Ngày 28.4, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết Chỉ thị số 17/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công và phát động thi đua giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Vành đai 3.
Toàn tuyến Vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, trong đó đoạn qua TP.HCM dài nhất với 47,5 km.
Ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết công tác bồi thường rất quan trọng và phải đẩy nhanh tiến độ để bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng vào tháng 6.2023. Theo ông Trực, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 ước tính hơn 18.900 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 (từ nay đến trước ngày 30.6) phải giải ngân khoảng 8.800 tỉ đồng. Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 8.2023, bồi thường cho các trường hợp đất ở và đất nông nghiệp chưa đồng thuận, phấn đấu giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 15.11.
Về công tác tái định cư, ông Trực cho hay những hộ đủ điều kiện sẽ được tái định cư bằng nền đất, hộ không đủ điều kiện thì bố trí căn hộ chung cư. Những trường hợp quá khó khăn, không đủ tiền trả 1 lần khi mua căn hộ cũng sẽ được xem xét cho trả chậm, trả góp trong 15 năm.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM, thông tin đến nay, dự án Vành đai 3 TP.HCM được bố trí 13.500 tỉ đồng để phục vụ công tác bồi thường và khởi công gói thầu xây lắp, trong đó phải giải ngân khoảng 10.000 tỉ đồng trước ngày 30.6. Do khối lượng công việc rất lớn nên chủ đầu tư sẽ không nghỉ lễ để đẩy nhanh tiến độ công việc.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu tập trung cho công tác bồi thường dự án Vành đai 3, bảo đảm đạt từ 70% diện tích trở lên để có thể khởi công đồng loạt trên 4 địa bàn: Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi. Ông cũng đề nghị bí thư huyện ủy, thành ủy 4 địa phương trên quan tâm sát sao đến tiến độ giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện khởi công.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng giao Sở TN-MT tổng hợp nhu cầu mặt bằng để triển khai các dự án theo tinh thần, mục tiêu Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 51 dự án, chương trình thuộc nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bình luận (0)