Lạm phát 'cắn xé' mâm cơm của người châu Á

Nguyên Nga
Nguyên Nga
24/11/2021 18:59 GMT+7

Đó là nội dung của tựa bài báo vừa được đăng tải trên tờ South China Morning Post ( SCMP ) cuối ngày 22.11.

Theo bài báo, sau đại dịch, giá lương thực thế giới chạm ngưỡng cao nhất một thập kỷ. Thời tiết cực đoan, dịch cúm heo, giá năng lượng tăng, thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng… đang đẩy giá thực phẩm tại các nước châu Á lên cao nhất trong một thập kỷ, khiến nhiều người dân lao đao lo cho từng bữa cơm gia đình.

Nhà giàu cũng tằn tiện

Thậm chí, tại các nền kinh tế châu Á giàu có hơn như Singapore và Hồng Kông, cũng xảy ra tình trạng “thắt lưng buộc bụng” đối với thực phẩm. Khu vực nhà giàu thấy dấu hiệu người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao hoặc các quầy thực phẩm từ thiện ghi nhận lượng khách tăng lên.

Ở các nền kinh tế châu Á giàu có hơn như Singapore và Hồng Kông, cũng xảy ra tình trạng "thắt lưng buộc bụng" đối với thực phẩm

reuters

Bài báo dẫn lời ông chủ quầy rau củ Lai Chin Hooi ở một quận phía đông của Singapore cho biết, khách hàng đi chợ mua thực phẩm tươi sống đang thưa dần. “Mọi thứ đều đắt đỏ. Kinh doanh trở nên khó khăn hơn”, ông chia sẻ. Giá rau xanh nhập khẩu từ Trung Quốc như bông cải xanh đã tăng gần 30 - 40% trong vài tuần qua do bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và chi phí vận chuyển tăng cao. Ông Lai cũng mua rau từ Malaysia, Indonesia và Thái Lan nhưng giá rau ở đây còn đắt hơn nữa. Ông nói: “Trong 6 - 7 năm của tôi ở đây, mức tăng giá của năm nay là cao nhất”, ông nói thêm.

Các số liệu của Chính phủ Singapore cho thấy lạm phát lương thực đã tăng 1,6% trong tháng 9, so với mức 1,5% một tháng trước đó. Nhưng một số mặt hàng thực phẩm đã vượt xa con số này. Ví dụ, một cân nho có giá khoảng 8,12 USD (gần 185.000 đồng) vào tháng 6 nhưng nay lên đến 11,58 USD (gần 263.000 đồng). Tương tự, một số mặt hàng rau sau 3 tháng cũng tăng hơn khoảng 15%.

Không chỉ tại Singapore, tại Đặc khu hành chính Hồng Kông của Trung Quốc, các nhà phân phối thực phẩm, cửa hàng ăn uống đều nói “cảm thấy sức ép”. Tháng 9 vừa qua, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s ở Hồng Kông thông báo với khách hàng rằng có thể dừng phục vụ món cánh gà chiên giòn vì khó khăn trong khâu vận chuyển. Các nhà cung cấp khác cũng cảnh báo sẽ tăng giá bột, trái cây, rau và sản phẩm từ sữa, rượu, bia. Lạm phát chung Hồng Kông đạt 1,4% trong tháng 9 và chỉ số giá tiêu dùng ở mức 1,6%, chính quyền Hồng Kông báo động giá cả tăng cao là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế của thành phố.

Các tổ chức phi lợi nhuận ở Singapore cũng cảnh báo những người bị mất việc do dịch Covid-19 đang đặc biệt dễ bị tổn thương bởi lạm phát và giá cả phi mã. Theo đó, định nghĩa về thiếu ăn cũng đã thay đổi, không còn đơn giản và rõ ràng nữa. Trong số người cần được hỗ trợ thực phẩm giờ đây có cả những người lao động và Tổ chức từ thiện Heart cho biết trong năm nay họ đã phân phát khoảng 10.000 túi thực phẩm, tăng 59% so với năm 2019.

