'Làm sao để người dân không phải nhận bồi thường đất giá bèo'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/03/2023 17:06 GMT+7

Góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi, chuyên gia cho rằng chênh lệch giữa giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi và giá đất đưa vào kinh doanh sau thu hồi đang tạo ra kẽ hở, mà chịu thiệt là người dân.

Chiều 6.3, Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường (Hội đồng) của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi.

'Làm sao để người dân không phải nhận bồi thường đất giá bèo' - Ảnh 1.

PGS - TS Phạm Hữu Tiến phát biểu góp ý tại hội nghị

NGỌC THẮNG

Làm sao để người dân không bị thiệt thòi

Góp ý về định giá đất, PGS - TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng, cho rằng thực tế hiện nay, sự chênh lệch giữa giá đất đền bù khi Nhà nước thu hồi đất và giá đất sau khi chuyển đổi, đưa vào kinh doanh đang tạo ra các kẽ hở. Theo ông Tiến, việc dự thảo luật quy định giá đất theo giá thị trường là điều người dân mong đợi vì sẽ khắc phục được sự chênh lệch này.

"Làm sao để người dân không bị thiệt thòi như trước đây, phải nhận bồi thường giá bèo trong khi giá đất sau thu hồi đưa vào kinh doanh lại tăng gấp nhiều lần", ông Tiến nêu.

Theo PGS - TS Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng, việc quy định Nhà nước bồi thường theo nguyên tắc thị trường như dự thảo luật là chưa rõ, khó thực hiện.

"Nguyên tắc thị trường là thuận mua, vừa bán nhưng để Nhà nước và chủ sở hữu đất tranh luận xem giá là bao nhiêu thì mất nhiều thời gian và khó đạt được sự đồng thuận", ông Quang nói, và đề nghị cần quy định rõ, Nhà nước bồi thường đất theo giá thị trường.

'Làm sao để người dân không phải nhận bồi thường đất giá bèo' - Ảnh 2.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi của Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

NGỌC THẮNG

PGS - TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng, cũng cho rằng dự thảo chưa định nghĩa rõ thế nào là thị trường, trong khi rõ ràng thị trường đất ở Việt Nam chưa hoàn thiện với hiện tượng đầu cơ khá phổ biến, ảnh hưởng toàn bộ thị trường.

"Cần phải làm rõ thế nào là giá phổ biến trên thị trường bởi giá cả sẽ dao động và đâu là căn cứ để biết đó là giá phổ biến để điều chỉnh giá đất", ông Trình nêu, đồng thời lưu ý rằng, khi đất nông nghiệp bị thu hồi thì giá đất được tính bằng giá đất nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với giá đất thương mại và đất ở sau khi đã chuyển đổi mục đích. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc nông dân đòi quyền lợi và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng.

GS - TS Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng, cũng lưu ý thực tế hiện nay có những khu đô thị như Nam An Khánh (H.Hoài Đức, Hà Nội) bỏ hoang rất nhiều, nhưng khi thu hồi đất nông nghiệp của người dân giá đền bù rất rẻ. 

"Luật đất đai không công bằng với người nông dân, gần như họ bị loại khỏi vòng pháp luật", GS Long than thở và đề nghị các quy định về thu hồi đất rất cần quan tâm tới thu hồi đất nông nghiệp.

'Làm sao để người dân không phải nhận bồi thường đất giá bèo' - Ảnh 3.

GS - TS Trần Đình Long nêu ý kiến góp ý tại hội nghị

NGỌC THẮNG

Lập, điều chỉnh quy hoạch, dân "hầu như không biết" 

Góp ý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, PGS - TS Phạm Hữu Tiến cho biết, điều người dân mong mỏi là làm sao việc lập quy hoạch, kế hoạch phải công khai, công tâm, căn cứ vào nhu cầu phát triển địa phương cũng như cả nước, tránh tiêu cực.

"Việc khoanh vùng đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch hầu như không ai biết", ông Tiến nói, và nêu thực trạng, nhiều nơi quy hoạch, kế hoạch rất chủ quan, không biết có cần thiết không, nhiều khi khoanh vào rồi để đấy, không ai sử dụng đến.

"Thành ra bức xúc lắm vì tấc đất, tấc vàng", ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho rằng, luật hiện hành và cả dự thảo luật sửa đổi quy định trách nhiệm của người dân khi không chấp hành quy hoạch hay thu hồi đất, song lại không quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này.

"Chính vì không ràng buộc trách nhiệm một cách chặt chẽ cơ quan quản lý, thực thi đã tạo thành kẽ hở dẫn đến tham nhũng, trục lợi trong lĩnh vực đất đai", ông Tiến nêu.

'Làm sao để người dân không phải nhận bồi thường đất giá bèo' - Ảnh 4.

Các đại biểu trao đổi bền lề hội nghị

NGỌC THẮNG

GS - TS Trần Đình Long thì cho rằng, dự thảo luật quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rồi điều chỉnh quy hoạch phải công khai, minh bạch nhưng thực tế thì người dân "gần như không biết". Lúc quy hoạch xong, vẽ bản đồ ra rồi thì mới biết.

Theo ông Long, dự thảo luật có quy định khi lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phải lấy ý kiến nhân dân, song kiến nghị nên trưng cầu ý kiến người dân; tức là, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm người dân đồng ý thì mới được thông qua quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.

"Nếu chỉ lấy ý kiến thì nghĩa là người dân chỉ có ý kiến và ý kiến chỉ để tham khảo. Cần phải quy định cụ thể về tỷ lệ người dân đồng ý với quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch đất đai", GS Long kiến nghị.

Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ 3.1 - 15.3. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần 2 đối với dự án luật này tại kỳ họp tháng 5 tới và thông qua tại kỳ họp tháng 10.

Xem dự thảo luật Đất đai sửa đổi 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.