Dưới đây là những điều quý ông cần biết để vệ sinh "cậu nhỏ" đúng cách, cũng như một số dấu hiệu cho thấy thói quen vệ sinh của bạn cần phải thay đổi.
Nhạy cảm như... da em bé
Bạn nên vệ sinh "bạn ấy" mỗi ngày bằng nước ấm. Nếu muốn dùng xà phòng, hãy chọn loại ít kích ứng dành cho những làn da nhạy cảm. Nói nhỏ cho các bạn nghe, khu vực này mỏng và nhạy cảm như da em bé vậy. Vì vậy, cần tránh những sản phẩm như nước hoa, chất khử mùi, sữa tắm, kem dưỡng da hoặc chất làm ẩm có chứa nước hoa và cồn.
Những trường hợp còn bao quy đầu
Nếu bao quy đầu dài, giữ gìn vệ sinh tốt giúp tránh nguy cơ viêm nhiễm (trùng). Khi rửa, hãy nhẹ nhàng kéo, tụt bao quy đầu xuống và rửa sạch phần đầu dương vật và bên dưới quanh cổ quy đầu dương vật.
Lưu ý kéo nhẹ nhàng, tránh tổn thương dẫn tới những biến chứng sau này (sẹo, đau...), sau đó dùng khăn lau khô một cách nhẹ nhàng. Cuối cùng, kéo bao quy đầu về phía trước trả lại vị trí bình thường (ban đầu).
Bựa sinh dục và cách phòng tránh
Bựa sinh dục (smegma) được hình thành từ các tế bào chết và dịch tiết (màu trắng đục, đặc) đọng lại ở quanh cổ của quy đầu trên những trường hợp chưa cắt bao da quy đầu. Hiện tượng này khá tự nhiên, nhưng nếu tích tụ quá nhiều có thể tạo mùi khó chịu và gây khó khăn cho việc kéo, tụt, lộn bao quy đầu.
Tình trạng này cũng tạo điều kiện rất tốt cho vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ ung thư dương vật. Khi chúng đóng cứng lại, nếu bạn cố gắng kéo, tụt bao quy đầu ra có thể thành vết rách và nguy cơ nhiễm trùng. Hãy rửa "cậu nhỏ" mỗi ngày và tránh chà xát mạnh nhé!
Một số lưu ý: đừng quên vệ sinh phần còn lại của "cậu nhỏ" (gồm thân dương vật và bìu); tranh thủ khám luôn tinh hoàn để kiểm tra bất cứ thay đổi nào vùng này; thay đổi đồ lót sau khi tập thể dục, thể thao; luôn vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục; nên đi khám khi có bất cứ thay đổi nào (ngứa, đau, chảy mủ hoặc dịch, nổi mẩn...) của "cậu nhỏ".
Bình luận (0)