Làn gió mới trên chính trường thế giới

15/02/2018 07:00 GMT+7

Năm 2017 đã chứng kiến chiến thắng của những chính khách trẻ trung, năng động và đầy nhiệt huyết nhưng không kém phần cá tính, lãng mạn.

Tháng 1.2017, nước Mỹ đón tổng thống cao niên nhất từ trước đến nay khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng ở tuổi 71. Ngoài ra, những nhân vật được dự đoán có thể tiếp tục cạnh tranh với nhà lãnh đạo trên đường đua vào Nhà Trắng trong năm 2020 hiện đều ở độ tuổi cổ lai hy như thượng nghị sĩ Bernie Sanders (76 tuổi), cựu Phó tổng thống Joe Biden (75 tuổi) và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (70). Nếu như quan niệm chủ đạo trên chính trường Mỹ vẫn là “gừng càng già càng cay” thì tại một số nước phát triển khác, thế hệ chính khách mới đầy trẻ trung lại chiếm ưu thế.
Những “soái ca” châu Âu
Vào tháng 10.2017, dư luận vừa ngỡ ngàng vừa thán phục khi chàng trai 31 tuổi và chưa có bằng đại học Sebastian Kurz trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất lịch sử nước Áo lẫn EU. Với phong cách lãng tử, thân thiện và gương mặt không thua kém tài tử điện ảnh nào, ông Kurz đã dẫn dắt đảng cánh hữu Nhân dân (OVP) giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.
Theo tờ Der Spiegel, nhà lãnh đạo trẻ tham gia OVP từ năm 16 tuổi và đến năm 2010, ông trở thành cố vấn Hội đồng thành phố Vienna sau thành công ở kỳ bầu cử địa phương. Tháng 4.2011, khi chưa tròn 25 tuổi, chàng sinh viên ngành luật của Đại học Vienna chính thức đặt chân vào nội các Áo ở vị trí Thứ trưởng chuyên trách Hòa nhập xã hội trực thuộc Bộ Nội vụ. Ngay sau đó, ông quyết định dừng việc học để theo đuổi chính trị nên đến nay thủ tướng vẫn chưa có bằng đại học.
Thủ tướng Sebastian Kurz của Áo Ảnh: OVP

Nhậm chức trước ông Kurz 5 tháng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là chủ nhân Điện Élysée trẻ nhất trong lịch sử (39 tuổi) và được xem là dẫn đầu phong trào trẻ hóa lãnh đạo ở châu Âu. Cử tri kỳ vọng ông mang đến hơi thở mới của niềm hy vọng và thay đổi, vốn phần nào phai nhạt sau nhiều năm đi theo lối mòn chính trị truyền thống. Trên bình diện khu vực, trong một giai đoạn dài EU được dẫn dắt bởi “tam đầu chế” Anh - Đức - Pháp với nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel có phần nổi trội hơn. Giờ đây, khi mà Anh quyết chia tay EU còn bà Merkel gặp khó khăn nội bộ thì Tổng thống Macron có triển vọng trở thành đầu tàu mới của khối, tờ The Independent dẫn lời giới quan sát nhận định.
Tổng thống Macron còn được phái nữ xem là hình mẫu “soái ca” hoàn hảo khi ông luôn điềm tĩnh, cương quyết bảo vệ Đệ nhất phu nhân Brigitte và mối tình không thể lãng mạn hơn của hai người. Khoảng cách 24 tuổi không thể ngăn cản tình yêu của nhà lãnh đạo trẻ dành cho cô giáo cũ của mình và cả hai đã cùng nhau vượt qua mọi định kiến của dư luận.
Nữ thủ tướng thích làm DJ
Không thua kém các đấng mày râu nói trên, bà Jacinda Ardern hồi tháng 8.2017 đã trở thành thủ tướng trẻ nhất New Zealand kể từ năm 1856. Ở tuổi 37, bà Ardern vẫn còn có phần xa lạ với thế giới bên ngoài, nhưng cử tri và giới quan sát nước này từ lâu đã chứng kiến những bước phát triển của nữ lãnh đạo kể từ khi bà đắc cử vào quốc hội năm 28 tuổi.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern Ảnh: AFP

Quyết tâm dấn thân vào chính trường của nữ thủ tướng khởi đầu từ rất sớm. BBC dẫn lời bà kể lại mình lớn lên tại những thị trấn nhỏ Morrinsville và Murupara với dân số chủ yếu là cộng đồng người Maori bản địa. Suốt thời thơ ấu bà đã chứng kiến “những đứa trẻ đi chân trần vì không có giày mang, phải nhịn đói vì chẳng có gì ăn”. Những hình ảnh đó đã thôi thúc bà tham gia các hội đoàn chính trị từ năm 17 tuổi.
Vào thời điểm đa số các cô gái cùng tuổi vẫn chưa xác định rõ ràng mục đích cho tương lai, Ardern đã hạ quyết tâm thay đổi tình trạng bất bình đẳng tại New Zealand. Trước khi New Zealand bước vào tổng tuyển cử ngày 23.9.2017, chuyên gia phân tích chính trị kỳ cựu của nước này là nhà báo Colin James đã nhận định bà Ardern “có tố chất và tiềm năng để thẳng tiến đến vị trí cao nhất”. Bà tiếp nhận quyền lãnh đạo Công đảng vào ngày 31.7 và chỉ được thông báo trước 60 phút về sự thoái nhượng của Chủ tịch Andrew Little, người thừa nhận không đủ sức lèo lái đảng này giành chiến thắng khi cuộc tổng tuyển cử chuẩn bị diễn ra trong chưa đầy 2 tháng nữa.
Thế nhưng, chính bản năng và nhiệt huyết của bà đã gây ấn tượng mạnh với cử tri. Nữ thủ tướng từng tiết lộ sở thích khi rảnh rỗi là “nghịch đĩa”, tức làm DJ, và tự nhận mình là “kẻ dở hơi chấp nhận được”. Vẫn còn quá sớm để đánh giá thành công hay thất bại vì nhiệm kỳ của bà chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, chắc chắn rằng New Zealand đang khao khát một làn gió đổi mới và có lẽ bà Ardern sẽ làm được điều đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.