Làm thế nào để thiện nguyện đúng cách?

22/04/2014 17:20 GMT+7

Dư luận sau vụ việc cô bé "lấy trộm sách" ở Gia Lai đang theo một hướng khá quen thuộc: nhiều người tôn vinh cô bé như hiệp sĩ xả thân vì kiến thức, kêu gọi quyên góp, mua cho bé một tủ sách.

Dư luận sau vụ việc cô bé "lấy trộm sách" ở Gia Lai đang theo một hướng khá quen thuộc: nhiều người tôn vinh cô bé như hiệp sĩ xả thân vì kiến thức, kêu gọi quyên góp, mua cho bé một tủ sách.

 
Xã hội luôn cần những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa - Ảnh minh họa: Th.Hiệp

Do quá đỗi cảm kích vì bé quá yêu sách nhưng nhà nghèo, tội nghiệp. Thậm chí có những bà mẹ ước ao con mình cũng mê sách đến nỗi đi lấy trộm như thế.

Cảm xúc này bắt nguồn từ việc làm sai của nơi bị ăn trộm và lối tư duy thuần cảm tính thiếu logic. Chứ bình thường thì lỗi của bé đã được xử lý đúng mức, là cha mẹ la mắng, đét đít mấy cái (vi phạm quyền trẻ em nhưng ở Việt Nam ai chẳng làm thế!), con khóc òa lên xin lỗi cha mẹ hứa không tái phạm. Xong.

Nhưng như thế thì không gợi được xúc động. Ôi lòng tốt xung quanh chúng ta lai láng quá, dường như có quá nhiều người tốt chỉ tìm dịp để chia sẻ tài chính cho bất cứ ai. Nhân đây tôi xin thưa, phòng tôi máy lạnh cũ kỹ quá rồi mà Sài Gòn đang rất nóng, ngồi viết bài tôi đổ rất nhiều mồ hôi. Hãy thương lấy một nhà báo chân chính, có ai quyên góp cho tôi không nhỉ?

Xin phép không châm biếm nữa. Tôi chỉ muốn nói ngoa lên một chút để chúng ta thấy khía cạnh thiếu đúng đắn trong một số việc làm có dụng ý tốt. Nó làm tôi nhớ đến cách làm thiện nguyện khá phổ biến. Rất dễ: chỉ cần quyên góp. Hoàn cảnh đáng thương nào cũng góp. Chưa góp xong vụ này đã thấy kêu gọi góp vụ nữa.

Cách đây nhiều năm có một lần chúng tôi mang khá nhiều gạo, bánh kẹo, lịch, sổ tay, giấy bút... nghĩa là bất cứ đồ dùng gì mà chúng tôi quyên và góp được, lên tặng cho các bệnh nhân phong của một trại phong ở Bình Dương. Các cô bác được tặng quà nom cũng vui. Thế rồi chúng tôi đi thăm một vòng quanh trại. Cầm chai nước uống xong, vừa bỏ ra lập tức có anh chị đến xin ngay. Ngỡ ngàng: thương quá, họ chắc thiếu thốn lắm. Trong bụng thêm áy náy, nghĩ phải quyên góp nhiều hơn, tặng nhiều quà hơn.

Vào một phòng bệnh nhân, thấy mỗi người ngồi một giường ơ hờ. Buồn sao buồn thế. Lại nghĩ đi xin vài cái ti vi cũ để mọi người xem phim cho vui. Ngạc nhiên chưa, vừa mon men hỏi thăm thì một bệnh nhân khoảng trên 30 tuổi chỉ tay: tivi đó kìa. Nhìn lên, trong hốc tủ một cái tivi cũ nhưng còn tốt, sạch sẽ. Nhưng chẳng ai thèm xem, tivi mở chương trình gì đó song tắt tiếng. Hỏi vì sao không xem phim cho vui, anh thở dài: Coi hoài cũng chán.

