Làm phim “xanh”

Ngọc An
Ngọc An
22/01/2022 06:45 GMT+7

Theo ông Nguyễn Trinh Hoan, Giám đốc Công ty Hoan Khuê, đồng sản xuất phim Bố già , đoàn làm phim của bộ phim (khoảng 100 người) có thể thải ra 15.000 chai nhựa đựng nước uống sau 1 tháng làm phim.

Trên thực tế, điện ảnh là một trong những lĩnh vực tác động không nhỏ đến môi trường. Theo thông tin được đưa ra trong khuôn khổ sự kiện Làm phim bền vững (do Viện Goethe phối hợp với Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển và Four Paws Việt/Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình tổ chức), báo cáo của Đại học California, Los Angeles (UCLA) cho hay: ngành công nghiệp làm phim và truyền hình là ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới.

Ô nhiễm từ việc làm phim

Đạo diễn phim tài liệu Đoàn Hồng Lê, trưởng nhóm dự án sản xuất phim với Four Paws Việt/Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình trong khuôn khổ dự án Sản xuất phim tài liệu Sinh thái 2021, cho hay bà từng thử tìm kiếm thông tin về việc làm phim bền vững với các nhà làm phim ở Việt nam như thế nào, nhưng bất ngờ là đã không tìm ra được kết quả nào.

Theo bà, nhiều người Việt nam hay nhiều nhà làm phim ở Việt nam như bà chưa có ý thức về việc ngành sản xuất phim của mình gây tác động đến môi trường, đến biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Sau khi tham khảo nguồn tài liệu nước ngoài, đạo diễn Đoàn Hồng Lê mới hiểu những tác động từ công việc của mình đến môi trường . “Ví dụ, người ta tính ở Anh một giờ chương trình sản xuất trên truyền hình thì thải ra 13 tấn CO2, tương đương với lượng CO2 mà một người Mỹ thải ra trong 1 năm...”, bà chia sẻ.

Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan ví dụ một đoàn làm phim như Bố già gồm khoảng 100 người. “Mỗi người sử dụng 1,5 lít nước/1 ngày, tương đương khoảng 5 chai nước. Như vậy, mỗi ngày, 100 người có thể thải ra 500 chai nhựa. Và nếu nhân lên trung bình 30 ngày làm phim thì số chai nhựa thải ra là 15.000 chai. Đó là một con số khủng khiếp”, ông Hoan bày tỏ. Việc sử dụng những thiết bị phát điện của đoàn phim cũng dẫn đến việc xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, nhiều đoàn phim điện ảnh và truyền hình lấy bối cảnh ngay tại những thắng cảnh thiên nhiên, có thể tác động đến môi trường nơi đó nếu không biết cách hay chú ý giữ gìn.

Bà Lý Phương Dung, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, còn cho biết có những quy định khiến việc giữ môi trường khi làm phim trở nên khó khăn hơn. “Do quy định của pháp luật, những đơn vị làm phim không được phép nhập chất cháy nổ công nghiệp. Nhà làm phim thường phải sử dụng khói đen, khói trắng được tạo ra một cách thủ công, có khi là lấy từ khói đốt từ cao su chẳng hạn, mà việc đó rõ ràng là gây ô nhiễm môi trường”, bà Dung cho hay.

Hậu trưởng cảnh quay phim Bố già với đoàn phim khoảng 100 người

TL

Chờ luật Điện ảnh mới

Theo bà Lý Phương Dung, đã có những văn bản luật điều chỉnh hành vi trong đời sống về bảo vệ môi trường được quy định trong luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong luật Điện ảnh (cũ) lại chưa đề cập cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia sản xuất phim trong việc bảo vệ môi trường. “Với luật Điện ảnh mới đang được xây dựng, chúng tôi cố gắng khắc phục, đưa quy định vào trong việc sản xuất phim, phổ biến phim, hay tổ chức liên hoan phim, hội chợ phim, những sự kiện điện ảnh để cá nhân, tổ chức tham gia thấy rõ trách nhiệm của mình”, bà Dung nói và cho biết thêm, với luật Điện ảnh hiện hành dù chưa có quy định cụ thể, nhưng nhà quản lý vẫn có những khuyến cáo tới doanh nghiệp sản xuất phim như để bối cảnh trở lại như cũ khi sử dụng cảnh quan thiên nhiên làm trường quay…

Trước khi luật Điện ảnh mới được ban hành, nhà sản xuất, làm phim cần có ý thức nghĩ đến điện ảnh “xanh”. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD, cho rằng việc này cần xuất phát từ trách nhiệm chứ không thể nghĩ đến yếu tố lợi nhuận. Bà Hạnh cho hay từng đứng trước quyết định khó khăn là thực hiến chiến dịch tại những rạp chiếu phim của BHD, đổi ống hút nhựa thành ống hút giấy khi chi phí cho ống hút giấy cao gấp nhiều lần. “Chúng tôi giảm chi phí chỗ này một chút, chỗ kia một chút để bù lại. Nếu hôm nay mình không làm điều gì đấy thì việc ảnh hưởng đến môi trường sống là rất gần, rất thật”, bà Hạnh bày tỏ.

Ông Nguyễn Trinh Hoan thì kể lại sáng kiến được áp dụng tại đoàn làm phim Bố già. “Khi nhẩm tính số lượng hàng chục ngàn chai nhựa có thể thải ra môi trường, chúng tôi quyết định làm cho mỗi thành viên của đoàn làm phim 1 bình đựng nước giữ nóng, lạnh. Có bình nước lớn đặt ở chỗ quay, ai uống nước thì mang bình của mình ra lấy. Rõ ràng, khi uống bằng bình riêng của mình vừa đảm bảo vệ sinh lại tiết kiệm”, ông Hoan nói. Đoàn phim cũng áp dụng nhiều biện pháp để thân thiện với môi trường, trong đó có việc nhân viên đoàn phim không được hút thuốc tại trường quay.

Bên cạnh đó, theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, những tác phẩm phim ảnh còn là kênh có thể truyền tải những thông điệp về môi trường. Theo bà, không nhất thiết chỉ có những bộ phim có chủ đề môi trường mới có thể gửi gắm thông điệp. “Chúng ta có câu chuyện mạnh mẽ ấn tượng về chủ đề môi trường là một việc tốt, nhưng những tình tiết nhỏ cũng có thể giúp ta làm được việc đó”, bà Hạnh nói và nhấn mạnh, một nhà làm phim, một nhà sản xuất, hay một doanh nghiệp điện ảnh không thể một mình thay đổi được. “Chúng ta cần cả cộng đồng. Và khi đã thấy đó là việc cần thiết thì phải kết hợp với nhau”, bà Hạnh bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.