Bảo tàng đầu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 tại TP.HCM
|
Triển lãm giới thiệu gần 70 hình ảnh và 60 hiện vật của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ các tỉnh phía Nam và TP.HCM. Đó là những bà mẹ nông dân chân chất, những bà mẹ nội trợ chỉ biết công việc đồng áng, bếp núc trong nhà; hết mực thương yêu, chăm sóc chồng con nhưng cũng rất anh dũng, kiên cường, bất khuất. Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, những người mẹ thay chồng làm lụng để nuôi con bằng những công việc bình thường hàng ngày như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Không chỉ nuôi con, mẹ cần kiệm từng đồng để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ cho kháng chiến. Không chỉ đảm đương việc nhà, có những người mẹ bằng tài trí của mình tham gia giao liên, dẫn đường cho bộ đội ra vào hoạt động, tham gia tải thương, biểu tình, chống dồn dân vào ấp chiến lược; những bà mẹ làm công tác binh vận, dân vận, tình báo… và có không ít những bà mẹ trực tiếp tham gia lực lượng võ trang và trở thành những nữ tướng cầm quân xuất sắc.
Các đại biểu cắt băng khánh thành phòng trưng bày thông minh Ảnh: Quỳnh Trân
|
Dù tuổi cao nhưng vợ cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vẫn đến dự lễ
|
Điêu khắc gia Kim Thanh bên tác phẩm của bà cùng nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa
|
Du khách thích thú với loại hình tương tác mới mẻ này Ảnh: Quỳnh Trân
|
Đặc biệt, khách tham quan có thể xem hiện vật, đọc bài viết trên các báo và những câu chuyện cảm động trên thiết bị điện thoại di động thông minh. Smart Muesum còn tạo điều kiện cho du khách sử dụng tối đa chức năng gia tăng trải nghiệm các nội dung như: Giới thiệu tổng quan về bảo tàng, tin tức về các sự kiện, hoạt động của bảo tàng, hướng dẫn tham quan thông minh: tự động định vị chính xác vị trí của người tham quan và giới thiệu thông tin các hiện vật gần vị trí người tham quan, đặt lịch tham quan bảo tàng online, hướng dẫn đường đi đến bảo tàng, hiển thị sơ đồ các tầng nhà bảo tàng cũng như tra cứu thông tin hiện vật thông qua QR Code.
Với công nghệ này, khách đến tham quan chỉ cần tải App của Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ và khi kích hoạt hệ thống wifi và Bluetooth thì mọi hiện vật, hình ảnh sẽ hiển thị trên máy di động, bằng nhiều ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh hoặc Pháp để tự lựa chọn. Khi đến mỗi hình ảnh và hiện vật muốn xem cụ thể nội dung gì thì chỉ cần click vào màn hình sẽ hiện lên đầy đủ thông tin về hiện vật, chuyện kể và lý lịch của bà mẹ VN anh hùng đang giới thiệu tại triển lãm.
Theo bà Nguyễn Thị Thắm, giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ: “Ứng dụng Smart Museum do công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu nghiên cứu và phát triển trên nền công nghệ 4.0, bao gồm ứng dụng mobile kết nối các thiết bị IoT xác định chính xác vị trí khách tham quan, kết nối tài liệu giới thiệu bảo tàng trên nền điện toán đám mây…và công ty hỗ trợ toàn bộ cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ chi phí thuê và quản lý hệ thống máy chủ trong thời gian thử nghiệm 1 năm”.
Nhân dịp này, Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ cũng khánh thành hệ thống kho bảo quản hiện vật hiện đại và tòa nhà làm việc hành chính sau hơn 18 tháng thi công với tổng kinh phí gần 53 tỉ đồng, đồng thời ra mắt bộ sưu tập về chóe với số hiện vật lên tới 150 cái của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, được cất công sưu tầm và lưu giữ trong suốt 20 năm qua trải dọc từ các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông…đến miền Đông Nam Bộ: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, kể cả Tây Nam Bộ và TP.HCM.
Thanh Niên xin giới thiệu một số hiện vật tại triển lãm mà du khách có thể xem bằng điện thoại thông minh:
Chân dung các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng là liệt sĩ
|
Những kỷ vật thời kháng chiến
|
|
|
Các vật dụng mà các Mẹ, các chị sử dụng thời đạn bom
|
Quả bom bi được Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Ba sử dụng đựng thư từ, nữ trang và cất giấu tài liệu Ảnh: Quỳnh Trân
|
Bình luận (0)