Trụ trì chùa Phổ Hiền (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhưng phần nhiều thời gian bà ngược xuôi từ nam ra bắc làm từ thiện. Và, rất nhiều lần như thế, ni sư chọn Thanh Niên đồng hành...
|
1. Tôi gặp ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt lần đầu tiên cách đây đã 7 năm. Từ dạo đó, cứ mỗi mùa bão lũ, bắt đầu quen khi thấy mã số điện thoại bàn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gọi đến. Đó là ni sư Tâm Nguyệt. Bà không dùng di động bao giờ, nội dung ngắn gọn: “Sư có ít tiền, sư ra miền Trung rồi con dẫn sư đi nghe”.
Năm cao điểm nhất 2016, tôi đã may mắn được làm “hoa tiêu” cho nhiều chuyến từ thiện ròng rã của ni sư Tâm Nguyệt những lúc bà ra miền Trung. Bước chân của bà đã từng đến vùng thấp trũng Lệ Thủy (Quảng Bình), vùng trung du của Vĩnh Linh, vùng biển bãi ngang Triệu Phong và Hải Lăng, thậm chí là miền rẻo cao Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị). Mỗi chuyến đi như vậy, bà thường mang theo vài trăm triệu tiền mặt và hàng tá áo quần, quà bánh, đồ chơi... Tới đâu, bà cũng chăm chăm vào những thân phận người nghèo, tật nguyền, người già và trẻ nhỏ. “Đó là những người dễ bị tổn thương nhất”, ni sư nói.
Mùa lũ triền miên năm nay, vẫn là sư Tâm Nguyệt xuất hiện. Khi nước vừa nhấn chìm nhiều làng mạc ở H.Hải Lăng (Quảng Trị) vào ngày 10.10 thì ngày 11.10, trong tài khoản của người viết đã có 100 triệu đồng do ni sư chuyển vào với lời nhắn nhủ khẩn thiết: “Con cố gắng làm sao mua mì tôm, đồ ăn thức uống vào cho bà con. Biết nước đang cao, nguy hiểm, nhưng con làm cách nào đó để giúp người”.
Với lời nhắn nhủ đó, tôi cũng như bao người làm Báo Thanh Niên nào dám chối từ. Ngay trong ngày 12.10, chuyến hàng cứu trợ của Thanh Niên và sư Tâm Nguyệt đã vượt dòng Ô Lâu đang ở mức báo động 3, để vào với người dân vùng biệt lập Hải Phong. Nhìn người dân đón lấy từng thùng mì, từng bao xúc xích, tôi hiểu vì sao vị ni sư hối thúc chúng tôi làm điều này.
Sau đợt hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên, ngày 15.10, ni sư tiếp tục chuyển gần 13.000 thùng mì tôm về miền Trung...
|
|
Chưa hết, ni sư Tâm Nguyệt đã âm thầm hiệu triệu phật tử cùng đóng góp hướng về miền Trung. Ngày 26.10, thông qua Báo Thanh Niên, bà đã mang số hàng quà và tiền mặt trị giá trên 1,3 tỉ đồng ra với người dân Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị. Chuyến đi này, bà đích thân lặn lội từ Bà Rịa-Vũng Tàu ra với bà con. Vẫn là dáng hình hiền từ, đội nón lá, bà đi giữa mưa gió, lụt lội... và chỉ trong một ngày đã trao gửi hết toàn bộ số hàng quà lớn.
2. Nguyên tắc bất di bất dịch trong việc làm từ thiện với sư Tâm Nguyệt chỉ gói gọn trong 1 từ: “vui”. Còn lại, không có kịch bản, không có hội trường to đẹp, không có băng rôn khẩu hiệu quảng cáo và cũng không có “kính thưa, kính gửi” này khác. Có chăng là việc, trước lúc phát quà cho bà con, ni sư cao hứng đọc thơ góp vui, thay đổi không khí, rằng: “Mệ ơi, cho con xin hai hào nước mắm/Cái đứa này, mua có hai hào nước mắm, cũng bày đặt làm thơ”. Hay, đến địa điểm phát quà, hễ thấy người dân nào mang tấm áo sờn, đi đôi dép rách, bà lại níu ra ngoài, móc bọc cho thêm tiền, bảo về sắm sanh đồ mới. Cũng có hôm, vì quá xúc động mà bà ôm chầm lấy những người dân cực khổ chưa một lần gặp khóc nức nở...