Chúng tôi mang quà vào thăm các bà cụ lớn tuổi. Chẳng ai ngó đến gói quà nhỏ. Nhưng mà trời ơi mắt sáng rực, tay chân cuống quít, miệng nở cười không ngớt. Các ngoại không dám kêu chúng tôi ngồi gần vì ngại, tội nghiệp, bệnh đã được chữa hết từ lâu nhưng ai nghe chữ phong cùi mà không sợ chứ. Chúng tôi rối rít chia ra ngồi với từng người, chủ động vuốt ve bàn tay, nựng đôi má nhăn, ôm tấm lưng còng vì nhiều năm cứ ngồi bó gối ngóng đợi. Hỏi thăm, chọc ghẹo, âu yếm. Một ngoại già và yếu hơn cả cứ nắm lấy tay một nhà báo chằm vặp: "Thấy thương tụi con quá con ơi".

Rồi bịn rịn rời đi. Ra tới cửa phòng, ngoại nhất định kêu nhà báo này trở lại. Ngoại lấy cục kẹo, kêu nhà báo bóc cho ngoại, bỏ miệng, rồi mới rứt lòng cho đi. Chúng tôi nhìn nhau, nước mắt ai cũng đã lưng tròng.

Trong phòng bệnh mới nhận có em trai 16 tuổi từ một tỉnh miền Tây chuyển lên. 16 nhưng bé nhỏ bằng con nhà thành phố 12 tuổi, dưới làn da sạm nắng xanh lè những vết thuốc trị bệnh. Em nằm còng queo thẫn thờ. Ai hỏi cũng chẳng trả lời. Mắt mở trân trân nhìn đi đâu.

Rồi chúng tôi trở lại nhiều lần. Có lần có chút quà nhưng nhiều lần tay không. Khỏi phải nói các ngoại mừng sao là mừng. Vừa thấy mặt đã kêu gọi ríu rít, vắng ai hỏi thăm liền, tả kỹ lần trước mặc áo màu gì, vóc dáng ra sao. Vui nhất là khi trở lại lần thứ hai, cậu bé khó tiếp xúc đã lần đầu tiên mỉm cười  và chịu tiếp chuyện, ánh mắt ấm lên đôi chút. Em nói ai ngờ mấy chị lên lần nữa!

Một bà ngoại ngồi ngoài sân nhìn mãi ra mông lung. Lúc đó giáp tết, vô tình chúng tôi chúc ngoại sống lâu mạnh giỏi. Đáp lại là một nụ cười héo hắt: "Sống lâu làm chi con, có gì vui đâu mà sống, ngoại muốn chết mà hông chết được".

Câu nói đó, vẻ mặt bị bỏ quên của chú bé đó day dứt mãi trong ký ức tôi, không hề nguội đi được.

Vì quả thực bệnh nhân phong là những người đã bị bỏ quên.

Bệnh phong đã chữa được từ lâu và bây giờ rất ít người mắc nên hầu hết những bệnh nhân lớn tuổi là đã nhập trại cách đây mấy chục năm. Bệnh chữa ít lâu thì khỏi nhưng hầu như không gia đình nào dám mang con về quê. Cái tiếng "nhà có mả cùi" khiến cả gia đình không ai làm ăn được, anh chị em không ai dám lấy. Thôi thì để con trong trại, lâu lâu cha mẹ kiếm tiền lên thăm.

Rồi cha mẹ qua đời. Anh chị em, cháu chắt lỏng lẻo dần, nhất là thời kỳ chiến tranh, ly tán, đói khổ. Biết quê mình ở đó nhưng không thấy ai lên thăm nữa mà cũng chẳng thể về quê. Vô trại từ hai mấy tuổi, xong một đời người trong trại, vò võ mấy chục năm tới già tới chết chẳng bao giờ thấy lại mặt người thân nữa. Cứ suốt ngày ngồi bó gối trên cái giường cá nhân, người nọ ngó người kia. Chuyện cũng chẳng còn mà nói nữa.

