Làn gió mới của đội tuyển nữ Việt Nam ở World Cup nữ 2023

13/07/2023 13:21 GMT+7

Trong giai đoạn chuẩn bị cho World Cup nữ 2023, các cầu thủ trẻ của đội tuyển nữ Việt Nam đều để lại dấu ấn nhất định. Họ đủ khả năng và sự quả cảm để mang lại sự khác biệt ở giải đấu danh giá này.

Hải Linh (bìa trái) đang trưởng thành rõ rệt trong màu áo đội tuyển nữ Việt Nam

Hải Linh (bìa trái) đang trưởng thành rõ rệt trong màu áo đội tuyển nữ Việt Nam

Minh Tú

Ở trận giao hữu với New Zealand, đội tuyển nữ Việt Nam nhận thất bại 0-2. HLV Mai Đức Chung cũng chưa thực sự hài lòng về màn trình diễn của các học trò. Tuy nhiên, ở một góc nhìn tích cực, đội tuyển nữ Việt Nam đang có những nhân tố đáng chờ đợi.

Cả hai bàn thua của đội tuyển nữ Việt Nam đều đến trong hiệp một. Các nhân tố như Trần Thị Thu Thảo, Lương Thị Thu Thương có phần "ngợp", không chịu được sức ép dồn dập đến từ New Zealand, dẫn đến việc mắc sai lầm.

HLV Mai Đức Chung thấy rõ điều đó. Ngay đầu hiệp hai, ông thay hai cầu thủ sinh năm 2001 là Ngân Thị Vạn Sự, Trần Thị Hải Linh vào thay Thu Thảo và Thu Thương. Một quyết định quyết đoán của vị tướng già lão luyện sa trường.

Nhờ đó, thế trận lập tức cải thiện. Sức trẻ và sự quả cảm từ Vạn Sự, Hải Linh giúp đội tuyển nữ Việt Nam tranh chấp tốt hơn. Đồng thời, họ cũng tự tin chơi bóng để cùng các đồng đội kiểm soát bóng nhiều hơn.

Đội hình xuất phát đội tuyển nữ Việt Nam trận gặp New Zealand

Đội hình xuất phát đội tuyển nữ Việt Nam trận gặp New Zealand

VFF

Những con số cũng thể hiện rõ bộ mặt tích cực của đội tuyển nữ Việt Nam trong hiệp 2 so với hiệp 1. Tỷ lệ kiểm soát bóng chỉ tăng nhẹ từ 36% lên 38% nhưng số lần nhận những cú dứt điểm của đối thủ giảm đáng kể, 8 so với 19.

Nhờ đó, sức ép về phía khung thành thủ môn Trần Thị Kim Thanh không còn quá lớn, giúp hàng thủ cũng ổn định tinh thần hơn. Do vậy, đội tuyển nữ Việt Nam không phải nhận thêm bàn thua và bảo toàn mành lưới trong suốt hiệp 2.

Ở biên phải, Vạn Sự làm cực tốt ở nhiệm vụ phòng ngự. Tỷ lệ tranh chấp tay đôi thành công, chuyền chính xác của hậu vệ phải này là 75%. Ngoài ra, cô còn có 1 lần giải vây, thực hiện 2 pha tắc bóng và nhận điểm số 6,8 từ Sofascore. Tất cả con số này đều vượt trội đàn chị Thu Thảo.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Vạn Sự và Thu Thảo chính là khả năng hỗ trợ tấn công. Nhìn vào bản đồ nhiệt, chúng ta thấy rõ rằng Vạn Sự có nhiều tình huống dâng cao, hoạt động tích cực ở phần sân đối phương. Trong khi đó, Thu Thảo gần như tập trung 100% cho nhiệm vụ phòng ngự.

Ngân Thị Vạn Sự trong buổi tập của đội tuyển nữ Việt Nam

Ngân Thị Vạn Sự trong buổi tập của đội tuyển nữ Việt Nam

Minh Tú

Trong khi đó, Hải Linh vượt trội Thu Thương ở khoản xử lý bóng. Hai cầu thủ này cùng chơi 45 phút, tung ra số đường chuyền gần như bằng nhau (21 so với 22). Tuy nhiên, tỷ lệ chính xác của Hải Linh là cao hơn nhiều (71% so với 55%).

Đây cũng là một phần nguyên nhân giúp đội tuyển nữ Việt Nam có thế trận trong hiệp 2 tốt hơn so với hiệp 1, nhất là khả năng thoát pressing. Nhìn chung, Hải Linh và Vạn Sự đều có những bước tiến bộ lớn trong khoảng thời gian qua.

Tại SEA Games 32, Hải Linh còn được thường xuyên đá chính trong khi Vạn Sự đều tạo được dấu ấn mỗi lần được trao cơ hội. Đó chính là kết quả của những chiến lược dài hạn để gối đầu nhân sự của HLV Mai Đức Chung, như cách ông nói về chuyển giao thế hệ từ 2-3 năm trước.

Ở World Cup nữ 2023, giải đấu đội tuyển nữ Việt Nam phải đối đầu những thế lực lớn như Mỹ, Hà Lan hay Bồ Đào Nha. Chắc chắn, những đàn chị sẽ vẫn là bộ khung chính bởi kinh nghiệm và bản lĩnh dày dạn kinh nghiệm của mình.

Nhưng song song đó, sức trẻ và tinh thần không biết sợ của các nhân tố mới như Hải Linh, Vạn Sự hay Vũ Thị Hoa cần được trao cơ hội để tạo ra sự bùng nổ như cách HLV Mai Đức Chung muốn đội tuyển nữ Việt Nam phải nhanh hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.