Rủi ro thiếu nước sạch
Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cảnh báo, có đến một nửa dân số thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước và cuộc khủng hoảng nước sẽ ngày càng trầm trọng. Biến đổi khí hậu đang phá vỡ các hình thái thời tiết, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, không dự đoán được nguồn nước, gây trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước và ô nhiễm nguồn cấp nước. VN nói chung và TP.HCM cũng không thể tránh khỏi tác động từ cuộc khủng hoảng nước sạch.
Sở TN-MT TP.HCM xác nhận chất lượng nguồn nước thô của TP hiện đang có xu hướng bị ô nhiễm. Bởi, hệ thống cấp nước của TP được lấy từ 2 nguồn chính là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Hai dòng sông này đều là hạ nguồn của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai - nơi có tới gần 50 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng nước thải ra sông, nên nguy cơ gây ô nhiễm rất cao.
Ông Trần Kim Thạch, Giám đốc Quản lý chất lượng nước của SAWACO, cho biết: TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước đảm bảo nước sạch đến với 100% hộ dân. Tuy nhiên, việc cung ứng nước sạch ở TP.HCM đang đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là vào mùa khô. Bên cạnh chất lượng nước thô có xu hướng ô nhiễm đòi hỏi áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến thì trữ lượng nước cũng có nguy cơ không đảm bảo. Các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến lượng mưa có lúc rất thấp, lượng nước về các hồ đầu nguồn ít. SAWACO phải phối hợp với các hồ đầu nguồn làm sao khai thác tối ưu được lượng nước đó, vừa duy trì hiện tại, vừa tính toán cho tương lai.
Sẵn sàng phương án ứng phó
Để đảm bảo cho hoạt động xử lý nước luôn ổn định, SAWACO hiện đang áp dụng các giải pháp ứng phó ngắn hạn như: thiết lập các thiết bị giám sát chất lượng nguồn nước online, các ngưỡng cảnh báo đối với các chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản để từ đó có các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động này. Đồng thời, tăng cường lượng hóa chất dự phòng và các thiết bị châm hóa chất để đảm bảo đáp ứng khi có sự cố xảy ra. SAWACO cũng phối hợp với các đơn vị vận hành các hồ chứa nước đầu nguồn kịp thời hỗ trợ xả nước để đẩy mặn; pha loãng ô nhiễm hoặc đẩy chất ô nhiễm ra khỏi vùng lấy nước. Đối với mạng lưới cấp nước, đơn vị này lên các kịch bản vận hành hệ thống mạng để điều phối nguồn nước khi có sự cố, đảm bảo khả năng cấp nước cho TP.HCM ở mức nhiều nhất có thể.
Trong tương lai, SAWACO xác định phải nâng cao tính dự phòng nước sạch trên hệ thống mạng lưới cấp nước, bên cạnh việc đảm bảo an ninh nguồn nước thô (dời về phía thượng nguồn, xây dựng các hồ chứa nước thô…). "Tiếp cận với nước uống an toàn là một nhu cầu cơ bản và thiết yếu với cuộc sống con người nhưng nếu chỉ có những cố gắng từ phía công ty cấp nước là chưa đủ, vì trên thực tế còn rất nhiều yếu tố tác động từ việc quản lý lưu vực, nguồn nước cho đến mạng lưới phân phối nước. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cấp nước? Đó là câu hỏi mà ngành nước cần phải tìm ra câu trả lời, nhưng cũng cần sự chung tay hành động của cả hệ thống chính trị và người dân để quản lý nước một cách thông minh và hiệu quả, tiết kiệm", lãnh đạo SAWACO nhấn mạnh.
Bình luận (0)