Để giám sát của Quốc hội thực sự hiệu lực, hiệu quả:

Làm tốt khâu hậu giám sát mới mang lại hiệu quả

26/04/2023 06:23 GMT+7

Sự 'bất khả' trong cơ chế thực thi chế tài bỏ phiếu tín nhiệm như một hình thức giám sát khiến đại biểu Quốc hội thiếu 'thực quyền' và các hoạt động giám sát lâu nay thiếu hiệu lực, hiệu quả thực chất.

Giám sát không thể như "lưỡi dao chặt xuống nước"

Cho tới những ngày cuối tháng 4.2023, 2 dự án là Bệnh viện (BV) Bạch Mai cơ sở 2 và BV Việt Đức cơ sở 2, đều tại TP.Phủ Lý (Hà Nam), vẫn trong tình trạng "đắp chiếu". Đây đã là năm thứ 5 các dự án BV có mức đầu tư ngót nghét 10.000 tỉ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh trên bỏ hoang dù thời gian thực hiện dự án ban đầu là từ 2014 - 2017. Đây cũng là 2 trong số 51 dự án sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả được Quốc hội (QH) nêu tên khi giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại kỳ họp 4 (tháng 10.2022). Nghị quyết giám sát cũng yêu cầu Chính phủ phải có kế hoạch, lộ trình; xử lý rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị hữu quan trong năm 2023.

Làm tốt khâu hậu giám sát mới mang lại hiệu quả - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra tại Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), ngày 2.10.2022

TTXVN

Ngày 18.9.2022, hơn 1 tháng trước cuộc giám sát tối cao của QH, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát nhằm tháo gỡ vướng mắc cho 2 dự án này. Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai các dự án, đưa 2 BV vào hoạt động; đồng thời xác định rõ trách nhiệm về những sai sót trong quá trình triển khai. Thủ tướng cũng yêu cầu lập tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế làm tổ trưởng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho 2 dự án này.

Từ đó tới nay, Bộ Y tế đã nhiều lần họp với các bộ, ngành liên quan. Chính phủ cũng liên tục đốc thúc. Tổ công tác cũng đã được thành lập cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, những vướng mắc để tiếp tục triển khai, hoàn thành 2 BV vẫn chưa có nhiều tiến triển dù mục tiêu mà Bộ Y tế đưa ra là hoàn thành 2 dự án trong năm 2024.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của QH Tạ Văn Hạ nói có hàng nghìn vấn đề khác nhau cần phải giải quyết để xử lý dứt điểm các công trình, dự án lãng phí như 2 dự án nói trên. "Đấy là những dự án lớn, mà lớn thì không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai được", ông Hạ nói.

Giám sát phải rõ trách nhiệm, kiến nghị cụ thể là một phần. Phần quan trọng hơn, theo nhiều chuyên gia, đại biểu QH, chính là đeo đuổi, đôn đốc thực thi các kiến nghị giám sát, hay còn gọi là hậu giám sát mới tạo nên hiệu quả thực sự trong hoạt động giám sát của QH.

Đánh giá kết quả hoạt động giám sát năm 2022 của QH, Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường thừa nhận: các kiến nghị qua giám sát của các cơ quan của QH chưa được nghiêm túc triển khai thực hiện. Các cơ quan của QH, đoàn đại biểu QH chưa theo dõi, đôn đốc kết luận, kiến nghị giám sát thực sự quyết liệt, thường xuyên, đề nghị đưa vấn đề ra QH, Ủy ban Thường vụ QH xem xét khi cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

Những khó khăn, vướng mắc được ông Cường nêu ra đã tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ. Không ít người vẫn cho rằng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử ít nhiều mang tính hình thức khi các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn nhiều khi phải chịu số phận ủ ê trong các ngăn kéo tủ. Thậm chí, các bộ trưởng, trưởng ngành nói tới hàng trăm lần từ "xin hứa", "xin nhận trách nhiệm cá nhân" tại các phiên chất vấn để rồi phiên chất vấn sau vẫn lặp lại những "điệp khúc" này.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định), từ khi xây dựng chương trình phải đặt ra việc hậu giám sát, giao cho cơ quan, đơn vị cụ thể để theo dõi, báo cáo QH. "Các địa phương, bộ, ngành được giám sát thực hiện các kiến nghị giám sát của QH ra làm sao, có kết quả gì, chứ không phải như lưỡi dao chặt xuống nước, rút lên rồi nước lại chảy như cũ thì không ăn thua gì. Nếu hậu giám sát mà chúng ta làm được tốt thì mới mang lại hiệu quả", ông Kim nói.