|
Cách làm từ thiện của ni sư Tâm Nguyệt cũng rất khác biệt và chính điều đó lại mang những niềm vui không ngờ đến với người được nhận. Đang đi giữa đường thấy cụ già vất vả, bà bảo xe dừng lại bằng được, rút tiền triệu ra cho rồi từ biệt, giữa lúc chính người được nhận không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Hôm khác, gặp một người chở bim bim cồng kềnh trên xe đạp liêu xiêu, sư liền khoát tay mua hết bảo: “Thì đằng nào mình vào chơi với tụi nhỏ ở điểm kế tiếp cũng nên cho bánh kẹo”. Nhớ hôm sư vào thăm và phát bánh trung thu ở Trường mầm non xã Vĩnh Trung (H.Vĩnh Linh) năm 2016, thấy khu vực sân chơi của các bé được lợp tôn thấp lè tè, lại rất nóng, bà liền chủ động đưa tiền cho ban giám hiệu nhà trường mua 5 cái quạt trần, khi các cô giáo chưa kịp… xin!
Sư Tâm Nguyệt cũng tỏ ra là một người rất tinh tế. Đi từ thiện, bà tặng quà người dân nhưng cũng không bao giờ quên cán bộ thôn xóm; đi tặng quà bệnh nhân bà không bao giờ quên các y, bác sĩ... Cũng chưa bao giờ thấy ni sư cau mày và bà luôn nhắc mọi người không được nhăn nhó trong mọi hoàn cảnh. “Đi làm từ thiện, nếu không vui thì nên ở nhà, trùm mền ngủ”, bà ngắn gọn. Chính vì thế, khi phát quà, bà không cần ai nói cảm ơn mà chỉ cần “cười là được”.
3. Ở góc độ cá nhân, tôi thực sự may mắn khi được gặp gỡ ni sư Tâm Nguyệt. Bởi nhờ cơ duyên, bà đã chắp cánh cho rất nhiều nhân vật của tôi hoặc có thể vượt qua ngặt nghèo, hoặc có thể vươn đến ước mơ.
“Tin Báo Thanh Niên như phật tử tin mình”Ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt tự nhận mình là bạn đọc rất nhiều năm của Thanh Niên và luôn có sự yêu quý, tin tưởng dành cho báo. Chính vì thế, bà đã luôn trao gửi những món quà và cùng Báo Thanh Niên mang đến cho những hoàn cảnh khó khăn, những nạn nhân của thiên tai bão lũ. Trong khi đó, theo thống kê của Ban Công tác bạn đọc Báo Thanh Niên, mỗi năm ni sư Tâm Nguyệt đã thông qua báo, kêu gọi từ 1 đến 3 tỉ đồng để làm công tác từ thiện. “Sư tin Báo Thanh Niên như quý phật tử tin tưởng sư vậy. Khi nào phật tử còn tin tưởng, trao gửi, nhờ sư đi phát tâm thì sư sẽ còn đồng hành với quý báo trên con đường thiện nguyện”, ni sư nói.
Nhà báo Nguyễn Đức Tú, Trưởng ban Công tác bạn đọc Báo Thanh Niên, nói vui rằng ni sư Tâm Nguyệt là “bạn đọc VIP” của báo. “Hầu như trong tất cả những chương trình thiện nguyện của Thanh Niên phát động, ni sư Tâm Nguyệt luôn là một trong những người hưởng ứng đầu tiên và tham gia bằng hết thảy tâm sức của mình”, nhà báo Nguyễn Đức Tú nói.
|
Mỗi sáng khi có bài báo nào hay hay được đăng trên Thanh Niên, tôi lại thấy vui sướng khi có số điện thoại bàn của bà gọi đến, vào đề lúc nào bà cũng khen động viên, bài báo... hay quá, và “chốt hạ” là nhắn cho sư số tài khoản, sư chuyển tiền nhờ con giúp người ta. Đó có thể là câu chuyện về những con người vượt trùng dương sinh sống ở đảo Cồn Cỏ (được sư tặng 20 triệu đồng hồi năm 2017); về chàng trai Vân Kiều có tấm lòng đẹp Hồ Tu Pông Ngỡi (trú xã Lìa, H.Hướng Hóa) mở thư viện, dạy nhảy miễn phí cho trẻ em, được sư giúp hơn 60 triệu đồng sắm máy lọc nước, thùng chứa nước, loa kẹo kéo, áo quần, sách vở... để tiếp tục phục vụ cho các em vùng cao dịp đầu năm 2020.
Gần nhất, nhân vật 10 năm mà tôi gặp lại là Hồ Văn Lung (thôn Ro Ró 2, xã A Vao, H.Đakrông), chàng trai cụt
2 chân, mơ được dựng trang trại trên non. Vẫn là sư Tâm Nguyệt chứ không ai khác, chuyển ngay 20 triệu đồng để giúp Lung toại nguyện, mua bò dê, nuôi nhốt, dựng lán giữa ngọn đồi mênh mông...
Bình luận (0)