Hôm qua (23.9), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - đóng vai trò ngân hàng trung ương của nước này) đã công bố chính sách mới liên quan lãi suất.
Kích thích kinh tế
Theo đó, PBOC giảm thêm 10 điểm cơ bản của lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược (repo) thời hạn 14 ngày, từ 1,95% xuống còn 1,85%. Repo là một hình thức giao dịch tài chính ngắn hạn (bên này sẽ thế chấp tài sản để vay bên kia trong ngắn hạn và thế chấp bằng tài sản thường là các sản phẩm tài chính). Kèm theo đó, PBOC còn thông qua công cụ này để bơm 74,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 10,6 tỉ USD) cho nền kinh tế. Hồi tháng 7, PBOC cũng đã giảm 10 điểm cơ bản cho lãi suất repo.
Động thái mới nhất của PBOC diễn ra sau khi Fed hồi tuần trước công bố hạ 5 điểm cơ bản của lãi suất cơ bản, từ 5,25 - 5,5% xuống còn 4,75 - 5%. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu 10 năm của Trung Quốc cũng đã giảm 1 điểm cơ bản, còn 2,03%.
Chính vì thế, giới phân tích kinh tế dự báo những động thái vừa nêu mở đường cho việc PBOC sẽ tiến hành hạ lãi suất cơ bản, đồng thời tăng cường biện pháp kích thích kinh tế để đảm bảo kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 5% như mục tiêu đề ra. Hành động này còn nhằm ứng phó tình hình đang gặp khó khăn hiện nay, đặc biệt dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc từ tháng 1 - 8 đã giảm 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Reuters.
Fed hạ lãi suất mạnh tay, nới lỏng tiền tệ khi lạm phát hạ nhiệt
Việc Trung Quốc mạnh tay thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ được cho là bắt nguồn từ hiệu ứng lan truyền của việc Fed cắt giảm lãi suất. Dự báo, trong tháng tới, Canada cũng sẽ giảm 50 điểm cơ bản đối với lãi suất cơ bản. Tại Đông Nam Á, sau hơn 3 năm, Indonesia cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản xuống còn 6%. Hay Philippines cũng đã cắt giảm 2,5 điểm phần trăm trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng lớn.
Hiệu ứng nới lỏng tiền tệ được dự báo sẽ tiếp tục được nhiều nước áp dụng, tạo nên một làn gió lạc quan hơn để kích thích kinh tế toàn cầu, nhất là khi nhiều nền kinh tế ngày càng đạt nhiều tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát lạm phát.
Và rủi ro "thiên nga đen"
Tuy nhiên, giới phân tích kinh tế gần đây cũng dấy lên nỗi lo về "thiên nga đen" - một cụm từ đại diện cho diễn biến bất thường đối với nền kinh tế, đặc biệt là thị trường tài chính. Nguyên nhân dẫn đến nỗi lo này chính là sự nóng lên quá mức của giá vàng gần đây.
Khi vàng ghi nhận mức tăng giá bùng nổ lên mức cao kỷ lục mới, một số phân tích đã cảnh báo giới đầu tư nên theo dõi đà tăng một cách thận trọng, vì đó có thể là dấu hiệu rủi ro "thiên nga đen" cho nền kinh tế. Vừa qua, vàng đã phá vỡ kỷ lục, vượt mức 2.600 USD/ounce.
Với diễn biến chưa từng có trong 20 năm qua, quỹ đạo của giá vàng gần đây bị cho có thể là dấu hiệu một điều gì rất lớn có thể xảy đến cho nền kinh tế toàn cầu. Đó có thể là một cuộc suy thoái tiềm tàng, khủng hoảng nợ hoặc sự sụp đổ trong các loại tài sản nào đó như tiền điện tử. Trong suốt nhiều năm, vàng luôn được xem là nơi trú ẩn cho giới đầu tư, nên việc giá vàng tăng cao có thể bắt đầu xu hướng bán tháo các khoản đầu tư rủi ro.
Chuyên gia tư vấn tài chính Peter Schiff (Mỹ) lưu ý rằng với đà tăng của vàng cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế nhiều hơn. Ông Schiff kết nối sự gia tăng với các yếu tố kinh tế rộng lớn hơn như nợ quốc gia ngày càng tăng, lo ngại lạm phát và quyết định cắt giảm lãi suất của Fed khi mức lạm phát thực tế vượt quá mục tiêu 2%... để giải thích cho cảnh báo vừa nêu.
Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng thúc đẩy Bắc Kinh ngày càng giảm sự phụ thuộc vào USD. Tương tự, nhiều nền kinh tế khác cũng đẩy mạnh việc "phi USD hóa" và giữa nhiều biến động kinh tế thì vàng trở thành chọn lựa phù hợp trong kho dự trữ. Thêm vào đó, các điểm nóng trên thế giới như xung đột ở Trung Đông, xung đột Ukraine đều chưa có chỉ dấu khả quan về việc hạ nhiệt cũng là yếu tố có thể khiến giá vàng tăng cao. Chính vì thế, giá vàng được dự báo có thể tăng lên 3.000 USD/ounce.
Bình luận (0)