Lan Trung Quốc ít về, lan Việt lên ngôi
Ghi nhận tại chợ hoa Vạn Phúc (Q.Hà Đông, Hà Nội) gần nửa tháng trước tết, các điểm bán hoa lan hồ điệp ở đây có khá đông khách xem, đặt mua. Người bán hoa thậm chí phải vừa ăn cơm hộp vừa phải giao hoa cho khách.
Lan hồ điệp Việt Nam được giao dịch sôi động tại chợ hoa Vạn Phúc (Q.Hà Đông, Hà Nội) |
Phan Hậu |
Năm nay lan hồ điệp nội chiếm lĩnh thị trường khi hàng Trung Quốc về ít do ách tắc ở biên giới. Ngoài ra, những năm gần đây, người tiêu dùng chơi lan hồ điệp trong nước nhiều hơn nên giới kinh doanh phải chiều theo nhu cầu khách hàng.
Theo chị Phạm Thị Huyền, chủ một đại lý lớn chuyên lan hồ điệp, năm ngoái đến ngày 26 - 27 tháng Chạp, lan hồ điệp Trung Quốc vẫn về, còn năm nay lan hồ điệp Trung Quốc về chợ chỉ bằng 1/3, trước tết nửa tháng nhiều đại lý đã ngừng hoặc không thể nhập hàng Trung Quốc.
Cũng theo chị Huyền, năm nay ghi nhận sự dịch chuyển một lượng lớn khách chuyển từ chơi hoa Trung Quốc sang lan hồ điệp Việt Nam, đặc biệt là hoa từ Đà Lạt.
Chị Huyền cho biết, lan hồ điệp Trung Quốc có điểm nổi bật là màu sắc phong phú, hoa to hơn, ngồng hoa dài, cánh hoa mỏng, còn hoa Việt Nam thường là cánh bé, hoa không to, ngồng hoa ngắn nhưng đanh hơn, cánh hoa rất dày. Giá bán hoa Việt Nam so với hàng Trung Quốc luôn cao hơn 30.000 - 50.000 đồng/cây.
"Hoa Trung Quốc trồng ở Côn Minh có khí hậu rất lạnh, thiếu ánh sáng và sử dụng hệ thống lò sưởi, khi đưa về Việt Nam phải dùng thuốc hãm nên nhanh tàn. Lan Trung Quốc chơi lâu nhất được tầm 1 tháng, trong khi lan Việt Nam thì chơi lâu gấp đôi, thậm chí khéo chăm tưới có thể chơi đến 3 tháng, nên dù đắt vẫn có nhiều người mua”, chị Hương nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ một chuỗi cửa hàng kinh doanh lan hồ điệp ở Q.Tây Hồ và Q.Thanh Xuân, nói: “Lan hồ điệp Trung Quốc giá rẻ hơn, chỉ phù hợp với trang trí sự kiện, bày bàn tiệc. Nếu chơi tết trong nhà, đa số khách sẽ chọn lan Việt Nam vì chơi được dài ngày hơn”, ông Hùng nói và cho biết cửa hàng của ông chỉ nhập lan hồ điệp Trung Quốc phục vụ thị trường trong năm. Còn từ cuối tháng 11 âm lịch đã chuyển sang nhập hoa của các nhà vườn trong nước để bán tết.
Giá tăng nhẹ, dự báo hết hàng trước tết
Ghi nhận tại các chợ hoa Quảng Bá (Q.Tây Hồ), Vạn Phúc (Q.Hà Đông) và một số điểm bán lẻ truyền thống trên đường Lạc Long Quân, đường Lê Văn Lương, đường Hoàng Quốc Việt, khu vực trước sân vận động Mỹ Đình,… lượng lan hồ điệp chủ yếu là của Việt Nam được chuyển về từ các nhà vườn tại Lai Châu, Sơn La, Hà Nội, Lâm Đồng và Hưng Yên. Giá bán hoa phổ biến từ 200.000 - 250.000 đồng/cành, đặc biệt, loại “lan 4.0” mỗi cành từ 15 - 20 bông nở trở lên giá lên tới 600.000 - 1 triệu đồng/cành.
Chị Đàm Thị Thu Hà, người có nhiều năm kinh doanh lan hồ điệp Đà Lạt, cho biết: “Nhiều đại lý trước đây chuyên hoa Trung Quốc giờ chuyển sang nhập hàng trong nước nên nguồn hàng hiếm. Ở nhiều vườn, các đại lý phải chia nhau từng chậu. Dự báo năm nay lan sẽ bán hết trước tết”, chị Hà nói.
Theo anh Trần Mạnh Hiệp, chủ đại lý hoa trên đường Lê Văn Lương (Q.Thanh Xuân), hoa bán ở đây được nhập từ HTX Đan Hoài (H.Đan Phượng, Hà Nội) và các trung tâm hoa lan của Trường đại học Nông nghiệp, hiện tại giá nhập lan màu đỏ tím, màu trắng lõi vàng đã tăng giá 20.000 đồng/cành so với tuần trước. Còn với dòng hoa màu “cô gái Nhật Bản”, “địa chủ”… thì đã “cháy” hàng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết nhu cầu chơi hoa lan hồ điệp của người tiêu dùng trong nước tăng mạnh trong những năm gần đây. Số lượng nhà kính trồng lan ở Lâm Đồng năm sau cao hơn năm trước khoảng 30% nhưng vẫn chưa đủ hàng cung cấp cho thị trường.
Các nhà vườn tại Đà Lạt năm nay cung ứng ra thị trường khoảng 6 triệu cành lan, bán buôn từ 130.000 - 160.000 đồng/cành, tăng 10% so với năm ngoái nhưng đến nay nhiều vườn đã hết hàng.
Theo ông Sang, năm 2021 và đặc biệt là dịp tết Nguyên đán năm nay, người chơi không còn quá ham lan giá rẻ của Trung Quốc mà chuyển sang chơi lan trong nước, đặc biệt là lan Đà Lạt. Một số chủ buôn lớn ở Hà Nội đã vào tận vườn ký hợp đồng sản xuất, chốt lượng hoa thu mua ngay từ đầu vụ.
“Các nhà vườn trồng lan hồ điệp ở Đà Lạt có sự tiến bộ vượt bậc. Họ đầu tư có chiều sâu, ứng dụng công nghệ tốt, đặc biệt là kỹ thuật nhuộm màu từ tế bào khi nuôi cấy phôi và cho ra những bông hoa màu sắc rực rỡ, mới lạ. Hoa nở to hơn, ngồng dài hơn, phục vụ khách hàng cao cấp. Ngoài ra, các nhà vườn cũng có nhiều loại hoa nhỏ vừa túi tiền để người thu nhập thấp cũng có thể chơi được lan hồ điệp”, ông Sang nói.
Bình luận