nếu Đoàn không có một chương trình hành động cụ thể, khó thu hút được thanh niên vào hoạt động. Những mô hình phong trào, phần việc tình nguyện nào giúp ích cho bà con, thanh niên hăng hái đi liền. Không chỉ giúp bà con, thông qua hoạt động, thanh niên có ý thức bảo vệ môi trường, giúp họ gắn kết và yêu thương cuộc sống cộng đồng hơn”, anh Ca chia sẻ.
Việc thu hút thanh niên tham gia vào các hoạt động tình nguyện không chỉ khó ở khu vực địa bàn dân cư, ngay trong các trường ĐH cũng đang gặp khó khăn, nhất là khi các trường chuyển sang đào tạo tín chỉ.
Phó bí thư Đoàn trường ĐH Đồng Tháp Đỗ Thị Thúy Hằng chia sẻ thêm: “Chúng tôi cũng phải đổi mới cách làm, trước đây tổ chức các hoạt động theo lớp, theo khoa, nay Đoàn trường tổ chức tình nguyện theo từng ngành học. Chẳng hạn, sinh viên khối ngành môi trường sẽ tổ chức các hoạt động cùng nông dân ra đồng, trồng các loại cây bảo vệ ruộng đồng; các bạn ngành công tác xã hội vào các bệnh viện hỗ trợ bệnh nhân… Đi tình nguyện vừa để thanh niên giao lưu học hỏi, trau dồi kiến thức".
Cần trang bị kỹ năng cho thanh niên khi tham gia tình nguyện
Việc đảm bảo an toàn cho TNTN, trang bị kỹ năng cho thanh niên trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện cũng là vấn đề được nêu ra tại diễn đàn.
Anh Vũ Quốc Giáp, Bí thư Đoàn trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) bộc bạch: “Bản thân tôi là cán bộ Đoàn chuyên trách 3 nhiệm kỳ, nhưng chưa được đi dự tập huấn tham gia hoạt động tình nguyện, chủ yếu chúng tôi hoạt động theo kinh nghiệm. Chúng ta nên tổ chức tập huấn cho cán bộ Đoàn chủ chốt về công tác tổ chức tình nguyện như thế nào, kỹ năng huấn luyện ra sao… Tôi rất tiếc gần đây có các bạn sinh viên trong quá trình đi tình nguyện gặp tai nạn, nếu chúng ta không tổ chức chặt chẽ, phong trào sẽ bị ảnh hưởng”.
Dien dan thanh nien tinh nguyen
Đại biểu góp ý tại diễn đàn TNTN Ảnh Thu Hằng
Là địa phương xảy ra vụ tai nạn 3 nữ sinh viên bị đuối nước khi tham gia tình nguyện, chị Đỗ Lệ Quyên, Trưởng ban Thiếu niên trường học tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Nếu các em biết bơi, có kỹ năng bảo vệ bản thân thì đã không xảy ra vụ tai nạn đau lòng. Vì vậy, vấn đề trang bị kỹ năng của thanh thiếu nhi, tập huấn kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia khi tham gia hoạt động tình nguyện là rất cần thiết”.
Anh Nguyễn Minh Thơ, Trưởng ban TNXP cho hay, hàng năm T.Ư Đoàn đều tổ chức tập huấn đến chủ chốt các tỉnh, thành Đoàn, còn tập huấn các đội hình tình nguyện là trách nhiệm của các tỉnh thành Đoàn. “Chúng tôi được báo các các tỉnh, thành đoàn đều tổ chức tập huấn cho các đội hình. Tuy nhiên, có nơi làm tốt, có nơi chưa được như mong muốn. Chất lượng đội viên được tập huấn, nâng cao ý thức cho đội viên tốt hơn cũng là vấn đề các địa phương phải làm trong thời gian tới”, anh Thơ nói.
Chỉ ra hạn chế trong các hoạt động TNTN như: chưa thực sự tuyên truyền sâu rộng, các hoạt động nguồn lực còn khó khăn, tính bền vững và chất lượng chưa cao, ở một số nơi hoạt động còn mang tính hình thức, anh Nguyễn Duy Ngân, Bí thư thành Đoàn TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) đề xuất: “Mạng xã hội, trong đó có Facebook, có ảnh hưởng rất lớn tới thanh niên. T.Ư Đoàn có trang Face book, chúng tôi mong muốn nên chăng T.Ư Đoàn có sự kết nối những hoạt động tình nguyện với các tỉnh, thành Đoàn qua Faceboo. Từ đây sức lan tỏa của phong trào TNTN sẽ tốt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.