Làm tốt khâu hậu giám sát mới mang lại hiệu quả - Ảnh 2.

Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam

PHẠM QUANG VINH

Giám sát vì mục tiêu kiến tạo, phát triển

Để thực sự nâng cao được hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát, đeo đuổi các vấn đề giám sát tới cùng cần phải trở thành trách nhiệm và năng lực của mỗi đại biểu QH và các cơ quan của QH.

Cùng với việc chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu qua giám sát, ông Tạ Văn Hạ cho rằng cần phải nâng cao trách nhiệm của các đại biểu QH, cơ quan QH cũng như quy định cụ thể về cơ chế, và cả chế tài hậu giám sát. "Nếu anh không thực hiện nghiêm kiến nghị giám sát, lời hứa chất vấn thì trách nhiệm phải được làm rõ. Chúng ta có chế tài nhưng lâu nay chưa thực hiện được bao nhiêu cả", ông Hạ nói.

Xây dựng pháp luật là để kiến tạo, phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo, phát triển.


Chủ tịch QH Vương Đình Huệ

Chế tài mà ông Hạ nhắc đến chính là bỏ phiếu tín nhiệm. Luật Hoạt động giám sát của QH, HĐND quy định 4 trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn. Trong đó 2 trường hợp là đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH và các ủy ban QH, một trường hợp là có trên 75% phiếu tín nhiệm thấp khi lấy phiếu tín nhiệm định kỳ. Trường hợp thứ 4 là có 20% tổng số đại biểu kiến nghị. Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá không tín nhiệm thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm. Tuy nhiên tới nay việc bỏ phiếu tín nhiệm chưa được tiến hành.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, sự "bất khả" trong cơ chế thực thi chế tài bỏ phiếu tín nhiệm khiến đại biểu QH thiếu "thực quyền" và các hoạt động giám sát lâu nay thiếu hiệu lực, hiệu quả thực sự.

Coi QH là một thiết chế "sinh ra để giám sát là chính" và tất cả những gì QH đang làm đều là giám sát, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng mục đích cao nhất trong hoạt động giám sát của QH là kiểm soát Chính phủ, đảm bảo chính sách được QH phê duyệt đạt được mục đích; đồng thời đảm bảo trách nhiệm giải trình của Chính phủ. "Anh thực hiện bất cứ chính sách gì thì anh phải giải trình, cái đó là quan trọng nhất của việc giám sát", ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng kiến nghị cần nâng cao năng lực bao gồm hệ thống thông tin, nghiên cứu của QH và xây dựng một quy trình chuẩn cho các hình thức giám sát của QH, đặc biệt là tranh luận, chất vấn và giải trình tại các ủy ban QH. "Giám sát của QH không phải là cử các đoàn xuống cơ sở, kết luận đúng sai hay xử phạt. Giám sát của QH là đưa vấn đề đó ra QH để thảo luận, chất vấn và cơ quan hành pháp được giải trình. Trách nhiệm khi đó sẽ rất rõ", ông Dũng nêu.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng nhiều lần yêu cầu giám sát tối cao của QH phải đề cao trách nhiệm giải trình, tức là làm rõ việc tổ chức thực hiện đã đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay chưa; mặt nào tốt, được, mặt nào tồn tại, yếu kém và trách nhiệm ra sao. "QH sẽ kết luận bằng nghị quyết giám sát, để cơ quan hành pháp "giải tỏa" hết trách nhiệm giải trình. Chứ giám sát không làm thay cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Khẳng định giám sát tối cao của QH là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, Chủ tịch QH khẳng định giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa "xây" và "chống" thì "xây" vẫn là căn bản, lâu dài; "chống" là quyết liệt, triệt để, cấp bách; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

"Xây dựng pháp luật là để kiến tạo, phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo, phát triển", Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.