VN-Index mất 19 tỉ USD trong nửa tháng
Hôm qua (16.11), thị trường chứng khoán (TTCK) đã rất lâu mới có một phiên tăng điểm mạnh. Chốt phiên, VN-Index tăng 31 điểm, tương ứng tăng 3,4% lên 942,9 điểm và HNX-Index cũng bật tăng 4,36% lên 183,45 điểm. Khá nhiều cổ phiếu (CP) tăng trần hết biên độ và thanh khoản cũng gia tăng khi có gần 17.000 tỉ đồng được giao dịch. Nhưng một phiên tăng này chưa đủ để xua tan nỗi lo lắng đã khiến nhiều người bán tháo hàng loạt CP ngay trước đó. Bởi so với cuối tháng 10, chỉ số VN-Index vẫn giảm gần 8,3%.
Đặc biệt, hàng loạt CP dù tăng trần trong phiên hôm qua thì vẫn sụt giảm 15 - 20% so với cuối tháng 10 như HPG giảm 15%, DPM giảm hơn 15%, DCM giảm 20%, PAN giảm 25%... hầu hết CP trên sàn đều đã giảm từ 10% trở lên chỉ trong vòng 2 tuần ngắn ngủi. Đó là chưa kể nhiều mã chứng khoán vẫn đang bị “giải chấp chéo” và chưa có cơ hội hồi phục.
Ước tính, chỉ trong vòng nửa tháng, vốn hóa của sàn TP.HCM đã giảm gần 19 tỉ USD. Đây là một con số rất lớn nếu so sánh với Ngân hàng Vietcombank có vốn hóa lớn nhất trên sàn cũng chỉ hơn 10 tỉ USD. Nhiều công ty chứng khoán đều đưa ra báo cáo nhận định thận trọng về xu hướng của VN-Index, thậm chí khá bi quan khi chưa biết đợt sụt giảm khi nào dừng lại. “Không vội bắt đáy” hoặc “Không mua mới” là câu khuyến nghị thường xuyên được nhiều môi giới chứng khoán gửi đến cho khách hàng. Hàng loạt công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp hay còn gọi là “call margin” đối với lãnh đạo doanh nghiệp khi CP liên tục sụt giảm. Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng liên tục loại bỏ các CP ra khỏi danh mục được phép vay ký quỹ. Từ đó càng khiến tâm lý nhà đầu tư (NĐT) lo lắng và áp lực bán ra bằng mọi giá gia tăng.
Thậm chí, nhiều phiên thị trường rớt sâu thì giao dịch cũng không tăng mạnh cho thấy những người đang nắm giữ tiền mặt cũng chưa sẵn sàng tham gia vào thị trường. TTCK diễn biến không thuận lợi khiến nhiều doanh nghiệp niêm yết phải hủy bỏ hay tạm ngưng các đợt phát hành thêm CP dù kế hoạch đã được cổ đông thông qua từ đầu năm. Bởi kết quả có thể biết trước là NĐT sẽ không nộp tiền mua CP mới với mệnh giá 10.000 đồng trong khi giá trên sàn thấp hơn mức này.
Nhà đầu tư mất niềm tin nên liên tục bán tháo cổ phiếu |
Đào Ngọc Thạch |
Thị trường trái phiếu trầm lắng
Không chỉ có CP giảm mạnh, thị trường trái phiếu càng rơi vào trạng thái im lặng. Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu VN (VBMA) cho thấy trong tháng 10, chỉ có một công ty phát hành trái phiếu riêng lẻ trên thị trường và huy động được 210 tỉ đồng. Đó là chưa kể có những đợt chào bán trái phiếu nhưng không thành công.
Tính chung, tổng khối lượng phát hành trái phiếu từ đầu năm ghi nhận theo ngày hoàn thành phát hành trên thị trường là 333.909 tỉ đồng. Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 56% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, trong 10 tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại số trái phiếu với trị giá 147.484 tỉ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.
Không phát hành mới để huy động được vốn trong khi các công ty vẫn phải mua lại trái phiếu trước hạn do nhiều NĐT lo lắng và muốn rút tiền sớm. Đây chính là “bế tắc” của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Trên thực tế, không ít công ty phát hành trái phiếu gần đây đều phải liên tục gặp gỡ trực tiếp với NĐT và cam kết về việc thanh toán đủ lãi và gốc cho các lô trái phiếu khi đến hạn. Dù vậy cũng chưa đủ để NĐT yên tâm nên buộc họ phải đưa ra kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn.
Vừa phải lo vốn để hoạt động trong thời điểm cuối năm, vừa phải mua lại trái phiếu trước hạn là điều hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch ban đầu nên khiến các doanh nghiệp đối diện với muôn vàn khó khăn. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng nguyên nhân sụt giảm thì phải đánh giá rất kỹ, nhưng quan trọng nhất là niềm tin của thị trường hiện đang bị mất đi. Vì vậy phải dần dần lấy lại niềm tin cho thị trường.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định tình trạng cả thị trường CP lẫn trái phiếu sụt giảm mạnh, thanh khoản thấp kéo dài rất nguy hiểm đối với cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế nói chung. Đó là chưa kể sẽ có tình trạng “chảy máu” trên thị trường vốn, nhiều doanh nghiệp bị âm thầm thâu tóm với giá rẻ từ các NĐT nước ngoài…Điều này đang diễn ra trên thị trường chứng khoán. Ngược với sự lo sợ của NĐT trong nước, NĐT nước ngoài liên tục quay sang gom mạnh CP. Chẳng hạn trong tuần từ ngày 7 - 11.11, khối ngoại mua ròng cả 5 phiên liên tiếp khi thị trường lao dốc với tổng giá trị hơn 4.500 tỉ đồng...
