Lần đầu tiên, thế giới tăng 1 triệu ca nhiễm Covid-19 trong vòng 100 giờ
18/07/2020 10:30 GMT+7
Theo cổng thông tin Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến sáng 18.7.2020, toàn thế giới đã ghi nhận 14.037.021 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 , với 600.665 ca tử vong và hơn 7,81 triệu bệnh nhân đã hồi phục.
Tự động phát
Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt qua mốc 14 triệu trong ngày 17.7, đánh dấu lần đầu tiên toàn cầu có 1 triệu trường hợp mới trong vòng dưới 100 giờ. Trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Trung Quốc vào đầu tháng 1 và phải mất 3 tháng mới đạt cột mốc 1 triệu trường hợp. Tuy nhiên, chỉ mất 4 ngày trong tháng 7 để từ 13 triệu ca được ghi nhận vào ngày 13.7 lên con số 14 triệu.
Tại Mỹ, theo CNN, ít nhất 39 tiểu bang có mức tăng hằng ngày cao hơn so với một tuần trước đó. Việc tái bùng phát đặc biệt đáng lo ngại tại các bang miền nam và miền tây, nơi chính quyền bắt đầu nới lỏng quy định giãn cách để khôi phục hoạt động kinh tế.
|
Tại các bang như California, Florida, Arizona và Texas, các bệnh viện sắp bị quá tải, trong khi tình trạng nhà xác hết chỗ chứa tái diễn tại TP. Phoenix (Arizona) hay San Antonio (Texas), buộc giới chức phải dùng xe tải đông lạnh để giữ xác.
Thống đốc bang Georgia Brian Kemp trong hôm 17.7 đã kêu gọi mọi người trong bang đeo khẩu trang trong 4 tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 nhưng vẫn kiên quyết cấm tiểu bang và chính quyền địa phương đưa ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang. Ông cũng kêu gọi người dân tự nguyện duy trì giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên và cấm các cuộc tụ họp của hơn 50 người từ đây đến cuối tháng 7.
|
Hiện tại virus corona chủng mới đã lây nhiễm cho hơn 3,6 triệu người Mỹ (3.638.002) và giết chết gần 140.000 người (139.128), cả hai số liệu đều đang dẫn đầu thế giới. Các trường hợp đã tăng vọt ở nhiều tiểu bang, bao gồm Georgia. Trước đó, nước Mỹ cũng phá vỡ kỷ lục số ca nhiễm mới hằng ngày trong hôm 16.7 với hơn 77.000 trường hợp mới, theo thống kê của Reuters.
Tại Brazil, trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 34.177 trường hợp mới được xác nhận và 1.163 trường hợp tử vong mới, theo Bộ Y tế cho biết. Điều này nâng tổng số ca nhiễm vượt mốc 2 triệu người (2.046.328) với 77.851 ca tử vong, và tình hình trở nên lo ngại hơn khi dịch bệnh đang lây lan nhanh tại các bang miền nam có nhiều người lớn tuổi, nhóm có nguy cơ cao với Covid-19.
|
Ấn Độ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong một ngày (gần 35.000 người) và trở thành nước thứ 3 có tổng số ca nhiễm nhiều hơn 1 triệu. Các bệnh viện công lẫn tư nhân bị cho là từ chối nhận bệnh nhân nguy kịch vì thiếu giường bệnh, thiết bị lẫn nhân lực. Giới chuyên gia cảnh báo Ấn Độ còn phải mất vài tháng nữa mới tới đỉnh dịch, trong khi có dự báo cho rằng nước này sẽ vượt mốc 2 triệu ca vào ngày 10.8. Tính đến sáng 18.7, Ấn Độ đã ghi nhận 1.003.832 ca nhiễm và 25.602 người chết.
Trong khi đó, Nga – quốc gia xếp sau Ấn Độ về số ca nhiễm tính trên toàn thế giới, trong sáng 18.7 đã cán mốc 758.000 trường hợp nhiễm và có hơn 12.000 bệnh nhân không qua khỏi (12.106) vì Covid-19.
|
Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang hoành hành, Nga hy vọng thỏa thuận với AstraZeneca sản xuất vắc-xin Covid-19 hiện đang được công ty dược phẩm này và Đại học Oxford phát triển sẽ được tiếp tục, bất chấp cáo buộc chính phủ Nga đã cố gắng đánh cắp dữ liệu vắc-xin. Trước đó, Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh hôm 16.7 cho biết các tin tặc được chính phủ Nga hậu thuẫn đang cố gắng đánh cắp vắc-xin Covid-19 và nghiên cứu điều trị từ các tổ chức học thuật và dược phẩm trên khắp thế giới. Cáo buộc này đã bị điện Kremlin phủ nhận.
Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, trong một cuộc phỏng vấn hôm 17.7 đã khẳng định rằng các cáo buộc là sai và Moscow không cần phải đánh cắp bí mật vì đã có thỏa thuận với AstraZeneca để sản xuất vắc-xin Anh phòng ngừa Covid-19 ở Nga.
Bình luận (0)