Báo cáo tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết nếu không tiếp tục Nghị quyết 42, tổ chức tín dụng cũng sẽ rất khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42. Khi đó dự kiến nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỉ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỉ đồng vào cuối năm 2024 (tại thời điểm 31.12.2021 là 412.700 tỉ đồng).
Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với ý kiến đề nghị cần xem xét sửa đổi một số nội dung cần thiết, có ý nghĩa thúc đẩy hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian kéo dài thí điểm.
Cụ thể là sửa đổi phạm vi của khoản nợ xấu tại khoản 1 điều 4 của Nghị quyết 42 theo hướng không giới hạn thời điểm (15.8.2017) mà áp dụng cơ chế xử lý nợ xấu tại nghị quyết cho tất cả các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian áp dụng nghị quyết. “Nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu cùng với hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là nợ xấu có xu hướng gia tăng trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc mở rộng phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Thanh nêu.
Các ý kiến thành viên UBTVQH cũng đồng tình với sự cần thiết kéo dài thời gian thí điểm các chính sách xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tại Nghị quyết 42, song cho rằng thời điểm kéo dài chỉ nên tới hết năm 2023 thay vì tới 15.8.2024 theo đề nghị của Chính phủ. Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đánh giá thời gian kéo dài nghị quyết chỉ đến hết năm 2023 để tạo áp lực cho Chính phủ chuẩn bị trình sửa luật Tổ chức tín dụng trong năm 2023 bao gồm vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông tin về việc ông Đỗ Anh Dũng bị bắt |
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ kết quả xử lý nợ xấu từ sau khi ban hành Nghị quyết 42 như thế nào. “Tổng số nợ xấu theo phạm vi của Nghị quyết 42 là bao nhiêu? Đã xử lý được bao nhiêu, còn lại như thế nào?”, Chủ tịch QH nêu, đồng thời đặc biệt lưu ý Chính phủ đánh giá nợ xấu phát sinh từ sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. “Chúng ta muốn giải quyết những nợ xấu đã được khoanh vào để xử lý, nhưng đồng thời phải hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là nợ xấu liên quan đến tình hình xã hội, kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ xấu trong lĩnh vực mà cho vay BOT, nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp (DN) mà ngân hàng là các trái chủ…”, Chủ tịch QH nói và đề nghị đánh giá kỹ trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan.
Dẫn số liệu trong năm 2021, trái phiếu DN phát hành hơn 700.000 tỉ đồng, trong đó tới 44% thuộc về lĩnh vực BĐS, Chủ tịch QH đánh giá đây sẽ là vấn đề “nóng” cùng với vấn đề thị trường chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, tại kỳ họp QH tháng 5 tới đây. “Hôm trước tôi có ý kiến, Thủ tướng đã chỉ đạo, chắc chắn kỳ họp này sẽ nóng vấn đề đó. Trái phiếu DN cảnh báo nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ mới cảnh báo”, Chủ tịch QH nói.
Trong khi đó, đề cập đến việc gần đây xử lý các tập đoàn lớn như FLC và Tân Hoàng Minh do có vi phạm, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết cử tri băn khoăn, liệu việc xử lý đó có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không. Từ đó, bà Thanh đề nghị NHNN cần tham mưu cho Chính phủ tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh. “NHNN nên phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu DN gần đây, đặc biệt liên quan hai tập đoàn là FLC và Tân Hoàng Minh”, bà Thanh nêu.
Bình luận (0)