Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng một số đối tượng ngang nhiên đổ đất lấn dòng suối Đắk R'tih, lấn cả khu vực chân cầu Km11+588 (thuộc địa bàn P.Nghĩa Tân và P.Nghĩa Phú, TP.Gia Nghĩa) để chiếm đất "tạo view" suối, PV Thanh Niên vào cuộc điều tra.
"BÓP NGHẸT" DÒNG SUỐI
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, cầu Km11+588 nối tuyến đường tránh Gia Nghĩa với QL14 nên lượng ô tô, xe tải qua lại liên tục. Khi đứng sát thành cầu để ghi lại cảnh hàng trăm mét khối đất đã bị đổ xuống khu vực chân cầu, chúng tôi không khỏi rùng mình bởi cây cầu liên tục có dấu hiệu rung chấn mỗi khi có xe tải chạy qua.
Qua quan sát, dòng suối Đắk R'tih chảy dưới chân cầu bị lớp đất dày "bóp nghẹt", những con đường dân sinh đã "mọc" lên. Trên nền đất, dấu vết của chiếc xe ben ra vào đổ đất vẫn còn nguyên vẹn. "Họ ngang nhiên lấn dòng suối đã đành, ngay cả khu vực chân cầu họ cũng không tha. Chính quyền địa phương đã ở đâu?", một người dân bức xúc.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tình trạng dòng suối bị lấn, lượng lớn đất đổ xuống khu vực chân cầu đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Cả hai bên đầu cầu đều bị lấn chiếm trái phép. Phía đầu cầu thuộc địa bàn P.Nghĩa Tân, khu vườn "view suối" đã hình thành; cây trồng và cả hàng rào sắt ngăn cách với dòng suối cũng được dựng lên. Tại đầu cầu thuộc địa bàn P.Nghĩa Phú, tình trạng đổ đất xuống suối và khu vực chân cầu vẫn âm ỉ diễn ra. Trong vai người cần thuê mặt bằng trên QL14, chúng tôi dò hỏi thông tin về chủ khu đất có "mặt tiền" giáp với chân cầu, thì được một người dân tiết lộ: "Họ liên tục đổ đất xuống suối để tăng thêm diện tích. Tuy nhiên, việc đổ đất thường diễn ra vào ban đêm. Chủ đất cũng ít xuất hiện nên khó tìm gặp để thuê mặt bằng lắm".
CÓ HAY KHÔNG TÌNH TRẠNG "BẢO KÊ" ?
Ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch UBND P.Nghĩa Phú (TP.Gia Nghĩa), cho biết sau khi nhận được phản ánh của Báo Thanh Niên, ông đã chỉ đạo cán bộ phường xuống hiện trường ghi nhận thực tế. Thông tin ban đầu cho thấy việc lấn dòng suối và khu vực chân cầu là do một cá nhân thực hiện. "Diện tích họ lấn chiếm bao nhiêu, sai phạm như thế nào, chúng tôi vẫn đang rà soát, kiểm tra. Vụ việc sẽ được phường rà soát, lập hồ sơ và báo cáo đầy đủ lên UBND TP.Gia Nghĩa", ông Sơn nói.
Còn đại diện UBND P.Nghĩa Tân cho hay đơn vị đã lập biên bản, xử phạt hành chính chủ đất tại khu vực PV Thanh Niên ghi nhận, phản ánh. "Chủ khu đất là ông P.H.H (52 tuổi, ngụ TP.Gia Nghĩa). Chúng tôi đã xử phạt ông H. với hành vi hủy hoại đất đối với trường hợp làm biến dạng địa hình với diện tích 490 m2. Mức xử phạt là 3,5 triệu đồng", đại diện UBND P.Nghĩa Tân nói và khẳng định sau khi nhận được một số hình ảnh, chứng cứ mà PV cung cấp thêm, cán bộ địa chính phường sẽ tiếp tục xuống kiểm tra hiện trạng đất.
Nói về việc ngay cả khu vực chân cầu cũng bị đổ đất, đại diện UBND P.Nghĩa Tân cho rằng đơn vị cũng nhận thấy bất cập và nguy cơ ảnh hưởng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nên đã báo cáo vụ việc với Sở GTVT tỉnh Đắk Nông. "Họ đổ đất vào ban đêm nên rất khó bắt quả tang. Để xử phạt hành chính, có thời điểm chúng tôi phải "mật phục" lúc nửa đêm", đại diện UBND P.Nghĩa Tân nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó chủ tịch UBND TP.Gia Nghĩa, khẳng định TP.Gia Nghĩa đã chỉ đạo UBND phường báo cáo, kiểm tra sự việc ngay sau khi nhận được phản ánh của Báo Thanh Niên; đồng thời xử lý nghiêm, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng đất nếu phát hiện sai phạm.
"Việc san lấp diễn ra ngay giữa khu dân cư đông đúc, có dấu hiệu bảo kê của chính quyền địa phương hay không?", PV Thanh Niên nêu vấn đề. Ông Tịnh trả lời: "Không, không có hiện tượng bảo kê đâu. Cái này TP.Gia Nghĩa đã chỉ đạo các địa phương rồi, phải bảo vệ để đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Chắc chắn là không có bảo kê".
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Tịnh cho hay những đối tượng san lấp trái phép thường làm vào các ngày nghỉ thứ bảy hoặc chủ nhật; hoặc làm vào ban đêm. Trong khi cán bộ địa chính phường rất mỏng, thường chỉ có một nhân sự nên rất khó phát hiện, xử lý kịp thời. Trước tình trạng ngay cả khu vực chân cầu cũng bị đổ đất lấn chiếm, ông Tịnh khẳng định sẽ kiểm tra, xử lý; đồng thời cho hay sẽ có các biện pháp để đảm bảo an toàn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
"Việc khắc phục, nếu có, cũng phải rất thận trọng để không ảnh hưởng đến kết cấu của chân cầu", ông Tịnh nói và cho hay dòng suối bị lấn chiếm hiện là con suối cạn, vì đập thủy điện gần đó đã ngăn dòng chảy. Tuynhin, việc thay đổi dòng chảy tự nhiên là điều không thể chấp nhận, phải xử lý nghiêm.
Bình luận (0)