“Con sắp đi học rồi đó !”
Cậu bé N.L.P (7 tuổi) là một trong những trường hợp được cấp giấy khai sinh của dự án “Trang mới cuộc đời” - dự án do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) phối hợp thực hiện với Sở Tư pháp TP.HCM, Trung tâm Pháp lý TP.HCM nhằm thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bé P. không biết mặt cha mẹ, từ nhỏ, cậu đã sống với bà ngoại. Có lẽ vì vậy mà P. vẫn nhầm gọi ngoại mình là mẹ. Bà Lan (60 tuổi), ngoại của P. trước đây đi bóc tỏi thuê, nay dán giấy hàng mã tại nhà.
Tuổi thơ của P. chỉ quanh đi quẩn lại trong không gian trọ chưa tới 6m2 mà hai bà cháu ở. Bà Lan kể, ngày mẹ P. bỏ đi, chỉ để lại một tờ giấy chứng sinh P.
Bà từng đi làm giấy khai sinh cho P. nhưng trục trặc giấy tờ nào là hộ khẩu, nào là diện trẻ bị bỏ rơi..., bà lại không am hiểu pháp luật, không biết bắt đầu từ đâu nên cứ bỏ ngỏ, bẵng đi đã 6 năm qua. Cuối năm 2019, nhờ người kết nối với Trung tâm Pháp lý TP.HCM và dự án Trang mới cuộc đời, đến nay bé P. đã có giấy khai sinh.
Bà Lan rất vui mừng; còn P. không hiểu giấy khai sinh là gì, nhưng nghe bà nói nhờ nó mà em được đi học, cậu bé cười rạng rỡ và nói: “Con cộng trừ được rồi! Con sắp đi học rồi đó!”.
Nhưng điều đó khiến bà Lan không thôi nghĩ ngợi. “Gia đình tôi lúc trước ở Q.6, nhưng sau khi ba mẹ mất, anh em bán nhà chia nhau rồi cắt khẩu, ai cũng tứ tán nên thằng P. không thể nhập khẩu, nên không biết làm sao để nó có giấy CMND sau này”, bà nói.
Cơ chế riêng cho trẻ đặc biệt
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có 98,8% trẻ em dưới 5 tuổi đã được đăng ký khai sinh, vượt mục tiêu mà Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024 đề ra (mục tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 97% trẻ em được đăng ký khai sinh trước 5 tuổi).
Nhưng tại TP.HCM, vẫn có những trẻ em, người lớn không có giấy khai sinh hay giấy tờ tùy thân. Khi nói về câu chuyện này, bà Lê Thị Ngân (Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn TP.HCM) trăn trở, đề xuất về việc cần có một cơ chế riêng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bà Ngân nói, Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn – vốn chuyên hỗ trợ cho trẻ nhập cư, trẻ lao động sớm, trẻ cộng đồng nghèo có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành... đã tiếp nhận rất nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
"Có trường hợp sau khi cơ sở tiếp nhận được cấp giấy khai sinh, nay dù hơn 30 tuổi vẫn quay lại để “cầu cứu” làm CMND để về làm giấy khai sinh cho con mình. Trong khi việc làm giấy CMND theo quy định hiện hành lại chỉ dành cho... những người đã đăng ký hộ khẩu, chưa kể phải có tờ khai xác nhận từng thời điểm cư trú. Đối tượng trẻ em hay người lớn từng là trẻ lao động trên đường phố, bị cha mẹ bỏ rơi, bị mất gốc lâu... mà chỉ có tờ khai sinh trống huơ trống hoác quê quán..., đi đâu cũng không khai tạm trú, không được ai xác nhận cư trú thì làm CMND rất nhiêu khê”, bà Ngân nói.
|
Trong khi đó, nếu cha mẹ không có giấy tờ thì việc làm giấy khai sinh cho trẻ em cũng khó lòng thực hiện. Nên điều cần lưu ý chính là làm giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, CMND... cho trẻ thì cũng cần quan tâm luôn đến việc làm giấy tờ tùy thân cho cả cha mẹ của các em.
“Không biết thời gian tới, cách thức đăng ký làm căn cước công dân cho trẻ em hay người lớn từng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này ra sao nhưng rất cần một cơ chế riêng, như không cần xác nhận trong tờ khai làm CMND từng thời kỳ làm gì, ở đâu, miễn là họ không phạm pháp, tù tội... Sau đó nên thông báo cả nước về những trường hợp vì lý do nào đó như mồ côi, thất lạc, trẻ đường phố xưa... đến nay không có giấy khai sinh hoặc CMND có thể quay lại xuất xứ của mình hoặc nơi từng ở có người chứng minh nhân thân hoặc nuôi mình (như trung tâm bảo trợ, trại trẻ mồ côi...) xin xác nhận để làm giấy tờ, những phần còn lại họ tự khai và tự chịu trách nhiệm lời khai của mình”, bà Ngân đề xuất và nói thêm, có như vậy, việc rắc rối thủ tục làm giấy khai sinh cho trẻ em từ khâu phụ huynh mới được tháo gỡ.
Nếu cha mẹ không 'hợp tác', rất cần các tổ chức xã hội giúp đỡ
Ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng Hộ tịch – Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết quy định pháp luật về làm giấy khai sinh hiện nay không có vướng mắc. Hai năm một lần, Sở Tư pháp TP.HCM đều có kế hoạch rà soát, đăng ký khai sinh cho đối tượng trẻ em nhằm giải quyết tình trạng trẻ cư trú trên địa bàn TP. chưa được đăng ký khai sinh. Ông Lưu cũng nhấn mạnh, trách nhiệm của bậc cha mẹ bởi đến nay đa số trường hợp trẻ không có giấy khai sinh là do cha mẹ không quan tâm, không hiểu quy định hoặc không cư trú ổn định.
|
Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Viện MSD, Trưởng dự án “Trang mới cuộc đời” cho hay khi thực hiện dự án, nhóm thấy được những nguyên nhân xuất phát từ gia đình khiến trẻ không có giấy khai sinh như gia đình có hoàn cảnh khó khăn; ba mẹ không quan tâm, không biết cách thức làm giấy khai sinh cho trẻ...
Vì vậy, với những trường hợp không nhận được sự hợp tác từ phía phụ huynh, việc làm giấy khai sinh cho trẻ rất cần có sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức xã hội. Một số đề xuất mà nhóm dự án này đưa ra chính là sửa đổi Thông tư 53/2017 của Bộ Y tế để việc lưu trữ hồ sơ sinh trẻ được lâu hơn, tới 20 năm hoặc vĩnh viễn; hướng dẫn các bệnh viện cung cấp giấy chứng sinh cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào; hỗ trợ hướng dẫn, tìm cách giải quyết các trường hợp trẻ em không nhớ được nguồn gốc, trường hợp bị người thân bỏ rơi và không quan tâm để làm giấy khai sinh cho trẻ...
Một số liên hệ để được hỗ trợ làm giấy khai sinh tại TP.HCM: Bà Trần Vân Anh (Giám đốc chương trình, Viện MSD) - ĐT: 0949846116; bà Hồng Tô Huệ Lan (Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn) - ĐT: 0949382368; bà Đào Thị Minh Lệ (Tổ chức Y Tâm) - ĐT: 0985674772; bà Nguyễn Thị Phương Dung (Tổ chức Niềm Tin) - ĐT: 0938060966; bà Lê Thị Ngân (Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn) - ĐT: 0903908646; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (470 Nguyễn Tri Phương, P.8, Q.10).
|
Bình luận (0)