Theo ông Hiếu, trên nguyên tắc, các doanh nghiệp hay NĐT đều phải tự chịu tránh nhiệm với các hoạt động giao dịch, đầu tư của mình. Nhưng trong một giai đoạn nhất định, để tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền, tạo ra nhiều hệ lụy lớn hơn cho nền kinh tế thì cũng cần có sự can thiệp của Chính phủ. Chẳng hạn, Chính phủ có thể đưa ra chương trình hoãn nợ cho một số trái phiếu phát hành đúng quy định (thông qua Bộ Tài chính thẩm định) hoặc cho vay đặc biệt đối với một số doanh nghiệp để có tiền trả lãi cho trái chủ trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này sẽ phần nào giúp NĐT có thêm niềm tin rằng quyền lợi của mình sẽ được đảm bảo. Song song xem xét sửa đổi Nghị định 65 của Chính phủ, trong đó yêu cầu tất cả doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải có xếp hạng tín nhiệm. Khi đó NĐT sẽ có thêm niềm tin vào khả năng hoàn trả nợ của công ty phát hành mới dám bỏ tiền ra mua trái phiếu.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), NĐT hiện mong muốn nhìn thấy những hành động cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước hơn chỉ là những lời nói suông. Vì có những điều từ nói đến thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa nên lại chỉ khiến họ thất vọng. Chẳng hạn, hệ thống công nghệ thông tin mới KRX của HOSE sau nhiều lần thông báo nhưng đến nay vẫn chưa thấy được đưa vào ứng dụng.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Chí cho rằng để lấy lại niềm tin cho NĐT trên thị trường CP lẫn trái phiếu, Bộ Tài chính nên công bố một chiến lược phát triển thị trường nợ bền vững với các mục tiêu cụ thể. Đó là lộ trình thúc đẩy và bắt buộc doanh nghiệp phải niêm yết trái phiếu công khai. Song song đó, các loại trái phiếu doanh nghiệp sẽ được giao dịch công khai tương tự như thị trường CP. Khi đó, các thông tin về trái phiếu sẽ trở nên minh bạch hơn; NĐT dễ dàng có cơ hội giao dịch. Từ đó khi họ bỏ tiền ra mua trái phiếu sẽ không còn phải lo sợ bị mất thanh khoản mà khi cần tiền có thể mang ra giao dịch trước kỳ hạn thanh toán…
Cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng cần phải hành động. Khoảng 900.000 tỉ đồng vốn ngân sách do chậm giải ngân đang “nằm yên” ở 4 ngân hàng thương mại lớn, cần cho phép các ngân hàng cho vay ra khoảng 300.000 tỉ vốn lưu động cho các doanh nghiệp. Nên chọn những ngành quan trọng đối với nền kinh tế như công nghiệp, công nghiệp chế biến, nông nghiệp, nông nghiệp chế biến, các ngành dịch vụ quan trọng.
Đây cũng là vốn hút từ nền kinh tế, giờ phải bơm ra để tạo thanh khoản cho nền kinh tế. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công bằng cách tạm ứng một phần cho các nhà thầu đã trúng thầu các công trình đầu tư công nhưng còn vướng thủ tục hoặc vướng đền bù giải phóng mặt bằng. Đầu tư công phải chạy để có máu đi vào nền kinh tế.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đề xuất thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước, thậm chí là Chính phủ nên có thông điệp: “Chính phủ đã thấy rất rõ những khó khăn trước mắt và đang tìm cách xử lý trong thời gian nhanh nhất với tất cả những biện pháp có thể”. Đây là thông điệp vô cùng quan trọng để lấy lại được niềm tin của thị trường, có thể duy trì được đà phục hồi của nền kinh tế cũng như uy tín của VN đối với các nhà đầu tư quốc tế. Kinh tế VN đang là điểm sáng của thế giới, nhận được sự công nhận và ngưỡng mộ của nhiều quốc gia, tạo ra nhiều cơ hội lớn cho sự phục hồi và bứt phá. Nếu không nhanh chóng có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, khiến kinh tế đứng trước nguy cơ đình trệ thì những kỳ vọng đi cùng cơ hội cũng sẽ biến mất. Cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước phải tăng cung tiền để đáp ứng đủ lưu thông GDP tính theo giá hiện hành. Tốc độ tăng trưởng GDP hiện xấp xỉ 8%, cộng với lạm phát 3% tương ứng với GDP theo giá hiện hành là 11%. Hiện nay tăng cung tiền còn quá thấp so với tăng trưởng của chỉ số này. TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh rằng chỉ hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng thương mại thôi chưa đủ bởi khủng hoảng đã lan rộng, hàng loạt doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc và đang đứng trước nguy cơ phá sản. Trên nền tảng hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng, phải tăng room tín dụng để hỗ trợ thanh khoản của nền kinh tế. Không nên lấy lý do kìm lạm phát để siết tín dụng bởi lạm phát của VN hiện mới có 3%, thuộc nhóm thấp nhất thế giới, trong khi lãi suất cho vay lên tới 12% là không hợp lý. Các nước, dù lạm phát lên tới 10% cũng phải duy trì lãi suất cho vay chỉ 3% để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Hai động thái này phải làm cùng lúc. Bơm tiền mà không tăng room hoặc ngược lại, tăng room mà không bơm tiền thì cũng không có ý nghĩa gì. Cứ tăng room mà không bơm tiền thì các ngân hàng thương mại sẽ huy động tiền gửi với lãi suất cao hơn để thực hiện room đó, như vậy lãi suất sẽ càng tăng vọt”, TS Lê Xuân Nghĩa lưu ý.
Bình luận (0)