Chuyện sử dụng không tiết kiệm điện của tôi bị phạt kể ra dài dòng lắm nhưng không thể giữ bí mật mãi. Số là tôi có vài năm sống và học tập tại một trường sĩ quan ở miền Bắc. Mùa nắng thời ấy cũng rất khắc nghiệt. Hai chiếc quạt trần là “phao cứu sinh” duy nhất với tôi và anh em cùng phòng.
Ngày hôm đó đã đến giờ ăn cơm, cả tiểu đội nhanh chóng xếp hàng xuống nhà bếp. Thế nhưng không hiểu sao đại đội trưởng với gương mặt nghiêm nghị, giọng nói đanh thép, yêu cầu cả tiểu đội buộc phải quay trở về phòng nghỉ.
Thì ra hai chiếc quạt trần vẫn còn quay vù vù trong căn phòng không một bóng người. Mặc dù ai cũng đói sau một buổi sáng huấn luyện nóng bừng cả mặt thế nhưng cả tiểu đội vẫn phải bị đứng nghiêm chừng 5 phút để nghe đại đội trưởng quán triệt, nhắc nhở. Đồng chí đại đội trưởng nghiêm khắc cảnh báo: Nếu tiểu đội này còn tái phạm, chỉ huy đại đội sẽ có hình thức xử phạt phù hợp.
Hạ quyết tâm đánh thắng giặc đãng trí
Cả tiểu đội tôi trưa hôm ấy đành ngủ trễ hơn, ngồi lại bàn bạc cách khắc phục lối sống “nhanh, ẩu, đoảng” của mình. Bàn tới bàn lui, cuối cùng, anh tiểu đội trưởng chốt hạ: "Ai ra khỏi phòng cuối cùng người đó tắt quạt".
Trong quá trình “thực thi”, có trường hợp hai người cùng ra cuối cùng. Khi ấy “tính trẻ con” lại bộc lộ ra, cả hai người đứng đó phân bua mất mấy phút chỉ để xác định ai là người tắt công tắc… Thật ra chúng tôi chỉ đùa nhau cho giảm bớt căng thẳng. Trong các buổi sinh hoạt đơn vị, chúng tôi đã được thủ trưởng quán triệt, giáo dục rất kỹ về lợi ích, tác dụng của thói quen tiết kiệm điện. Cho nên anh em “quyết tâm đánh thắng giặc đãng trí” để không để bị nhắc nhở lần hai.
Nhưng không may, lần hai đã xuất hiện. Khi chúng tôi ở giảng đường, đại đội trưởng ở nhà kiểm tra nội vụ đã thấy hai bóng đèn huỳnh quang vẫn sáng trưng trong phòng tiểu đội tôi. Lần này, anh không thể không “giữ lời hứa”. Đúng vậy, chúng tôi bị phạt cuốc đất vườn tăng gia, quét dọn toàn bộ khuôn viên của đại đội trong vòng bốn ngày, còn bị nhắc nhở nghiêm khắc trước toàn đại đội. Bài học này thì quả là nhớ suốt đời luôn.
Sau này khi ra trường trở thành sĩ quan, tôi thường hay nhớ về những lần bị nhắc nhở nghiêm khắc và bị phạt lao động ấy. Cũng từ đó, tôi luôn quan tâm đến việc giáo dục bộ đội tiết kiệm điện từ những thói quen nhỏ nhất. Khi ra khỏi phòng phải tắt toàn bộ thiết bị điện.
Sau giờ huấn luyện, mọi chiến sĩ nếu không tăng gia sản xuất thì phải tham gia thể dục thể thao ngoài trời để rèn luyện sức khoẻ, không ngồi trong phòng. Đối với cán bộ chỉ huy, rút thiết bị sạc ra khỏi ổ cắm điện. Nếu pin điện thoại hay máy tính xách tay đã đầy, vừa tiết kiệm điện vừa giữ pin được bền, sử dụng đúng các trang thiết bị theo quy định của quân đội, không tự ý mua sắm thêm các đồ dùng điện như ấm đun nước siêu tốc, quạt máy, tủ lạnh, loa kẹo kéo…
Tiết kiệm điện cũng được đơn vị tôi đưa vào tiêu chí thi đua, nhất là phong trào “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp”. Theo đó, đơn vị dần chuyển sang dùng đèn LED, đèn năng lượng mặt trời, tắt bớt đèn đường nội bộ sau 22 giờ đêm.
Cán bộ doanh trại thường xuyên lập đoàn kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các bộ phận chấp hành không nghiêm quy tắc bảo đảm an toàn và tiết kiệm điện, đưa vào nội dung vi phạm kỷ luật và trừ điểm thi đua. Đơn vị đã quy hoạch, xây lắp hệ thống điện đồng bộ: Treo buộc dây điện gọn gàng, đúng kỹ thuật các điểm nối dây điện không để chập cháy. Chương trình phát thanh nội bộ cũng thường xuyên tuyên truyền về chủ trương tiết kiệm điện của Nhà nước và quân đội.
Với tôi, đích đến cuối cùng của các biện pháp tiết kiệm điện là rèn cho bộ đội có thói quen sử dụng điện một cách hợp lý, có kỷ luật. Hành động tiết kiệm điện phải làm thường xuyên và tự giác, ngay cả khi xuất ngũ trở về địa phương.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)