Có 5 người Việt Nam sang Nepal leo núi bằng tiền túi họ bỏ ra, chẳng may xảy ra động đất, họ bị kẹt lại và thế là họ bị quở trách là làm phiền xã hội, làm tốn kém cho Tổ quốc.
Đỉnh Everest vào mùa xuân, là lúc có nhiều người leo núi nhất - Ảnh: AFP
|
Tác giả Trần Đình Thu trong bài viết 5 người leo núi ở Nepal làm phiền xã hội có nêu một thắc mắc đầy chất "nhân văn": 5 người kia, họ leo lên đỉnh Everest để làm gì? Câu hỏi này của tác giả quả thật có giá trị phổ quát, vì có thể dùng nó để hỏi cả thiên hạ: này này, hỡi những người kia, các người leo núi, thám hiểm hang động, mò xuống đáy vực Mariana, lặn lội tới Nam cực, nhảy dù cho tới tắm biển, đi lễ chùa v.v… để làm gì?
Bầu chọn
Theo bạn, năm người leo núi ở Nepal có làm phiền xã hội không?
Câu trả lời chung cho tất cả những câu hỏi kia sẽ là: Vì tôi thích! Vậy nghe có được không, thưa tác giả?Theo bạn, năm người leo núi ở Nepal có làm phiền xã hội không?
Tôi cũng như tác giả Trần Đình Thu, không có sở thích chinh phục độ cao, tôi sợ những nơi hẻo lánh lạnh lẽo ít người qua lại, mỗi ngày trèo 2 tầng chung cư với tôi đã là một nỗ lực phi thường. Nhưng không phải vì vậy mà tôi có thể bắt chước ông bài bác đam mê của kẻ khác vì mình không có cùng sở thích. Là người, ai cũng có quyền được đam mê, yêu thích gì đó, để bù đắp vào sự tẻ nhạt của sinh hoạt ngày thường, có phải không ạ?
Tôi cũng thấy hành trình leo núi Everest quá nhiều nguy hiểm, với tôi, đi xe máy từ nhà ra chợ đã là một thử thách kinh khủng rồi. Nhưng tôi nhớ không nhầm thì mặc dù khá nhiều người chết trên đường lên cái đỉnh núi kia, thế giới lẫn báo chí trong nước vẫn không ngừng ca ngợi và trang trọng lên danh sách những người lên tới được "nóc nhà của thế giới".
Tôi cũng không dám tới những nơi không có người sinh sống như Nam cực, tôi thích không khí nồng nàn lễ hội của những nơi có thật đông đồng bào mình như Lễ hội Đền Hùng chẳng hạn. Cái không khí "ngựa xe như nước áo quần như nêm" đó khiến tôi thấy yên tâm, thấy gần gũi quen thuộc và ấm cúng. Nhưng tôi vẫn nể phục người phụ nữ Việt Nam đầu tiên cắm cờ tổ quốc ở Nam cực.
|
Họ là những người có tiền, đi du lịch mua tour trọn gói chuyên nghiệp, có hướng dẫn viên và bảo hiểm đầy đủ. Bạn còn đòi hỏi họ phải biết trước cả động đất cơ. Ơ hay, họ là thánh à?
Anh Bùi Tường cũng bảo “Giữa một đất nước Nepal chìm trong đau thương mất mát, hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người màn trời chiếu đất, những đứa trẻ nhỏ bơ vơ…, họ cần được cứu, được có nơi ăn chốn ở, có thức ăn và nước uống. Trực thăng hay cứu hộ, cần cho những người bị nạn hơn, sao lại sử dụng để đi cứu những người hoàn toàn có thể tự lo được?”
Ơ kìa, trực thăng hay cứu hộ là trách nhiệm của công ty bảo hiểm chứ, mua bảo hiểm thì khi gặp nguy hiểm việc đòi hỏi họ hỗ trợ là chuyện bình thường.
Anh còn bảo: “Các bạn luôn tự hào đất nước bạn có những con người kiên cường, hiên ngang, bất khuất. Nhưng với những việc làm, hành động như thế, thì thế giới có tin vào lời các bạn nữa hay không? Họ nhìn vào hành động của chính các bạn hiện tại, chứ không dựa vào quá khứ hay lời các bạn nói.”
Cái này chắc là anh nói chứ không phải họ. Theo tôi, cứ có nhiều tiền, đi du lịch mạo hiểm, chinh phục thiên nhiên, tạo thu nhập cho dân bản địa là cách tiêu tiền đẳng cấp và văn minh, hẳn người ta tin và nể anh thôi.
Tóm lại, tôi thấy họ chẳng làm phiền ai cả, chỉ là phiền các công dân mạng tỉ phú thời gian mà thôi.
Năm bạn trẻ leo núi ở Nepal, các bạn đã không có sở thích làm con sâu đo như 3 triệu người chúng tôi nhích từng bước để leo đền Hùng trong dịp giỗ tổ Hùng Vương, mà các bạn cứ muốn làm linh dương nhảy nhót ghềnh đá cheo leo. Các bạn chả có lỗi gì cả, hãy cứ hào hứng với đam mê của mình, cho dù suốt đời các bạn sẽ chẳng lập được kỷ lục nào cả, nhưng nhớ đừng chọn thời điểm xảy ra thiên tai, kẻo lại làm phiền các bậc đạo cao đức trọng, bạn nhé!
Bình luận (0)