Sao cứ phải trông chờ vào tiền nhà nước?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tháng 1 vừa qua, Tổng cục TDTT đã trình Bộ VH-TT-DL văn bản nêu rõ thực trạng của một số công trình thể thao do bộ quản lý, trong đó nổi cộm nhất chính là Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp). Văn bản này không chỉ báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư nâng cấp, duy tu bảo dưỡng chất lượng khu liên hợp mà còn đề xuất một số giải pháp, nhằm đưa khu liên hợp ra khỏi cơn khủng hoảng như suốt thời gian qua. Chứng kiến sự xuống cấp của khu liên hợp, mới đây Thủ tướng cũng đã đề nghị khu liên hợp khẩn trương xây dựng hợp tác công tư. "Tại sao cả sân Mỹ Đình lớn như thế này mà không khai thác được, cứ phải trông chờ vào tiền nhà nước. Một trận bóng đá mất nhiều tiền thì mình phải khai thác theo hình thức hợp tác công tư, đó là vấn đề cần nghiên cứu kỹ", Thủ tướng nói.
Đề nghị của Thủ tướng rất phù hợp với bối cảnh của khu liên hợp ở thời điểm này. Tình trạng của khu liên hợp thực sự bế tắc khi không còn tiền để trả nợ thuế (đã lên đến con số hơn 1.000 tỉ đồng), thậm chí còn cực kỳ khó khăn trong việc trả lương cho cán bộ, người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chăm sóc các hạng mục của khu liên hợp. Đặc biệt, sân Mỹ Đình không được bảo dưỡng tốt như mong muốn do không còn tiền. Khu liên hợp đang sống bằng khoản tiền ít ỏi còn lại từ hợp đồng cho thuê một số mặt bằng (sắp tới, một số hợp đồng này không còn hiệu lực vì khu liên hợp không được tiếp tục kinh doanh nữa, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ).
NHỮNG ĐỀ XUẤT NÓNG
Cách đây ít ngày, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt và Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia, để cùng bàn cách tháo gỡ khó khăn. Còn ngày 6.2, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương sẽ họp với khu liên hợp, với nội dung trước mắt cần tháo gỡ vướng mắc gì và về lâu dài, khó khăn nào cần được giải quyết. Trước đó, trong cuộc họp khẩn với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu: "Ngành thể thao phải xác định được một số chi tiết, ví dụ như khu liên hợp đã đầu tư hơn 20 năm thì hiện tại khấu hao như thế nào. Trên cơ sở đó đánh giá khó khăn, tồn tại, hạn chế. Khó khăn về cái gì, về cơ chế, ngân sách, con người, phải trả lời cụ thể được vấn đề này. Từ đó đưa ra kiến nghị cả về tầm chiến lược lẫn những kiến nghị cụ thể".
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, lãnh đạo Tổng cục TDTT cho hay: "Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh, thay đổi một số cơ chế, quy định của pháp luật hiện hành về sử dụng tài sản công. Hiện có những quy định đang là rào cản khiến khu liên hợp không thể tự chủ được về kinh tế, trong khi nhiệm vụ của khu liên hợp là phải tự nuôi sống được mình, không sống dựa vào ngân sách nhà nước. Luật Đầu tư không có quy định về hợp tác công tư trong lĩnh vực thể thao. Do đó, chúng tôi xin nhà nước xem xét, để có những điều chỉnh thích hợp hơn phù hợp với thực tế". Ngoài ra, theo quy định được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của khu liên hợp, cũng nêu rõ, người được cấp giấy chứng nhận được hưởng quyền và phải thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành luật Đất đai, chứ không cho phép người sử dụng được kinh doanh, ký hợp đồng liên doanh liên kết. Từ năm 2009 đến 2020, khu liên hợp thực hiện hợp đồng liên doanh liên kết với các doanh nghiệp là sai nguyên tắc.
Bình luận (0)