Cho nên, thèm là thèm mặt người, thèm tình thân với người, thèm có ai đó ở ngoài kia để mà nhớ, mà nhắc, mà thắc thỏm trông đợi. Là những điều nhỏ xíu nhưng mới mẻ khiến đời sống cô quạnh âm u rạng rỡ lên một chút, khi nghĩ rằng vẫn còn ai đó ngoài kia cũng thương mình, cũng nhớ đến mình. Thèm cái cảm giác lại là một con người bình thường, được sống bình thường, giữa những con người bình thường.

Một lần khác chúng tôi đến một mái ấm nuôi trẻ bại não ở Củ Chi, TP.HCM. Giờ chơi, các soeur bế những trẻ dưới một tuổi từ cũi riêng ra cho nằm chung trên tấm nệm lớn trải dưới nền phòng. Gương mặt xinh xẻo đỏ hồng, hai con mắt như giọt nước, những đứa bé bị bại não trông chả khác gì trẻ bình thường. Các soeur nhờ chúng tôi bế chúng. Chúng tôi bế bọn nhóc bé tí lên, áp vào ngực, hôn chúng. Cần bế hết và chơi với hết các bé, hôm nào được ôm ấp nhiều chúng sẽ ngủ ngon, tươi cười, chịu ăn. Nhưng chúng tôi quá ít người, bế được bé này một lát phải bế bé khác. Bị đặt xuống chúng cứ u ơ quơ tay chân đòi bế. Một đám người lớn cũng cuống quýt theo. Nụ cười và nước mắt cùng lúc òa ra chan chứa.

Các soeur ở đây ít người nhưng rất nhiều việc. Hằng ngày phải chăm sóc, cho ăn, vệ sinh, dạy bọn trẻ lớn hơn một số kỹ năng... có ai đến thăm mang quà, sữa thì tốt lắm, tuy có một số nguồn tài trợ nhưng sữa thì không bao giờ đủ cả. Nhưng mong nhất là đoàn đến đông người và ở lâu để chơi với các bé, bế ẵm, đặt bọn lớn hơn vào xe đẩy đi dạo ngoài vườn, trò chuyện với chúng. Cũng nhiều nhóm từ thiện đến nhưng hầu hết chỉ tặng quà, đi thăm một vòng quanh mái ấm rồi về ngay.

Chiều sập xuống, đường về còn xa, chúng tôi rời những đứa trẻ mà chân bước chẳng được. Soeur phụ trách dặn, vẻ ngại ngùng: "Nếu có thời gian các em lên đây bế các bé giúp chị. Chẳng cần mang quà gì đâu".

Cũng đôi khi có những món quà không phù hợp nên không được đón nhận. Đó là một đêm chúng tôi đi tặng quà người lang thang. Gói quà khá nhiều tiền và thật to: một tấm mền nỉ loại dày, tốt. Suốt đêm chúng tôi chia nhau chạy xe trên các nẻo lẩn khuất của Sài Gòn. Lạ thay, gói quà không được đón mặn mà như chúng tôi nghĩ. Có một số người chỉ chúng tôi mang đến cho người khác nữa, là bà mẹ ngủ trên cái ghế bố rách nát ở lề đường khu chợ Bà Chiểu. Bà thắc mắc cho mền nỉ làm gì vì trời không lạnh. Bà cũng không nhận. Cuối cùng dư nhiều, chúng tôi ôm về trả lại.

Một lần khác trong đêm Noel. Quà lần này chỉ là một miếng sandwich lớn kẹp đầy đủ thịt rau, bao bì nilon sạch sẽ. Cũng là trao tận tay người lang thang kèm theo lời chúc an lành. Đó là trải nghiệm khó quên trong đời tôi: giữa dòng người ăn mặc hoa gấm nô nức đi chơi Noel, chúng tôi - cũng ăn mặc đẹp đẽ - đi tìm những con đường nhỏ hẹp, lầy lụa, tăm tối, nơi có những người lầm lũi nằm ngủ dưới hàng ba, xó chợ. Không chỉ người đi đường ngạc nhiên mà ngay cả người được tặng quà cũng trố mắt nhìn.

