Làm ngơ có chủ ý

13/04/2016 05:42 GMT+7

Đọc hành trình một công dân cầu cứu chính quyền, 'xin' ngăn chặn việc khai thác than bùn trái phép ở H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai ( Thanh Niên ngày 12.4.2016) mà thấy rùng mình.

Đọc hành trình một công dân cầu cứu chính quyền, 'xin' ngăn chặn việc khai thác than bùn trái phép ở H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai (Thanh Niên ngày 12.4.2016) mà thấy rùng mình.

Sự xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, sự khai thác tài nguyên trái phép trắng trợn đến nỗi... nhà báo cũng thấy, nhưng chính quyền thì ơ hờ. Thậm chí, có nhà báo đã phải kêu cứu bởi bị đe dọa giết cả nhà do thâm nhập điều tra “lò gạch thổ phỉ”; nhà báo khác bị đuổi đánh khi điều tra việc khai thác than trái phép...
Đáng tiếc, chuyện chính quyền làm ngơ cho việc khai thác tài nguyên trái phép, kiểu tận diệt như trên không lạ. Bộ TN-MT từng thừa nhận: Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở nhiều địa phương có sự làm ngơ, thậm chí bao che, tiếp tay của một số đối tượng trong cơ quan công quyền tại địa phương. Trong năm 2015, Chính phủ có không dưới 7 văn bản chỉ đạo về việc xử lý, chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi trái phép. Tuy nhiên, tình trạng xem ra không mấy được cải thiện. Lý do của việc bất lực này, dường như đã được giải thích quá nhiều, từ sự thờ ơ có chủ ý của chính quyền các địa phương trước tình trạng sử dụng tài nguyên đất nước.
Một cựu quan chức từng rất thẳng thắn khi nói rằng: “Lợi ích nhóm đang hoành hành trong ngành khai khoáng”. Cấp to thì tham nhũng mỏ to, cấp nhỏ thì tham nhũng mỏ nhỏ. Tài nguyên đất nước đang bị xâm hại theo những cách hợp pháp nhất, cái sai được đóng dấu bởi sự làm ngơ của chính quyền.
Liên minh khoáng sản quốc tế từng đề nghị VN tham gia sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác (một dạng công ước quốc tế buộc các nước thành viên công khai các dữ liệu về cấp phép sản xuất, các khoản thu, nộp, khai thác khoáng sản), từ năm 2006, nhưng các cơ quan chức năng của VN không tham gia vì lý do “bí mật quốc gia”. Nhưng GS Đặng Hùng Võ thì cho rằng, đó chỉ là ngụy biện. Lý do thực sự của việc các cơ quan chức năng từ chối tham gia là bởi không muốn tiết lộ chi phí không chính thức của ngành này quá cao. Theo một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), chi phí không chính thức của ngành khai khoáng nói chung ở VN lên đến 73%, cao gấp nhiều lần các nước. Không rõ chuyện giám đốc sở TNMT một địa phương từng suýt bị mất chức vì từ chối cấp phép khai khoáng khi doanh nghiệp đã được bí thư tỉnh ủy “giới thiệu” xác tín đến đâu. Nhưng có một sự thật rằng, một bức tường nhà dân dựng lên hôm trước, hôm sau đã có người đến cưỡng chế, còn dân tố cáo chuyện doanh nghiệp tập kết phương tiện, máy móc khai thác tài nguyên như một đại công trường thì chính quyền nói không nhận được đơn. Tàu hút cát rầm rập cả ngày đêm, tận diệt các dòng sông, nhưng cứ hễ cơ quan chức năng xuất hiện là “không phát hiện dấu hiệu khai thác”.
Đến bao giờ và ai có thể có câu trả lời chính xác rằng, người ta đang làm gì với tài nguyên đất nước?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.