Làm thế nào để ngăn ngừa hạ đường huyết?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
11/03/2023 00:09 GMT+7

Hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường glucose trong máu giảm xuống dưới mức bình thường.

Đường glucose được cơ thể chuyển hóa, hấp thu từ thực phẩm và là nguồn cung cấp năng lượng chính cho tế bào. Vì vậy, khi hạ đường huyết, cơ thể sẽ run và kèm theo nhiều triệu chứng khác.

Đường huyết trong máu giảm xuống dưới mức 70 miligram mỗi decilit (mg/dL) thì được xem là hạ đường huyết. Các biểu hiện đặc trưng của hạ đường huyết là run, đổ mồ hôi, yếu sức, thiếu tập trung, chóng mặt và nhịp tim nhanh. 

Trong những trường hợp nghiêm trọng, hạ đường huyết còn gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Làm thế nào có thể ngăn ngừa hạ đường huyết ? - Ảnh 1.

Hạ đường huyết sẽ gây ra các triệu chứng như choáng váng, run, yếu sức, đổ mồ hôi và nhịp tim nhanh

SHUTTERSTOCK

Khi đường glucose trong máu xuống quá thấp, cơ thể sẽ giải phóng các hoóc môn như glucagon và epinephrine. Những hoóc môn này sẽ kích hoạt khả năng phân hủy glycogen dự trữ trong gan thành đường glucose và phóng thích vào máu. Nhờ đó, lượng đường glucose trong máu sẽ tăng lên và cung cấp năng lượng cho tế bào.

Hạ đường huyết có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, những người bị tiểu đường sẽ có nguy cơ hạ đường huyết cao hơn người khỏe mạnh. Nguyên nhân có thể là do họ dùng quá nhiều thuốc tiêm insulin.

Hạ đường huyết cũng có thể xảy ra ở người uống quá nhiều rượu bia hoặc mắc các loại bệnh ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường glucose, chẳng hạn bệnh gan hay khối u tuyến tụy khiến tuyến nội tiết này tiết quá nhiều insulin.

Để ngăn ngừa hạ đường huyết thì cần giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng này. Điều này liên quan đến việc điều chỉnh lượng thuốc, thay đổi chế độ ăn và lối sống.

Làm thế nào để ngăn ngừa hạ đường huyết? - Ảnh 2.

Kiểm tra đường huyết

SHUTTERSTOCK

Với bệnh nhân tiểu đường, họ cần thường xuyên theo dõi đường huyết. Nếu lượng insulin đang dùng quá cao, khiến đường huyết xuống thấp thì hãy thảo luận với bác sĩ để điều chỉnh lượng phù hợp.

Xử lý hạ đường huyết tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này. Hạ đường huyết nhẹ thường sẽ được điều trị bằng các biện pháp đơn giản như ăn nhẹ với các món như chuối, uống một ít nước ngọt. Đây là loại thực phẩm có thể giúp tăng đường huyết nhanh.

Nếu hạ đường huyết mức độ vừa đến nặng thì cần chăm sóc y tế. Trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo thì có thể được cho dùng gel glucose, viên nén glucose quan đường miệng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bất tỉnh thì không nên cho họ ăn gì vì dễ mắc nghẹn và nghẹt thở. Thay vào đó, bác sĩ sẽ tiêm glucose dạng lỏng vào tĩnh mạch, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.