Làm sao để họp mặt ngày tết không áp lực với người trẻ?

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
13/02/2021 16:11 GMT+7

Tết là dịp để gia đình, họ hàng sum họp, chia sẻ với nhau những câu chuyện vui buồn sau một năm làm việc, học tập. Nhưng làm sao để các buổi họp mặt ngày tết không áp lực cho người trẻ ?

Thành công khi được là chính mình

Tết là dịp để gia đình, họ hàng sum họp, chia sẻ với nhau những câu chuyện vui buồn sau một năm làm việc, học tập. Vào dịp này, nhiều người trẻ phải lo sợ khi đứng trước những câu hỏi tế nhị như: “Lương tháng bao nhiêu”, “Chừng nào lấy chồng”. Số khác phải “ôm mặt” vì sự so sánh, đánh giá của họ hàng: “Người ta từng ấy tuổi đã có nhà có xe”, hay “Người ta bằng tuổi cháu mà đã có con, đằng này người yêu còn chưa có”…
Những câu hỏi, sự so sánh ấy vô tình làm tổn thương, gây áp lực cho người trẻ. Vì vậy, việc để người lớn hiểu rõ thế nào là thành công đúng nghĩa để không có những suy nghĩ áp đặt là vấn đề nhiều người trẻ quan tâm.
Tỏ ra lo sợ và bất lực trước những câu hỏi nhạy cảm mà họ hàng đặt ra cho anh trai của mình, Nguyễn Văn Biển (21 tuổi, ngụ ấp An ninh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), kể lại câu chuyện họp mặt gia đình ngày 27 tết. Tại đây, anh chứng kiến cả họ hàng chục thành viên tập trung vào người anh họ năm nay 30 tuổi với câu hỏi: “Sao lớn vậy rồi không chịu lấy vợ?”.  "Anh mình chỉ biết ngồi lấy tay chống cằm, cười trừ ngại ngùng trước những câu hỏi của họ hàng chỉ vì 30 tuổi mà chưa tìm được người phù hợp. Có lúc cả nhà mang anh trai mình ra làm câu chuyện vui cho ngày tết mà không nghĩ đến chuyện vô tình làm tổn thương, khiến buổi họp mặt đối với anh mình như địa ngục. Đối với gia đình mình, sự thành công của người đàn ông là phải kết hôn, có con cái trước 30 tuổi”.
“Nếu lỡ sau này, cũng chưa tìm được người phù hợp để kết hôn trước 30 tuổi thì mình sẽ đối mặt với họ hàng như thế nào đây ?” là câu hỏi mà Biển tự đặt ra cho bản thân mình.
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Tưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cần nhìn nhận là thế nào là thành công đúng nghĩa của một con người. Thành công không nhất thiết là có một công việc tốt kiếm ra nhiều tiền, bao nhiêu tuổi có gia đình sinh con… Sự thành công thật sự đôi khi là được sống đúng với con người thật, được thực hiện đam mê và theo đuổi những giá trị mà người đó mong muốn.
Giá trị mà mỗi người nên hướng đến là sự hạnh phúc, được tận hưởng cuộc sống theo cách của mình, là một phiên bản tốt nhất của bản thân chứ không phải để thành công giống như một hình mẫu nào đó.
Theo tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, cuộc gặp gỡ ngày tết là dịp để quan tâm chăm sóc, vỗ về động viên, biếu tặng cho ông bà, cha mẹ thể hiện truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” tạo mối liên kết tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình. Người lớn cần hạn chế đặt ra những câu hỏi tế nhị như: vấn đề nghề nghiệp, chồng con, niềm tin tôn giáo, định hướng giới tính,…vì đó không phải là thứ để bàn, mang ra tranh luận và áp đặt. Không nên vì đáp ứng sự tò mò của bản thân mà vô tình lại gây ra cảm xúc tiêu cực cho thế hệ trẻ, ví dụ một người chưa có công việc ổn định lại bị hỏi khi nào mua nhà, mua xe,...đó là xâm lấn quyền riêng tư, chúng ta cần phải tôn trọng cuộc sống của người khác. Khi đứng trước những câu hỏi tế nhị, người trẻ có quyền từ chối trả lời, một khi đã sẵn sàng chia sẻ với một ai thì đó phải trên tinh thần tự nguyện.

Ngày tết là để sum họp

N.Đ

Người lớn cần có suy nghĩ thoáng hơn

Muốn được nhuộm màu tóc để thay đổi diện mạo mới mẻ hơn trong những ngày tết  nhưng Nguyễn Trung Khôi, sinh viên Trường cao đẳng nghề Cần Thơ, vấp phải sự phản đối của mẹ với lý do ở quê con trai không ai nhuộm tóc. Khôi tỏ ra bất lực: “Người lớn thường quan niệm rằng nhuộm tóc là hư hỏng nên không chấp nhận việc này mặc dù môi trường học tập, làm việc của mình không bắt buộc điều đó. Mong muốn lớn nhất của mình là người lớn có thể suy nghĩ thoáng hơn để những người trẻ như mình có thể sống trọn vẹn với sở thích của bản thân.”
Thấu hiểu những mong muốn của người trẻ, tiến sĩ Ngô Xuân Điệp đưa ra lời khuyên hãy để bạn trẻ tự quyết định cuộc đời của mình, người trẻ có xu hướng sở thích như thế nào thì đó là quyền của họ điều đó cần được bảo vệ, người lớn không nên dùng hệ thống giá trị của mình để áp đặt. "Mong muốn của ai thì bản thân người đó phải giữ lấy và theo đuổi, muốn phát triển hệ thống giá trị gì thì cứ tự tin mà đi theo miễn bản thân cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi theo đuổi điều đó”, tiến sĩ Ngô Xuân Điệp nhắn nhủ.
Về mặt tình cảm, người trẻ cần quan tâm, chăm sóc tạo mối liên kết tốt với phụ huynh nhưng không đồng nghĩa với việc phụ thuộc, để cha mẹ quyết định thay cuộc đời mình. “Cuộc sống của bản thân mỗi người thì cần tự tin quyết định, đâu thể nào sống theo bố mẹ mình được, vì bố mẹ, ông bà đã có cuộc sống của họ. Hãy trả lại hệ thống giá trị cho từng cá nhân, phụ huynh chỉ nên đóng vai trò cố vấn, đưa ra những ý kiến để tham khảo...Người trẻ lắng nghe và tự đưa ra quyết định cho bản thân, cần chủ động giành lại quyền tự quyết định của cuộc đời mình", tiến sĩ  Ngô Xuân Điệp nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.