Đêm đó không kịp về dự buổi tiệc linh đình của báo, vì trao hết quà đã gần sáng, chúng tôi mệt và lem luốc. Nhưng đó lại là Noel mà tôi sẽ nhớ mãi. Đêm đó, chúng tôi đã thực sự trải nghiệm cảm xúc "cúi xuống/cho tình dấy lên" (Trịnh Công Sơn).

Gần đây báo chí trong nước thông tin nhiều trường hợp thương tâm. Cập nhật trên Facebook của những người bạn trong lẫn ngoài nước cuống quýt gọi nhau quyên góp. Người Việt thương nhau quá, chẳng bao lâu đã quyên được khá nhiều tiền. Mà chính điều đó khiến tôi băn khoăn.

Đáng buồn nhưng thực tế không ít người khi trên đầu tự dưng rơi xuống cục tiền to đã bị làm cho hư. Có người bỏ luôn công ăn việc làm, ở không ăn chơi nhậu nhẹt. Tệ hơn, có người "làm hàng" kể khổ hơn nữa, vài ngày lại tới tòa soạn hỏi tiền, phách lối cứ như tờ báo phải có nghĩa vụ cung ứng cho họ. Bực tức nhưng không cách nào khác, tờ báo vẫn phải chuyển tiền vì bạn đọc đã yêu cầu gởi đích danh người nhận. Mà bạn đọc thì xót xa quá nên tiền cứ ùn ùn gởi về...

Trường hợp gia đình của "tướng cướp" Hồ Duy Trúc - kẻ chặt tay cướp xe bị tuyên tử hình gần đây - có khá nhiều nhóm riêng rẽ quyên tiền cho gia đình Trúc. Theo thông tin trên báo, gia đình Trúc còn mẹ già, người vợ trẻ và 6 đứa vừa con vừa cháu. Dĩ nhiên từ thiện là không phân biệt đối tượng được giúp và hoàn cảnh gia đình Trúc cũng thật ái ngại. Nhưng nhiều nhóm quyên giúp như thế thì chi dùng sao đây và có hợp lý không?

Manh mún, tạm thời, dễ chồng chéo.. chính là điểm yếu của các nhóm thiện nguyện nhỏ và tự phát, hoạt động theo kiểu quyên góp trao tận tay. Các nhóm thiện nguyện của các tổ chức tôn giáo cũng vậy. Tuy nhiên, cách thức này vẫn được người dân tin tưởng hơn một số tổ chức từ thiện nhà nước, vì người thiện nguyện trực tiếp kiểm soát nên số tiền từ thiện đến đúng người và không bị ăn gian, ăn bớt.

Lập các quỹ từ thiện theo quy định của pháp luật thì lại vướng số tiền ký quỹ quá cao (quỹ hoạt động toàn quốc phải có 5-7 tỉ đồng), đồng thời lại không được mang số tiền này ra kinh doanh lấy lãi nhằm tiếp tục hoạt động.

Để linh hoạt, có những doanh nghiệp tổ chức một mô hình kinh doanh rồi lấy tiền lời từ đó lập nên quỹ từ thiện của riêng mình. Điều này tránh được việc nửa chừng hết tiền như khá nhiều nhóm, quán ăn từ thiện.. đã gặp phải. Nhưng về bản chất đó cũng vẫn là mô hình từ thiện nhóm, khó tránh khỏi trùng lặp.

Có cách thức tổ chức hoạt động từ thiện như thế nào để nguồn lực từ thiện được huy động rộng rãi nhưng thống nhất, trao đúng tay, giúp đúng chỗ cần? Hay không thể tìm được một mô hình chuyên nhất vì bản chất của từ thiện là đánh động lòng thương? Mong các nhà nghiên cứu xã hội và lập pháp suy nghĩ giúp.

Hoàng Xuân*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là người viết báo đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Thiện nguyện
>> Làm thiện nguyện online
>> Công tác thiện nguyện 
>> Áo blouse thiện nguyện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.