Món thịt biến mất dần trên mâm cơm…

Trong khi đó, hình ảnh “chiến thắng được Covid-19” nhưng khó chiến thắng cuộc chiến giá cả xảy ra tại Ấn Độ được khắc nét bằng hình ảnh thật khó diễn tả. Đó là cảnh buổi lễ Diwali tại thánh địa Ayodhya của đạo Hindu, người ta thắp sáng hơn 1 triệu đèn dầu. Sau lễ, những gia đình nghèo kéo theo con cái ra giữa cánh đồng nhặt một ít dầu mù tạt còn sót lại trong đèn, đổ vào chai mang về nhà dùng để nấu ăn. “Họ phải làm điều này vì dầu mù tạt quá đắt đối với họ. Loại dầu có giá 240 rupee/lít (hơn 73.000 đồng/lít) này đang trở nên xa xỉ với nhiều người. Năm ngoái, giá dầu mù tạt chỉ 150 rupee/lít (46.000 đồng/lít)”, bài báo nhấn mạnh.

Lạm phát thực phẩm ở Ấn Độ đã ổn định từ 3,11% trong tháng 8 còn 0,68% vào tháng 9 nhưng bù lại đây là mức lạm phát cao ngất ở tất cả loại dầu ăn, sau khi tăng giá trị hơn 35%.

Tương tự, tại Malaysia, theo bài báo, xuất hiện ngày càng nhiều “những bữa cơm không thịt”. Với thu nhập khoảng hơn 5 triệu đồng mỗi tháng, bà mẹ tên Saliya có 3 đứa con đang tuổi lớn, từ 7 - 17 tuổi cho biết phải lên kế hoạch nấu nướng trước cả tuần. “Ví dụ, nếu muốn nấu một món thịt gà, tôi phải mua cả con mới đủ ăn và như vậy rất tốn kém”, bà tâm sự bởi một con gà đã bằng 1/20 thu nhập gia đình và bà phải chọn thay món thịt bằng món trứng, đậu phụ và rau xanh. Theo số liệu của chính phủ Malaysia, giá thịt gà tăng 1% trong tháng 9 do giá thức ăn chăn nuôi tăng.

Quầy thịt tại thủ đô Malaysia

reuters

Tại Philippines, vật giá leo thang khiến giá một chiếc pizza đủ mua thức ăn cho 150 người. “Tại thủ đô Manila, một bánh pizza 18 inch của một chuỗi đồ ăn nổi tiếng có giá bán là 1.000 peso (hơn 450.000 đồng) đủ để 5 người ăn nhẹ. Nhưng cùng số tiền đó lại có thể mua thức ăn cho 150 người khác”, bài báo viết.

Đối với những người Philippines giàu có hơn, đại dịch Covid-19 là dịp họ “chìm đắm” trong đồ ăn để quên các thú tiêu khiển khác. Nhưng đối với khoảng 21 triệu người (chiếm 17%) dân số cả nước, quãng thời gian từ ngày 28.4 - 2.5 năm nay đã lập kỷ lục cao nhất về “nạn đói ngoài ý muốn” do khan hiếm thực phẩm, cho dù có tiền cũng chưa chắc mua được thực phẩm.

Ông Carlito Miniado, 68 tuổi, làm nghề thợ mộc tại Philippines cho biết năm ngoái gia đình ông dành 1.000 peso (hơn 450.000 đồng) để mua thức ăn một tuần cho đủ 5 người, nhưng giờ thì thiếu trầm trọng. Vợ ông ốm liệt giường mấy tháng nay và thay vì đi làm, ông ở nhà chăm vợ. Để cân đối khoản tiền con cái đóng góp để lo cho bữa cơm gia đình, bữa ăn của họ thường xuyên có cơm, hiếm khi có thịt heo hay gà vì giá tăng vọt, thay vào đó là mớ cá rô phi và rau. Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, giá thịt ba chỉ heo tại nước này đã tăng 61% từ 260 peso/kg (khoảng 117.000 đồng/kg) hồi tháng 6 năm ngoái lên 420 peso/kg (190.000 đồng/kg) vào tháng 4 năm nay.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá lương thực thế giới tháng 10 chạm mức cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số này đã tăng 3% so với tháng 9 và 31,3% so với cùng kỳ năm năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do dầu thực vật và ngũ cốc bị đắt hơn do tình trạng giảm năng suất ở các nước xuất khẩu lớn như Canada, Nga, Mỹ và Malaysia.

Các nền kinh tế mới nổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với việc Nam Mỹ cũng như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua lạm phát giá lương thực ở mức hai con số, nhưng ngay cả các quốc gia giàu nhất Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đang có mức tăng giá cả trung bình 4,5%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.